GIẢI VỀ PHÁP NÊN SUY NGHĨ TRONG CƠN BỆNH NẶNG

Khi mang bệnh nặng, chúng ta nên nghĩ đến cái chi? Trong lúc đó, chúng ta có rất nhiều ý tưởng như: nhớ đến của cải, con, vợ, thân quyến, bố thí, trì giới, tham thiền hoặc các điều lành khác. Những cái đó, không có thể sửa chữa sự khổ của chúng ta được chơn chánh: một ít pháp làm cho cái khổ càng tăng gia, là sự xét nghĩ đến con, vợ, của cải. Về phần niệm sự bố thí, trì giới, tham thiền hoặc các điều tốt của kẻ khác, có lẽ làm cho tiêu diệt sự khổ được, song cũng chưa hay bằng các pháp sẽ giải sau đây.

Xin chư Phật tử hãy niệm tưởng như vầy. Phật ngôn: “Evamne sutaṃ ekaṃ samayaṃ bhagavā sāvatthīyaṃ viharati je’avane anāthapindikassa ārāme v.v. sādhu sādhu Ananda yāvakataṃ kho Ananda takkāya pattabbam anuppattaṃ tayā anāthapiṇḍiko so devaputta nānno.” Dịch: Tôi là Ananda, đã được nghe nhự vầy: một thuở nọ, đức Thế Tôn ngự tại Kỳ Viên tịnh xá, gần kinh đô Savatthī. Thuở đó, ông triệu phú Cấp Cô Độc mang trọng bệnh, phải chịu đau đớn nặng nề, có cho một người nam đi vào bạch cho Phật rõ, rồi xin thỉnh Đức Xá Lợi Phất (Sarīputtathera), Đức Xá Lợi Phất và đức Ananda cũng có đến viếng và hỏi về tình trạng chứng bệnh của ông ra sao. Ông Cấp Cô Độc trình bày rằng “Gió siết đầu tôi như bị người xoáy bằng khoan, hoặc mắc phải kẻ niềng đầu bằng dây mây; gió thắt chặt dữ dội, bụng tôi như người thái bằng dao; thân thể, tứ chi của tôi nóng như bị nằm trên lò than đỏ”. Rồi ông Cấp Cô Độc bạch rằng: “Tôi đau khổ rất nặng nề!” Đức Xá Lợi Phất an ủi rằng: “Vì thế, ông triệu phú này, ông phải luyện tập suy nghĩ như vầy:

10 phép luyện tập

  1. Ta không giữ vững mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm; như vậy thức nương mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm mới không có đến ta.
  2. Ông nên nhận rằng ta không giữ vững sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp giới, như vậy sự hiểu biết do ở sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp giới mới không có đến ta.
  3. Phải suy nghĩ rằng: ta không giữ vững sự thâu nhận theo mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm như vậy sự biết được phát sanh trong đường mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm mới không có đến ta.
  4. Ta không giữ vững sự tiếp xúc trong đường mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm như vậy điều hiểu biết tùy ở tâm tiếp xúc trong đường mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm mới không có đến ta.
  5. Phải niệm rằng: ta không giữ vững cái thọ phát sanh theo sự tiếp xúc trong đường mắt, tai, mũi, lưỡi, dựa vào cái thọ phát sanh vì sự tiếp xúc trong mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm, như vậy sự biết rõ mới không có đến ta.
  6. Ta không giữ vững đất, nước, lửa, gió, hư không, thức thì như vậy sự nhận theo đất, nước, lửa, gió, hư không, thức, mới không có đến ta.
  7. Ta không giữ vững sắc, thọ, tưởng, hành, thức thì như vậy sự hiểu biết dính dáng vào sắc, thọ, tưởng, hành, thức mới không có đến ta.
  8. Ta không giữ vững ākāsānañcāyatana hư không vô biên thiền, vinñānañcāyatana thức vô biên thiền, ākiñcaññāyatana vô hữu sở thiền, nevasaññānānsaññāyatana phi phi tưởng thiền thì như vậy sự phân biệt mới không có đến ta.
  9. Ta không giữ vững thế gian nầy và thế giới khác thì như vậy sự hiểu biết dựa vào cõi đời nầy và đời khác mới không có đến ta.
  10. Tất cả cái chi mà ta đã thấy đã nghe, đã rõ, đã hiểu, đã tìm tòi đã trải đi bằng tâm, những cái đó ta cũng không giữ vững, như vậy sự nhận thức tùy ở các cái đó, mới không có đến ta.

Nầy ông triệu phú! Ông nên luyện tập, tưởng niệm như đã giải đó.

Khi Đức Xá Lợi Phất giảng dạy, xong, ông triệu phú Cấp Cô Độc bèn khóc òa. Nhân khi đó, Đức Ananda hỏi:

  • Ông triệu phú nầy! Ông còn quyến luyến chăng? Còn đắm chìm chăng?
  • Bạch, tôi không còn quyến luyến, không còn đắm chìm, nhưng tôi đã vào bầu Phật và chư Đại đức tỳ khưu lâu rồi, mà tôi chưa từng được nghe các pháp như thế đâu.
  • Nầy, ông triệu phú! Các pháp đó, tự nhiên, không rõ rệt đến hạng cư sĩ, chỉ minh bạch đến bậc xuất gia thôi.
  • Tôi cầu xin đức Xá lợi Phật cho các pháp ấy rõ rệt đến chúng cư sĩ với, vì trong chư thiện tín cũng có người ít phiền não, hạng nầy ắt sẽ bất hạnh, nếu họ không được nghe pháp như thế.

Sau khi đức Xá Lợi Phất và đức Ananda từ giã trở về, ông triệu phú Cấp Cô Độc mạng chung, đi thọ sanh trong cung trời Đầu Xuất Đà (Dusita) thành một vị trời Anāthapiṇdikadevaputta. Vào lúc nửa đêm, vị trời đó xuống đảnh lễ Phật, tán dương công đức chư tăng rồi tỏ lời hoan hỉ về Kỳ Viên tịnh xá, mà mình đã tạo, và bạch như vầy: “Người tự nhiên, được trong sạch, bằng sự: hành vi, hiểu biết, nghe pháp, trì giới. Chẳng phải tinh khiết do ở dòng dõi hoặc của cải. Nhân đó, bậc trí tuệ, khi đã nhận thấy điều lợi ích của mình, nên chọn lựa, dò xét, điều tra, sưu tầm cái pháp cho chơn chính rồi thực hành theo mới trở nên tinh khiết được”. Bạch như thế, rồi bái biệt.

Xin chư Phật tử hãy lưu ý đến cái pháp nên suy nghĩ, đáng niệm tưởng, trong giờ mang bệnh nặng, nghĩa là trong lúc trọng bệnh phải tưởng nhớ như đã giải đó, cho đến khi không còn nhận biết cái chi là của ta, cho rõ rằng tất cả muôn loài cũng chẳng phải của ta.

Cho nên, khi còn mạnh khỏe phải tập tưởng rằng: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm chẳng phải của ta; sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, giới cũng chẳng phải của ta; sự nhận thức trong đường mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm cũng chẳng phải của ta; sự tiếp xúc trong đường mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm cũng chẳng phải của ta; cái thọ phát sanh bởi sự tiếp xúc trong đường mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm cũng chẳng phải của ta; đất, nước, lửa gió, hư không, thức, cũng chẳng phải của ta; sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng chẳng phải của ta; thế gian nầy, thế giới khác cũng chẳng phải của ta; cái mà ta đã thấy, đã nghe, đã hiểu, đã nhận biết, đã tìm tòi, đã suy nghĩ cũng chẳng phải của ta, cả thảy.

Phải tập niệm tưởng, duy trì như thế cho quen. Trong giờ trọng bệnh, nhớ khi đến, không cho cảm giác sự khổ, rồi tâm cũng sẽ trong sáng, an lạc, mát mẻ, làm cho bệnh hoạn phải tiêu tan, mau lẹ, nếu phải chết, nhứt định sẽ được sinh trong cõi vui (cõi trời hoặc người) như ông Cấp Cô Độc vậy.

– Dứt Cấp Cô Độc khuyến dụ kinh –

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app