GIẢI VỀ PHÁP THANH TỊNH ‒ VISUDDHIKATHĀ

Tất cả nhân loại trong thế gian, cho dù là hạng người nào, ai cũng đều mong tìm sự yên vui, chẳng có ai bỏ vui mà tìm khổ.

Những người hằng ngày lo chuyên cần làm các nghiệp nghệ, chỉ trông được sự vui sướng lâu dài, trăm mưu ngàn kế, cũng chỉ vì nhu cầu hạnh phúc. Nghiệp nghệ có nhiều thứ: nghề khó, nghề dễ, nghề nặng, nghề nhẹ, nghề nhiều hoặc nghề ít, theo thông thường của người trong mỗi xứ, nghề nghiệp sanh nhai đại khái chỉ theo đường thủy và đường bộ. Nghề nghiệp tuy nhiều, nhưng nói tóm lại chỉ có hai là nghề lành và nghề dữ. Nghề lành (anāvajjakamma) nhất là lánh xa năm điều ngăn. Nghề dữ (sāvajjakamma) nhất là phạm ngũ giới cấm.

Người đời chỉ làm một trong hai nghề ấy. Trong hạng người làm nghề dữ, có kẻ biết rằng mình làm nghề dữ, nhưng vì sự nuôi sanh mạng hoặc cùng đường, nên vẫn làm càng. Có người vì tối tăm, ngu dốt, không rõ nghề ấy là tội hoặc vì thói quen, không ai chỉ bảo, nên phải lầm lạc làm theo ý mình, không lòng ghê gớm. Những nghiệp dữ hằng đem đến cho người các điều khổ não, lo sợ, buồn rầu và than tiếc. Việc chẳng lành, nhất là sát sanh mà người đã phạm rồi thì quả khổ sẽ vấn vít theo người như bóng tùy hình.

Lại nữa, tạo nghiệp dữ, thì người sẽ mang quả khổ, phải chịu nhiều điều đau thương khóc hại không sai, hoặc khi giữa đám đông người hằng có sự lo sợ ái ngại, như các con bò có ghẻ trên lưng, hằng lo sợ quạ, ruồi bay theo mổ hút.

Nghiệp dữ là nhân sanh điều lo sợ khổ não. Còn nghề lành là nhân sanh sự hạnh phúc yên vui, làm cho thân tâm được mát mẻ, thơ thới, cho nên chư thiện tín, mỗi khi làm việc gì, cần phải dè dặt, xem xét cho chu đáo. Nghiệp nào nên làm sẽ làm, chẳng nên quên, vì nghề nghiệp là nguyên nhân đem đến sự lành, điều dữ cho mình.

Sự lành mà mình nên mong cầu ấy có nhiều thứ: chúng sanh mà được tái sanh làm người gọi là được vui sướng hơn loài cầm thú. Nhưng thông thường phàm nhơn khi được vui thì hằng luyến ái quên mất tánh chơn, đến nỗi sai lầm, làm những việc tội lỗi bạo tàn, nên chi phải chịu nhiều điều thống khổ. Vui trong ngũ dục là vui vô thường, gọi là vui tương đối, hằng đi cặp với khổ, khi vui, khi khổ, chẳng phải cái vui bền bỉ, dầu là vui trên cõi trời, thọ hưởng nhiều điều lạc thú tự nhiên, như là sống lâu, sắc đẹp, sang cả thì cũng gọi là vui vô thường, vì cũng còn phải thọ sanh nhiều đời, nhiều kiếp, mặc dầu sự vui ấy là được lâu dài, cao thượng hơn ở thế gian.

Nói tóm lại, sự vui có ở trong cõi người, cõi trời và vui trong Niết-bàn. Vui trong hai cõi trước gọi là vui vô thường, vui trong vòng khổ não, vui theo hoàn cảnh, nhất là vui theo sắc tướng mà thánh nhơn thường hay ghê gớm; vui trong cõi Niết-bàn là vui tuyệt đối, vui không lẫn lộn với khổ, là vui độc nhất, vui ngoài vòng khổ não, vui yên lặng, xa lìa cảnh giới, chẳng còn một mảy may chướng ngại.

Khi chưa chứng quả Phật, còn mắc trong vòng sanh tử, luân hồi đã nhiều kiếp, đức Bồ-tát đã từng gặp biết bao điều vui sướng, nhưng sự vui ấy thường hay lẫn lộn với sự khổ. Ngài hằng suy xét đem so sánh với các cõi trong mỗi kiếp, chẳng thấy nơi nào có vui mà không khổ như vui trong Niết-bàn. Cho nên, ngài năng chuyên cần lo tu bổ pháp thập độ đã nhiều kiếp để lánh khỏi sự vui tương đối với khổ, hầu thọ hưởng cái vui vô cùng vô tận.

Con đường tiếp dẫn chúng sanh đến cõi yên vui tuyệt đối là Niết-bàn ấy gọi là con đường thanh tịnh cả thân, khẩu, ý mà được thành tựu là nhờ có trí tuệ sáng suốt. Những người không trau dồi thân, khẩu, ý không sao đi đến nơi dứt khổ là Niết-bàn được. Cho nên, hành giả khi thấy tội lỗi trong ngũ dục, thấy phước báu trong sự dứt bỏ ngũ dục, mong ra khỏi tam giới, thoát khỏi nạn luân hồi, thì cần phải hết lòng tinh tấn trong nghiệp lành. Thân, khẩu, ý được trong sạch đều đủ, trí tuệ được hoàn toàn sáng suốt, mới có thể thấy rõ Niết-bàn.

Thiện pháp là con đường, mà các bậc trí tuệ, nhất là đức Phật đã hành trình rồi, có nhiều chi không sao kể xiết. Đây chỉ giải vắn tắt về pháp ‘Thanh Tịnh’ theo thứ tự từ thấp chí cao đến Niết-bàn, để làm kim chỉ nam cho hàng Phật tử học tập và thực hành theo.

Tiếng ‘thanh tịnh’ nghĩa là trong sạch hoặc chơn chánh. Những nhà đạo sĩ xưa kia tưởng rằng: Pháp trong sạch ở chỗ tu khổ hạnh, như ngâm mình trong nước mùa đông, mỗi ngày ba lần để dứt trừ phiền não và làm cho mình trở nên thanh bạch. Sự tu hành theo đạo sĩ như thế chẳng phải là phương pháp chơn chánh, ấy là điều làm cho thân tâm mỏi mệt vô ích thôi.

Tiếng ‘thanh tịnh’ (suddhi) trong chỗ này nói về cách hành vi chơn chánh, là phép làm cho thanh tịnh thân, khẩu, ý, cho đến khi thành công đắc quả Niết-bàn, như thế mới gọi là ‘thanh tịnh’.

Bảy pháp thanh tịnh. Thanh tịnh vì sự trì giới (sīlavisuddhi). Thanh tịnh vì sự sửa trị tâm (cittavisuddhi). (Hai pháp thanh tịnh này, thuộc về căn pháp để tu pháp minh sát). Thanh tịnh vì sự hiểu thấy chơn chánh (diṭṭhivisuddhi). Thanh tịnh vì sự dứt khỏi hoài nghi (kaṅkhāviṭaraṇavisuddhi). Thanh tịnh vì trí tuệ thấy rõ là đạo hay chẳng phải đạo (maggāmaggañāṇadassanavisuddhi). Thanh tịnh vì trí tuệ thấy rõ cách thức tiến hóa (trong 9 pháp minh sát tuệ) (paṭipadāñāṇadassanavisuddhi). Thanh tịnh vì trí tuệ thấy rõ Thánh đạo (ñāṇadassanavisuddhi). (Năm pháp thanh tịnh này thuộc về cốt tủy của pháp minh sát). Theo đây, sẽ giải lần lượt mỗi pháp thanh tịnh như sau này.

1.      Pháp thanh tịnh thứ nhất

Sự biết rõ giới có chi tiết là nhờ oai lực của Đức Chánh Biến Tri, đấng giác ngộ trong thế gian. Ngài là Giáo chủ của chư Thiên và nhơn loại. Ngài chế định giới luật khuất lấp đã lâu đời rồi cho chúng sanh thấy rõ rệt, dễ hiểu, có kỷ luật, hiệp theo căn cơ của chúng sanh, tùy giai cấp xã hội, không chi trở ngại.

Ngài thuyết giới chia ra làm nhiều chi tiết, vừa cho hàng cư sĩ và xuất gia thọ trì, hầu ngăn ngừa các điều tội lỗi. Giới để phòng ngừa những tội sanh do thân và khẩu. Giới có thể làm cho thân và khẩu được trang nghiêm, tránh khỏi điều oan kết, chỉ có tâm từ bi đối với nhơn loại và cầm thú. Giới hằng sửa trị những người trong gia tộc, quen thói thô lỗ xấu xa, trở làm người có tư cách tốt đẹp, đáng làm mô phạm cho kẻ tương lai.

Những người muốn thọ trì giới được chín chắn trong sạch, cần phải có nhiều đức tin trong giới. Phải quý trọng giới như sanh mạng của mình, như có Phật ngôn rằng: “Người đời phải làm cho giới được trong sạch, là điều trọng yếu, dầu có sự tai hại đến thân mạng mình, cũng không nên phá. Thu thúc giới, là hạn chế thân, khẩu không cho phóng túng mà đức Thiên Nhơn Sư đã truyền giáo” (pāṭimokkhaṃvisodhento appeva jīvitaṃ jahe paññattaṃ lokanāthena na bhindesīlasaṃvaraṃ). Những người muốn hành đạo bậc thượng, trước hết cần phải giữ giới mà mình đã thọ trì cho trong sạch đều đủ, mới có thể tu lên bậc trên được.

Giới là hơi thở của nền Phật giáo hoặc là pháp trọng yếu của người tu Phật. Giới là căn sanh các pháp lành, là khuôn mẫu đầu tiên để phân biệt người xấu hoặc tốt, là bằng chứng, là khí cụ để nhìn nhận cho thấy khác hơn cầm thú.

Lại nữa, giới như món binh khí để chiến thắng các phiền não thô thiển, có thể phá hoại điều học được. Người trì giới được trong sạch rồi, gọi là có hơi thở dễ dàng, nghĩa là có thể hành đạo bực trung và bực thượng được, ví như nấc thang lên đến nhà vậy. Người có giới trong sạch, được lánh xa những oan kết và điều lo sợ, từ đây cho đến kiếp sau. Giới là nơi dựa chứa các pháp lành, ví như quả địa cầu là nơi nương nhờ của tất cả nhơn loại, cùng cầm thú và thảo mộc.

Giới có nhiều chi, mặc dầu cũng gom vào trong bốn bậc sau này: 1) Giới thường (nīccasīla) là nói về ngũ giới mà các hàng thiện nam tín nữ già hoặc trẻ đều nên thọ trì hằng ngày, không hạn kỳ và pháp thập thiện là luật tại gia cư sĩ; 2) Bát quan trai giới (uposathasīla) là giới của phần thiện tín có lòng muốn hành bực cao, thọ trì theo hạn kỳ; 3) Thập giới (atirekasīla) là giới để cho sa di, sa di ni hoặc hàng cư sĩ A-na-hàm hoặc phàm nhơn tại gia có nhiều đức tín, là giới cao thượng hơn ngũ giới và bát quan trai giới; 4) Tứ-thanh-tịnh-giới (catuparīsuddhisīla) là bốn giới, nhất là bổn giới thanh tịnh hoặc gọi là biệt biệt giải thoát thu thúc giới (pāṭimokkhasaṃvarīsīla) cho chư tỳ khưu và tỳ khưu ni.

Trong cả bốn phần giới đã giải, khi người đã nguyện thọ trì phần nào, cần phải trau dồi cho trong sạch, theo ba điều sau đây: không dám phá, ráng gìn giữ giới không cho phạm điều học (anapajjanaṃ); khi đã lầm lỡ phá giới rồi, phải nên mau sám hối (āpannavuṭṭhānaṃ); không để cho phiền não phá hại (kilesehi appatipilanaṃ).

Người đã thọ trì giới được trong sạch rồi, nên tiến hành pháp thiền định, gọi là pháp thanh tịnh thứ nhì (tịnh tâm).

2.      Pháp thanh tịnh thứ hai:

Giới ngăn ngừa các phiền não thô thiển; định đè nén những tội lỗi bậc trung, nhất là pháp cái[1]. Cho nên hành giả khi đã giữ giới được chín chắn rồi, nên hành thêm pháp tham thiền cho tâm trở nên trong sạch, càng lánh xa phiền não. Pháp thanh tịnh này đã có giải rộng trong pháp chánh định. Đây chỉ giảng về hai pháp: sự hành trình thường thường của cái tâm (cittānuparivattī); phương pháp trau dồi cái tâm (cittāparihara).

  1. Giải về sự hình trình thường thường của cái tâm

Trong thế gian này, chẳng có chúng sanh nào cao thượng hơn loài người, cũng chẳng có cái chi quý trọng hơn cái tâm, chỉ có cái tâm là chủ tể của toàn cả thân thể tứ chi, có thể chủ trị xem xét các cửa, thân thể và tứ chi mà hoạt động cũng đều do tâm bảo làm, dạy nói. Nếu tâm dữ thì làm việc dữ, nói lời dữ; tâm lành thì làm việc lành, nói lời lành.

Những nghiệp phước hay nghiệp tội mà thành tựu được là nguyên nhân bởi tâm. Tâm thuộc về danh pháp, không hình, không sắc. Song, tâm có thể biết các cảnh giới được rõ rệt. Tâm rất khó cho người đời trau dồi, sửa trị hơn cái chi hết. Tâm có rất nhiều thái độ khác nhau, nhưng đây chỉ giải về bốn thái độ của tâm: tâm hằng phóng túng nghĩ ngợi, tìm kiếm cảnh lạ hoặc cảnh đã quen; tâm hằng chuyển động, trồi sụt tới lui rất mau lẹ, không ngừng nghỉ, không chi sánh bằng; tâm hay trạo trực theo cảnh giới, trông các phương hướng, cũng không rõ rệt, đến mắt của mình hoặc kẻ khác; tâm hằng nương ngụ trong nhà tức là thân tứ đại.

Tâm là cái cực kỳ vi tế, không thể thấy được, luôn đến sự trau dồi cho nó an trú cũng rất khó, chỉ có bậc trí tuệ mới sửa trị cái tâm trở nên an lành được, như Phật ngôn đã giải trong Pháp Cú kinh rằng: “Bậc trí tuệ hằng sửa trị dễ dàng cái tâm khó thấy được, là cái rất tinh vi, thường phóng túng theo hoàn cảnh ưa thích, song cái tâm mà người đã tu bổ rồi, hằng đem đến sự yên vui – Sududdūsaṃ sunīpuṇaṃ yaṭṭhā kāmanipatinaṃcittaṃ rakkhetha medhāvī cittaṃ guttaṃ sukhāvahaṃ”.

Tâm khi sanh cũng mau, mà khi diệt cũng lẹ, bắt lấy, chà xát cảnh vô độ không ngừng nghỉ. Tâm là cái hay toan tính tìm tòi cảnh, là chủ trì của các sắc pháp và danh pháp.

Trong những cái biết rõ được cảnh giới, chỉ có tâm là lớn hơn danh pháp khác, nghĩa là tâm là hướng đạo mở đường cho danh pháp khác.

Tâm là căn nguyên của những sự suy nghĩ, tâm có khi dùng về âm tính gọi là ‘cintā’ cũng đồng ý nghĩa như tâm ‘citta’.

Cintā chia ra làm 3 loại: 1) khảo sát tâm (uhanacintā) là cái tâm dấy lên hoặc phát lên trong thời đầu tiên, thuộc về cái tâm xem xét; 2) nhận thức tâm (vijānanacintā) là cái tâm khi đã dấy lên đều đủ rồi, phát sanh sự hiểu biết, dẫn cho biết thêm hơn một bậc nữa, thuộc về cái thức, là sự biết nhiều thêm chút ít; 3) phân biệt tâm (pajānanācintā) là cái tâm nối tiếp sanh sự hiểu biết rõ rệt hơn, là cái duyên, dẫn cho hiểu chắc chắn hơn trước, thuộc về trí tuệ là sự hiểu biết phân minh. Tâm này thường hay suy nghĩ tìm kiếm, tới lui không dứt, nghĩa là hằng có sự suy nghĩ liên tiếp nhau luôn, không dứt như bánh xe chạy.

Trong thân thể người thường có ba thứ tâm ấy, song thường nhơn không quen học hỏi, không hay tu tập theo thánh pháp, chỉ có hai cái tâm đầu thôi. Trừ những người năng học hỏi, hay tìm xét chơn lý, mới có đều đủ ba thứ tâm như đã giải.

Sự thân cận của tâm

Lẽ thường cái tâm không thân cận bậc trí tuệ, dang xa sự học hành, hằng phóng túng lay động theo sự sai lầm cũng có, vọng chuyển tìm các cảnh giới không hợp thời cũng có. Tâm không có pháp chánh định kềm thúc thì hay buông thả, không ngừng nghỉ. Tâm ấy, ví như trái bầu để trên lưng ngựa, hoặc nọc đóng xuống bùn, hay là như cử chỉ của loài khỉ hoặc trẻ con.

Tâm ở không, không thân cận pháp lành hoặc bậc thiện trí thức thì hằng duyên theo trần cảnh; có khi lại trở thành tà kiến cũng có, thiếu đức tin, không có trí tuệ cũng có. Sự hành trình của tâm thường biến động nhiều cách như thế.

Lại nữa, năm pháp cái là phiền não bên trong, như quân nghịch trong nhà dắt dẫn rủ ren quân nghịch hoặc các điều ô nhiễm bên ngoài đến phá hại, làm cho tâm phóng túng, lầm lạc. Tâm lúc đầu chưa có tùy phiền não, ác pháp vào quấy rối là tâm trong sạch, như Phật ngôn rằng: “Này các tỳ khưu! Tâm có hào quang tia ra rất đẹp. Song, trở thành dơ bẩn vì tùy phiền não mới xáp nhập vào. Này các tỳ khưu! Vì tâm dơ bẩn nên chúng sanh cũng dơ bẩn; vì tâm thanh tịnh, chúng sanh cũng trở nên thanh tịnh theo (pakassaramidaṃ bhikkhave cittaṃ cittasaṅkilesā bhikkhave sattā saṅkilissanti cittavodanā bhikkhave sattā visujjhanti)”. Phật ngôn ấy thanh minh cho thấy rằng: “Các hàng chúng sanh thường dơ bẩn hoặc thanh tịnh vì tâm đã thọ các điều tội khổ hoặc vui sướng, hèn hạ hoặc cao sang, đều chỉ do tâm mà ra”.

Nếu tâm thường hành vi thế nào thì thân, khẩu hẳn thật, cũng như thế ấy. Tâm hằng nương theo tứ đại, như nhà là nơi đùm đậu của người đời, nhà tốt, xấu, lủng, dột cũng do nơi người; thân thể khổ vui cũng do nơi tâm cả.

Lại nữa, sắc thân ví như thuyền, tâm như chủ thuyền, nếu chủ biết phép đi, thì đem ghe ra vào được dễ dàng, khỏi điều nguy hiểm; nhược bằng chủ thuyền không thông thuộc cách thức hoặc dể duôi, lười biếng, chắc chắn làm cho thuyền phải hư hao chìm đắm, hoặc đụng chạm thuyền khác làm cho thất lợi cũng có.

Tâm là chủ tể mà người đã giáo hóa được thuần thục rồi, thì thân được yên vui, thêm điều lợi ích từ đây đến kiếp sau; bằng không trau dồi cho chín chắn, thì thân bị trầm luân biển khổ, chịu nhiều điều khốc hại nặng nề.

Vật thực của tâm

Tâm của phàm nhơn hằng đói khát vật thực, là các ác pháp. Trong các ác pháp, nhất là pháp cái, là vật thực của tâm về phần tội; còn về thiện pháp có ba món[2] và pháp Tứ niệm xứ là vật thực của tâm lành, cũng như thực phẩm độ thân. Người nghèo hèn sắp đặt thực phẩm để dùng, không mấy gì sạch sẽ vén khéo, thường dùng thực phẩm thô thiển hèn hạ gặp đâu dùng đó; người giàu sang hoặc có tính ưa thích sự cao quý, hay dùng những thực phẩm để cho sắc thân thế nào, vật thực để cho tâm cũng mường tượng như thế ấy. Nghĩa là thực phẩm hèn hạ thường làm cho thân khổ cực sình bụng, ẩu tả, mất sức; thực phẩm sạch sẽ hay làm cho thân thể vui sướng thêm phần tráng kiện.

Tâm của các ác phàm nhơn phần nhiều đói khát, vật thực thô thiển nhất là năm pháp cái ít hay lựa lọc. Tâm của thiện phàm nhơn thường chọn lựa thực phẩm sạch sẽ, tốt đẹp, là pháp chánh định. Tâm khi nếm mùi thực phẩm ô nhiễm là pháp cái thì hằng mang tội khổ nhiều đời, nhiều kiếp. Nếu tâm được cấp dưỡng sạch sẽ là các thiện pháp thì sẽ dứt khổ, đến chốn yên vui tuyệt đối là Niết-bàn, không sai.

Chúng sanh mắc vào vòng luân hồi sanh tử trong thế gian, chịu nhiều sự thống khổ, vì: sanh, lão, bịnh, tử, biệt ly, chẳng phải do nguyên nhân nào khác, chỉ vì bị nghịch pháp trong tâm là pháp cái tùy phiền não. Phiền não hằng ngăn bít, che án trí tuệ của chúng sanh, cho giảm sức hoặc cho tâm tối mê, lầm lạc trong bánh xe luân hồi, thương tiếc, quyến luyến trong ba cõi, không lòng nhàm chán sự: sanh, lão, bịnh, tử, không cho thấy rõ pháp diệu đế, đạo, quả và Niết-bàn, gọi là pháp cái, có năm thứ:

  • Tham dục (kāmacchanda) là sự tham muốn, ưa thích vì năng lực của sáu thứ phiền não là tình dục (rāga), xan tham (lobha) (là ham muốn, giữ chắc không buông rời ra), nguyện cầu (iccha), ganh gổ (issā), không hoan hỷ (arati), không tri túc (asantuṭṭhi). Sáu phiền não ấy phát triển lên một cách mãnh liệt vì quyến luyến theo vật dục ngoại trần. Các phiền não này, khi sôi nổi mạnh mẽ trong tâm thì làm cho người phải tối mê, không thấy rõ tội, phước, quấy, phải, như nước lẫn lộn với các màu sắc, không thể soi thấy bóng được. Tham dục này phát sanh vì thấy sắc cho là đẹp.
  • Oán ghét (byāpāda) thù hận đối với cảnh giới không vừa lòng. Phiền não này khi đã sanh hằng làm cho tâm nóng nảy, bực tức xốn xang, làm cho người phải run rẩy, đỏ mặt, múa tay, ra dáng dữ tợn khác thường, sanh ra cừu oán, che án trí tuệ không cho thấy rõ tội, phước như nước đang sôi, không có thể soi thấy bóng được. Thù oán này phát sanh vì sự uất ức trong tâm, hoặc không vừa lòng đối với sự vật.
  • Giải đãi, hôn trầm (thīnamiddha) là sự thối chuyển, hôn mê. Phiền não này phát sanh làm cho tâm dã dượi, biếng nhác, tiều tụy, thân thể tứ chi bải hoải, tâm thức mỏi mệt không có thể làm tròn phận sự được, như nước bị các thủy thảo che áng, không có thể soi thấy bóng được. Sự giải đãi hôn trầm phát sanh do không hoan hỷ, không vừa lòng đối với các công việc.
  • Phóng túng, hối hận (uddhaccakukkucca) là tâm buông thả, giận mình đã làm việc ác, hoặc buông lung theo các cảnh giới vô ích. Phiền não này, khi phát sanh làm cho tâm trồi sụt, không ngừng nghỉ, như nước bị gió thổi thành sóng lưỡi búa, không có thể soi thấy bóng được. Sự phóng túng phát sanh vì tâm không yên lặng (cetaso avūpasamo).
  • Hoài nghi (viccikicchā) là sự ngờ vực, không tin chắc. Phiền não này khi phát sanh làm cho tâm nghi ngại, không quyết định, không theo bên nào, như nước đục, hoặc có cặn cáo, không có thể soi thấy bóng được. Phiền não này phát sanh do không ghi nhớ trong tâm theo phương tiện (ayonisomanasikāra).

Cả năm pháp đã giảng giải là cảnh giới của tâm hoặc là thực phẩm của phàm tâm.

Lại nữa, tâm của chúng sanh thường quyến luyến, không lìa khỏi tam giới, nên chi hằng phải sanh sanh, tử tử vô lượng vô biên kiếp, cũng vì năm pháp cái ấy.

  1. Giải về sự duy trì cái tâm – phương pháp trau dồi tâm

Pháp trung đạo của Đức Phật, để trau dồi, uốn sửa cái tâm cho ra chơn chánh, không lầm lạc, cho trở nên trong sạch, thoát ly pháp cái ấy, đó là pháp “thiền định’, nghĩa là pháp làm cho tâm an tịnh trong một cảnh giới an lành. Đức Chánh Biến Tri thuyết ra nhiều phương tiện để sửa trị cái tâm cho trở nên ngay lành, tránh xa pháp cái, gọi là phép niệm, có chia ra nhiều phần khác nhau, cho hợp theo đặc tính của chúng sanh ngõ hầu chiến thắng quân nghịch là pháp cái ấy.

Pháp niệm tóm tắt có hai: tham thiền và minh sát. Nghi thức niệm tưởng cho tâm khắn khít an trú trong đề mục như pháp cá-si-ná (kasiṇa)[3] hoặc vật bất tịnh là pháp để buộc rịt cái tâm, phải niệm niệm cho trở nên yên lặng, vững vàng trong một cảnh giới, không cho phóng túng theo ngoại cảnh.

Pháp tham thiền ra làm 7 phần: 10 đề mục cá-si-na (kasiṇa), 10 đề mục bất tịnh (asubha), 10 đề mục niệm niệm (anussati), 4 đề mục pháp bậc cao nhân (brahmavīhāra), 4 đề mục thiền vô sắc (arūpajjhāna), 1 đề mục thực phẩm ô trược tưởng (āhārappaṭikūlassaññā), 1 đề mục tưởng về tứ đại trong thân thể (catuddhātuvavaṭṭhāna).[4] Tất cả pháp tham thiền ấy đều là phương tiện để sửa trị cái tâm cho trong sạch, như thuốc để chữa các thứ bịnh. Bịnh phát sanh nơi thân thể có nhiều thứ, thuốc cũng phải có nhiều vị để chuyên trị các thứ bịnh ấy. Ví như tham thiền có nhiều pháp, cũng chỉ để trau dồi cái tâm cho khỏi bịnh là các pháp cái tùy phiền não (nivaranūpakkikesa) cũng như thế ấy.

Cách thức thông hiểu do trí tuệ biết rõ Thánh đạo là biết chắc, thấy chắc các danh sắc đều mắc trong 3 tướng[5] gọi là pháp minh sát. Đây chỉ giải tóm tắt trước về pháp tham thiền, là phương pháp làm cho tâm trở nên im lặng sau này. Những người có tính tham dục nhiều, nên tham thiền về đề mục bất tịnh (asubha) hoặc đề mục niệm thân thể (kāyagatāsati); tâm nặng về tính thù oán (byāpāda) nên niệm đề mục “bậc cao nhân” (brahmavihāra); tâm nặng về tính hôn trầm (thīnamiddha) nên niệm 10 đề mục niệm niệm (anussati); tâm nặng về tính phóng tâm, nên niệm đề mục sự chết (maranānusati) hoặc ká-sí-ná (kasiṇa); tâm nặng về tính hoài nghi, nên niệm đề mục quán tứ đại trong thân thể (catuddhātuvavaṭṭhāna). Sự tham thiền phải hiệp theo đặc tính của hành giả như thế.

Trong Meghiya kinh, Đức Chánh Biến Tri có giải về sự thoát khỏi pháp cái tùy phiền não, do hành pháp tham thiền chơn chánh, trong sạch, cần phải hành theo năm điều sau này: phải là người thân cận thiện hữu, không có ác hữu (kalyāṇamitto); phải trì giới cho trong sạch theo địa vị mình, dầu là về phần giới nào (sīlavā); phải dùng lời nói trong sạch theo 10 điều[6] (abhisallekhikākathā); phải hằng tinh tấn phấn khởi trong sự dứt bỏ tội lỗi và sự tăng tiến trong việc phước đức (araddhaviriya); phải có trí tuệ sáng suốt trong sự quan sát năm uẩn theo trạng thái sanh và diệt (paññāvā).

Khi đã an trú trong năm điều trên rồi, nên hành thêm bốn pháp này: phải niệm đề mục bất tịnh để trừ tham dục (asubhā bhāvetabbā rāgassa pahānāya); phải niệm phép từ ái để trừ thù oán (mettābhāvetabbā byāpādassa pahānāya); phải niệm số tức quan để trừ ba tà tư duy[7](ānāpānassati bhāvetabbā vitakkupacchedāya); phải niệm phép vô thường tưởng (aniccasaññā) để diệt sự cố chấp (asmimāna) (aniccasaññā bhāvetabbā asmimānasamugghātāya).

Lại nữa, hành giả phải hạn chế cái tâm trong bốn nơi: hạn chế không cho tâm ham muốn trong cảnh giới phát sanh sự ham muốn; hạn chế không cho tâm hờn giận trong cảnh giới phát sanh sự hờn giận; hạn chế không cho tâm lầm lạc, quên mình trong cảnh giới phát sanh sự tối tăm lầm lạc; hạn chế không cho tâm sa mê trong cảnh giới phát sanh sự sa mê. Hành giả muốn gìn giữ cho tâm an trú lành, nên cẩn thận không cho tâm mắc vào bốn cảnh giới đã giải.

Lại nữa, sự thu thúc tâm có ba điều là:

  • Thu thúc lục căn (indriyasaṃvara). Khi nhãn tiếp xúc với sắc thì phát sanh sự biết, gọi là nhãn thức (cakkhuvinñāṇa), nếu sắc vừa lòng thì sanh sự ham muốn, bằng không hiệp ý thì sanh sự ghét giận. Tiếng ‘thu thúc’ nghĩa là hạn chế tâm không cho phóng túng, không cho phát sanh sự ham muốn ghét giận trong khi mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân đụng chạm, ý nhận biết pháp trần. Phải làm cho có trí nhớ và biết mình (satisampajañña) hằng an trú trong lục căn, như người giữ cửa.
  • Phải dùng phương tiện ghi nhớ pháp tham thiền (kammaṭṭhānamanasikāro) hiệp theo đặc tính của mình. Người có tính nhiều tham dục nên tham thiền 11 đề: 10 đề bất tịnh và đề niệm theo thân thể. Tính nhiều hờn giận nên niệm 8 đề: 4 đề pháp bậc cao nhân và sắc trắng, vàng, xanh, đỏ. Tính nhiều si mê nên niệm hơi thở. Tính nhiều đức tin, nên niệm 6 đề niệm Phật, Pháp, Tăng, giới, bố thí và pháp của Chư thiên. Tính nhiều trí tuệ nên niệm 4 đề sự chết, Niết-bàn, tứ đại trong thân thể và thực phẩm ô trược. Còn lại 10 đề là đất, nước, gió, lửa, hư không, lỗ trống và 4 đề thiền vô sắc, đều hiệp theo đủ cả tính nết. Những người hay suy nghĩ nhiều phải làm vòng cá-sí-ná (kasiṇa) cho nhỏ; người có tính si mê nhiều phải làm vòng cá-sí-ná (kasiṇa) cho lớn.[8]
  • Phải thường hành pháp minh sát (vipassanā bhāvanāyogo) nghĩa là tùy thời tu pháp minh sát thêm nữa.

Khi đã tham thiền mà tâm được im lặng, lánh xa khỏi pháp cái tùy phiền não, cho vừa hành pháp minh sát rồi, nên dùng danh sắc để quan sát theo 3 tướng (vô thường – khổ não – vô ngã).

Bốn pháp nên hành, bốn nơi phải hạn chế và ba điều thu thúc như đã giải là điều phương tiện quý trọng trong sự sửa trị cái tâm cho trở nên mềm mại, sẵn dành để hành pháp tham thiền.

Pháp tham thiền chia ra làm ba bậc định tâm:

  • Thiền định phát sanh trong khi ngồi thiền, hoặc nghe pháp, tâm im lặng, an tịnh trong cảnh giới, rồi trở lại liền. Có khi hành giả là người nhiều duyên tốt phước, tham thiền hoặc nghe pháp, tâm có thể đắc đạo quả trong thời ấy, cũng có. Thiền định phát sanh trong chốc lát như thể gọi là ‘định nhất thời’ (khaṇikasamādhi).
  • Thiền định phát sanh trong chỗ tọa thiền, tâm im lặng, xa khỏi cảnh giới, đổng lực tâm gần nhập định trong thời ấy, gọi là ‘cận định’ (upacārasamādhi).
  • Thiền định phát sanh do ngồi thiền, tốc lực tâm trong sạch an tịnh, khắn khít trong bốn bậc thiền (sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền), có thể đè nén pháp cái cho yếu, giảm sức lực như đá đè cỏ, gọi là ‘nhập định’ (appanāsamādhi).

Trong cả ba bậc thiền ấy, nếu hành giả thường hành được một thiền nào để tu pháp minh sát, gọi là “Pháp thanh tịnh vì sửa trị cái tâm” (cittavisudhi).

Cả hai pháp thanh tịnh như đã giải gọi là căn pháp để tu pháp minh sát.

3.      Pháp thanh tnh th ba

Hành giả tinh tấn, muốn cho giới, định hoàn toàn và mong được sự quả báo cao thượng thêm, nên tu pháp minh sát cho trí tuệ càng thêm tăng trưởng, hầu quan sát về danh sắc, lục nhập, tứ đại, lục căn, có tướng nên quan sát; nên quán tưởng cho thấy rõ là cái vô thường, khổ não và vô ngã rằng: các pháp nhất là danh sắc, lục nhập, tứ đại, lục căn, mà các bậc A-xà-lê gọi là cảnh giới của trung tâm pháp minh sát.

Tiếng ‘danh sắc’ (saṅkhāra) nghĩa là trạng thái hay những cái chi do duyên hòa hợp của nguyên chất tạo tác ra, ví như thân hình của con người và của cầm thú mà có ra là do sự hòa hợp của tứ đại vì duyên của nghiệp lành hoặc dữ; cho đến nhà cửa, xe cộ mà có ra cũng do sự phối hợp các vật liệu, nhất là cây và sắt, mà cũng nhờ người thợ làm là duyên. Tất cả cái ấy gọi là danh sắc. Cho nên, các bậc A-xà-lê chia danh sắc ra làm hai phần: hữu tình thế gian (upādinnakasaṅkhāra) là danh sắc có danh pháp là thọ, tưởng, hành, thức là chủ vào trụ trì; vô tình thế gian (anupādinnakasaṅkhāra) là sắc, không có danh pháp là chủ vào trụ trì, chỉ nói về toàn cả đất, nước, cây, rừng, sỏi, đá, kim loại. Cả hai phần danh sắc ấy, dầu có chu vi lớn, nhỏ, rộng, hẹp, tốt, xấu khác nhau đến đâu, cũng đều có ba tướng: vô thường, khổ não, vô ngã; không qua khỏi ba tướng ấy.

Lại nữa, sự hội họp năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) cũng gọi là danh sắc.[9]

Vậy danh sắc hội hiệp năm uẩn và danh sắc trong trung tâm năm uẩn khác nhau thế nào? Lời hỏi này đối với bậc lão thành hằng quan sát chu đáo, mới có thể trả lời bằng một cách mau lẹ được. Đây xin giải tóm tắt rằng: Danh sắc hội họp năm uẩn thuộc về quả quá khứ, là quả của nghiệp đã tạo ra trong quá khứ. Danh sắc trong trung tâm năm uẩn thuộc về nhân hiện tại và nhân vị lai, là dấu tích của tâm vương và tâm sở đang suy nghĩ tìm tòi cảnh giới trong thời hiện tại, tìm xét lượm lặt cảnh giới để dành lại trong thời vị lai.

 

Tất cả danh sắc, dầu hữu tình thế gian hoặc vô tình thế gian, danh sắc hội hiệp năm uẩn hoặc danh uẩn thứ tư trong trung tâm năm uẩn, tất cả danh sắc ấy, không qua khỏi ba tướng là: vô thường: có đặc tính, có thể nhìn nhận, thấy biết là không thường; khổ não: có đặc tính thấy biết là khổ; vô ngã: có đặc tính, thấy biết, chẳng phải là ta. Tiếng nói ‘vô thường’ ấy là không ở an một mực, hằng biến đổi khác nhau, nghĩa là trước hết sanh ra rồi nửa chừng biến đổi, sau rốt lại tiêu diệt; như trước hết, nhỏ, từ nhỏ đến lớn; trước hết trẻ, từ trẻ đến già, từ già đến chết, từ chết đến sanh, trở đi lộn lại, luân chuyển thường hoài, không dứt. Trong thời gian trăm tuổi, danh sắc ấy cũng mang bịnh hoạn theo thời tiết vì nghiệp quả thường tình của chúng sanh.

Lại nữa, trong kinh chú giải có giảng vô thường, khổ não, vô ngã mỗi pháp đều có 4 nguyên nhân. Gọi là vô thường do bốn nguyên nhân là: sanh và diệt theo lẽ khác nhau (uppādavayavattito); thay đổi không thường, theo lẽ tự nhiên (vipariṇāmato); thuận theo thời tiết, như vật mượn của người (tāvakālikato); phản đối với cái thường tồn (niccappaṭikkhepato). Sự biến đổi thay hình khác thường của danh sắc như thế là bằng chứng để phân biệt cái vô thường.

Chúng sanh phải ở dưới quyền sự khổ. Tiếng nói danh sắc là khổ, là chỉ về sự ở đời hằng phải mang nhiều nỗi khó khăn bực tức, ráng nhẫn nhục lắm mới chịu được cái quả của sự: sanh, lão, bịnh, tử. Cả bốn thứ ấy là khổ lớn lao, là căn sanh các sự khổ khác như khổ về: đói, khát, lạnh, nóng, nực nội, đại tiểu tiện, sự sinh hoạt để nuôi mạng sống, sự chia lìa không hợp ý, cũng đều là khổ.

Hạng thường nhơn không hay học hỏi hoặc chưa được nghe pháp cao thượng, khi gặp cảnh nghịch đè nén, thì không thể dùng trí tuệ, hoặc trí nhớ để giải đáp câu hỏi ấy cho thấy phân minh cái căn sanh, hột giống của sự khổ được. Phần đông đành bó tay chịu phép với câu hỏi của sự khổ cho đến cùng, chỉ biết rầu lo, than khóc thôi. Như thế gọi là không phương đối đáp, như con thú chỉ biết rượt theo cục đất, hoặc khúc cây của người ném nhằm mình nó thôi, chẳng rõ nguyên nhân của cục đất, hoặc khúc cây ấy. Các bậc thánh nhơn, nhất là Đức Phật là bậc có trí tuệ cao siêu đã quan sát rốt ráo, dò xét kỹ càng, suy đi xét lại theo pháp thập nhị duyên khởi (paṭiccasamuppādadhamma) tìm thấy căn sanh của sự khổ một cách rõ rệt và đã đào bứng căn sanh ấy chẳng cho dòng giống của sự khổ phát sanh ra được nữa.

Điều mà Đức Chánh Biến Tri quan sát tìm xét thấy rõ căn sanh của sự khổ, trong pháp thập nhị duyên khởi được phân minh ấy, gọi là Đức Phật đã giải đáp câu hỏi của sự khổ được hoàn toàn tự tại.

Khổ do 4 nguyên nhân:  tiếng ‘khổ’ hằng rõ rệt, do 4 nguyên nhân là: khổ làm cho nóng nảy cả châu thân (santāpato); khổ làm cho phát sanh sự khổ nhiều thứ (dukkhato); khổ là chỗ, là nơi chứa khổ (dukkhavatthukato); khổ là sự phản đối với vui (sukkhappaṭikkhepato). Năm uẩn là món nặng nề làm cho nóng nảy bực bội, cho nên gọi là khổ.

Tiếng ‘danh sắc’ mà gọi là ‘vô ngã’ ấy, nên hiểu là ‘chẳng phải là thân thể của ta’, nghĩa là khi danh sắc sanh ra rõ rệt rồi, chẳng có cái chi trọng đại hơn danh sắc ấy, mặc dầu có tâm thức nương dựa trong trung tâm danh sắc, cũng chẳng có thế lực ngăn cấm, giữ gìn được.

Vô ngã (anattā) nghĩa là chẳng phải ‘ta’ hoặc ‘chẳng có quyền chủ tể’, là khi danh sắc bị tai nạn, bịnh tật, ta không có thể nói: xin cho danh sắc ta mạnh khỏe, xin cho đừng có bịnh hoạn, nạn tai, sự cầu xin như thế cũng vô ích, vì không sao được như nguyện. Trong Vô ngã kinh, Đức Phật có thuyết pháp độ nhóm năm anh em Kiều Trần Như rằng: “Này các tỳ khưu! Sắc, thọ, tưởng, hành, thức, chẳng phải là thân ta đâu, nếu thật là thân ta, thì nó không phải chịu sự bịnh hoạn ốm đau”.

Vô ngã do 4 nguyên nhân: tiếng ‘vô ngã’ hằng rõ rệt do 4 nguyên nhân là: rỗng không, không có chi là quý trọng (suññato); không người chủ tể (assāmikato); không người hoặc không vật chi là lớn, là chủ trì được (anissārato); tương phản với ngã (attappaṭikkhepato).

Hành giả tu pháp minh sát, khi dùng danh sắc là năm uẩn, để quan sát theo ba tướng như đã giải, nên phân năm uẩn ra làm hai ‘sắc’ và ‘danh’, cho thấy khác nhau, vì như trống và tiếng trống, đến khi nương lẫn nhau mới có thể thành tựu, nghĩa là danh dùng sắc làm nơi nương dựa, sắc nương theo danh để nhờ khí lực; như thuyền nương theo sức người, người nương theo thuyền mới có thể đi tới lui được. Hoặc ví như hai người, một người mù, một người cúm, nương lẫn nhau. Cho nên đến khi sắc và danh nương nhau rồi, mới gọi là: thú, người, trời, đều do sự ‘mệnh danh’ thôi chớ chẳng phải là thật tướng.

Trí tuệ của hành giả thấy rõ, ghi chắc rằng: thú, người, trời, đều chỉ là danh và sắc, là tứ đại thôi, chẳng phải là cái thường tồn yên vui đâu, rồi đoạn tuyệt sự quyến luyến, thương yêu, đối với thú và người ấy ra, quan sát tìm lấy Niết-bàn làm cảnh giới. Trí tuệ trong sạch chơn chánh vì thấy rõ như thế gọi là ‘Thanh tịnh vì chánh kiến’ là cố tử của pháp minh sát.

4.      Pháp thanh tnh th tư:

Hành giả khi đã tu pháp ‘chánh kiến trong sạch’ được tròn đủ rồi nên niệm pháp minh sát để tìm nhân duyên của danh sắc, là căn nguyên phát sanh sự khổ, ví như các bậc danh y, thiện nghệ trong sự khám bịnh, khi đã thấy rõ chứng bịnh, nên tìm xét chỗ khởi duyên sanh ra bịnh thế nào, hành giả tinh tấn tu pháp minh sát, khi đã thấy rõ danh sắc rồi, nên tìm kiếm nhân và duyên của danh sắc thêm nữa, cũng như thế ấy.

Lại nữa, những người nam nữ sẵn lòng tế độ, khi thấy trẻ con nằm ngửa bên đường, bèn lo tìm kiếm cha mẹ của đứa trẻ ấy và tự nói rằng: Đứa trẻ này là con nhà ai? Điều này ví như hành giả quan sát tìm kiếm nhân duyên của danh sắc, khi thấy rõ nhân và duyên của danh sắc được đều đủ rồi, thì hết sự hoài nghi (kaṅkhi) đối với danh sắc trong tam thế.

Nhân và duyên của danh sắc

Pháp về nhân duyên của danh sắc có mấy phần? Danh sắc nương dựa với cái chi mới sanh ra đặng?

Pháp về nhân duyên của danh sắc có năm phần: vô minh (avijjā) là không có thể biết rõ pháp tứ diệu đế là điều thật; ái dục (tañhā) là ham muốn, khao khát mong mỏi trong cảnh giới ham muốn; cố chấp (upādāna) là tâm giữ chặt năm uẩn; nghiệp (kamma) là việc lành, việc dữ, là pháp dắt dẫn, lôi kéo chúng sanh luân hồi trong tam giới; thực phẩm (āhāra) có ý vị để định dưỡng thân thể.

Vô minh, ái dục, thủ, nghiệp, cả 4 pháp ấy là nhân của danh sắc, là pháp tạo tác, sanh ra đầu tiên. Thực phẩm là duyên của danh sắc, là pháp duy trì sức lực cho thêm tăng trưởng, cho huyết nhục càng sung túc.

Lại nữa, vô minh, ái dục, thủ, ba pháp ấy là nơi nương náu của sắc thân, như người mẹ là nơi gội nhờ của đứa trẻ; nghiệp là pháp sanh ra chúng sanh, ví như người cha của đứa trẻ. Thực phẩm là pháp giữ gìn, săn sóc như người vú bảo dưỡng đứa trẻ. Danh sắc mà sanh ra được nhờ nương theo năm pháp đã giải. Loài sanh vật mà có năm pháp ấy ẩn trú trong tâm đến đâu đều phải chịu sanh, già, bịnh, chết trong thế gian đến đó.

Lại nữa, thực phẩm là duyên của sắc pháp, vì tứ đại là đất, nước, gió, lửa, hằng tiến hóa thành hình được, cũng đều nhờ thực phẩm.

Sự tiếp xúc là duyên của danh pháp: thọ, tưởng, hành. Danh pháp này nhờ tiếp xúc mới sanh ra được, danh và sắc làm duyên cho danh pháp ‘thức’. Còn pháp về nhân và duyên của danh sắc ấy, bậc trí tuệ nên hiểu rõ như vầy:  vô minh, ái dục, thủ, nghiệp, thực phẩm là nhân duyên của sắc pháp; vô minh, ái dục, thủ, nghiệp, tiếp xúc là nhân duyên của danh pháp (thọ, tưởng, hành); vô minh, ái dục, thủ, nghiệp, danh sắc, là nhân, là duyên của danh pháp ‘thức’.

Người có trí tuệ, nếu biết phân biệt thấy rõ nhân duyên là căn sanh của danh sắc, như thế thì được dứt khỏi cả 16 điều hoài nghi trong tam thế.

Hoài nghi trong đời quá khứ có năm điều là: ta đã quen sanh ra chăng? (ahosiṃ nukho); ta không quen sanh ra chăng? (na nukho ahosiṃ); ta đã sanh ra làm cái chi? (kinnukho ahosiṃ); ta đã sanh ra do cách nào? (kathaṃ nukho ahosiṃ); ta đã sanh ra làm cái chi, rồi sanh ra làm cái chi nữa? (kiṃ hutvā kiṃ ahosiṃ)

Hoài nghi trong đời vị lai có năm điều là: ta sẽ sanh ra làm cái chi nữa? (kavissāmi nukho); ta sẽ không sanh ra nữa chăng? (na nukho kavissāmi); ta sẽ sanh ra làm cái chi[10]? (kinnukho kavissāmi); ta sẽ sanh ra do cách nào? (kathaṃ nukho kavissāmi); ta sẽ sanh ra làm cái chi, rồi sẽ sanh ra làm cái chi nữa? (kiṃ hutvā kiṃ kavissāmi).

Hoài nghi trong đời hiện tại có sáu điều là: ta có sanh ra chăng? (ahaṃ nukho smi); ta không có sanh ra chăng? (no nukho smi); ta có sanh ra như thế nào? (kinnukho smi); ta có sanh ra do cách nào? (kathaṃ nukho smi); chúng sanh này ở đâu lại? (ayaṃ nukho satto kuto āgato); chúng sanh ấy sẽ đi nơi nào nữa? (so kuhiṃ gāmi kavissati).

Khi hành giả đã quan sát thấy rõ nhân duyên của danh sắc như vậy rồi, mới có thể dứt 16 điều hoài nghi ấy được, chẳng còn ngờ vực đối với danh và sắc trong phần quá khứ, vị lai và hiện tại. Trí tuệ của hành giả tu pháp minh sát được mạnh mẽ, quan sát thấy nhân và duyên của danh sắc và dứt khỏi 16 điều hoài nghi trong 3 thời như thế gọi là ‘Pháp thanh tịnh vì dứt khỏi sự hoài nghi’.

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app