Dhammadāna – Sự hiến tặng Dhamma (Bố Thí Pháp)

Thiền sư Goenka thường nói về các món quà tặng dāna (sự hiến tặng, đóng góp thiện nguyện), mong muốn xuất phát từ tâm của người hiến tặng, và có nhiều cách để hiến tặng. Ngài nói về sự hiến tặng cao cả nhất là Dhammadāna (hiến tặng Pháp), sự trao truyền Dhamma thuần khiết từ người thầy đến thiền sinh qua các thế hệ. Ngoài ra, ngài chỉ ra rằng, ngay cả đối với những người không phải là thiền sư, cũng có nhiều cách để đóng góp vào việc hiến tặng Dhammadāna. Sau đây là những lời của thiền sư Goenka về chủ đề này, được tổng hợp từ nhiều bài viết và bài nói chuyện khác nhau.

Dhammadāna – Sự hiến tặng Dhamma

(Từ bài nói chuyện của thiền sư S.N.Goenka ngày 15 tháng 1 năm 1976, trong dịp thành lập Dhamma Thalī, Jaipur, Rajasthan.)

Hương vị của Dhamma (Pháp) vượt lên trên tất cả những hương vị khác. Những hương vị khác không làm giảm ham muốn, mà làm tăng thêm ham muốn. Chỉ có hương vị Dhamma mới chấm dứt được ham muốn. Dập tắt hoàn toàn. Do đó Dhamma là cao quý nhất.

Món quà Dhamma vượt lên trên tất cả các dāna khác. Dāna cho một người bằng vật chất, mặc dù có ích, nhưng cũng chỉ là lợi ích tạm thời – lợi ích có giới hạn. Nhưng món quà Dhamma mang lại lợi ích lớn lao, vô tận. Với dāna này, ai đau khổ đến thế nào cũng sẽ được giải thoát, và sự giải thoát này là mãi mãi. Ai bị trói buộc đến thế nào cũng sẽ được tự do, và sự tự do này là mãi mãi. Vì thế, sự hiến tặng Dhamma cao quý hơn bất kỳ dāna nào khác.

Sự hiến tặng Dhamma được thực hiện bằng việc truyền dạy Dhamma. Cũng vậy, bất cứ sự đóng góp nào của chúng ta, bằng bất cứ cách nào, nhằm mở rộng việc giảng dạy Dhamma cũng là Dhammadāna (sự hiến tặng Dhamma). Vì thế, bất kỳ đóng góp nào cho việc xây dựng trung tâm thiền, tổ chức và duy trì hoạt động của trung tâm, phục vụ khóa thiền, hay cung cấp những nhu cầu khác đều là Dhammadāna – sự hiến tặng cao cả hơn hết thảy các loại dāna khác.

Nếu chúng ta cho đi thức ăn, lợi ích là cơn đói của người nhận sẽ được khuây khỏa. Và đáp lại, quy luật tự nhiên, hay Dhamma, sẽ tự động giúp ta có thức ăn khi ta đói. Đây chính là lợi ích mà ta nhận được. Tương tự như vậy, gieo nhân nào gặt quả ấy. Sự hiến tặng vật chất sẽ đem lại lợi ích về mặt vật chất.

Khi chúng ta giúp đỡ một người thoát khỏi sự ham muốn, ghét bỏ và vô minh, kết quả sẽ không như thông thường bởi vì đó là loại dāna khác thường. Sự hiến tặng Dhamma vượt khỏi phàm trần. Quả của nó cũng vượt khỏi phàm trần. Đó là dāna mà sẽ giúp đỡ chúng ta thoát khỏi những trói buộc trần tục.

Khi chúng ta đóng góp vì mục đích to lớn này, hình thức giúp đỡ không quan trọng. Điều quan trọng là chủ ý khi chúng ta hiến tặng. Chúng ta nên hiến tặng với một tâm Dhamma, suy nghĩ rằng “Tôi có điều kiện, khả năng, nguồn lực này. Tôi sẽ đóng góp thật nhiều cho hạnh phúc của muôn người. Nguyện cho mọi người được hạnh phúc thật sự. Bất cứ hạnh phúc nào đạt được bởi những loại dāna khác, nếu so sánh, thì hạnh phúc đạt được bởi dāna này là vô bờ bến. Không thể có cách nào khác tốt hơn để sử dụng khả năng, nguồn lực, của cải của tôi”. Khi dāna bằng tâm Dhamma, chúng ta mở đường cho sự tiến bộ của chính mình. Bất cứ trở ngại nào chúng ta gặp phải trong khi thực hành thiền, trong tu tập, đều là quả của những kamma (nghiệp) trong quá khứ. Bởi vì chúng ta giúp đỡ người khác được giải thoát, kết quả là chúng ta cũng sẽ được giúp đỡ để vượt qua những khó khăn mà chúng ta gặp phải. Tất cả những trở ngại trên con đường giải thoát sẽ được tháo gỡ.

Còn gì vui mừng hơn đối với mảnh đất này nếu dù chỉ một người ngồi thiền ở trong một thất hay một hang động trên mảnh đất này và đạt đến giải thoát, nếu dù chỉ một người ngồi thiền trên mảnh đất này và đạt đến nibbāna (niết bàn)? Còn sự vui sướng nào hơn mà mảnh đất này có thể trải nghiệm? Còn gì hạnh phúc hơn cho mảnh đất này?

Mảnh đất này sẽ trở thành chốn thiêng liêng. Khi việc xây dựng diễn ra, nó sẽ gây khó khăn cho những chúng sinh hữu hình và vô hình nơi đây. Điều này sẽ xảy ra. Nhưng công việc đã được bắt đầu với chủ ý tốt lành, với dhamma-dhātu (nhân tố Dhamma). Mảnh đất này được tôn kính, tất cả dân cư của nó sẽ được tôn kính, họ sẽ được hạnh phúc.

Những điều mang tính xây dựng, có lợi và tốt đẹp sẽ diễn ra ở dây. Những người làm việc ở đây nên hướng thiện chí đến tất cả những chúng sinh hữu hình và vô hình bất cứ khi nào họ làm việc. Nguyện rằng không sinh vật nào bị giết hại một cách cố ý. Chúng ta không nên cố ý gây ra đau khổ cho bất cứ chúng sinh nào.

Điều tốt đẹp nhất, lợi ích nhất trên tất thảy chính là ý nguyện xuất phát từ tâm. Và nếu chúng ta vô tình gây ra khó khăn, thì nguyện rằng những chúng sinh bị ảnh hưởng cùng san sẻ được những công lao, những hành động tốt đẹp của chúng ta, cùng san sẻ Dhamma mà chúng ta tích lũy được. Nguyện rằng họ cũng sẽ được hạnh phúc.

Hãy đảm bảo rằng mọi công việc đều được thực hiện bằng một tâm đầy thiện chí như vậy. Công việc sẽ được hoàn thành bằng một tâm thanh tịnh. Khi mảnh đất này thanh tịnh, các thiền sinh đến làm việc đều thanh tịnh, tâm họ thanh tịnh, của cải đóng góp vào là thanh tịnh, thì kết quả đạt được sẽ thanh tịnh, thuần khiết, chắc chắn sẽ như thế.

Dāna Tài Chính

Thật là một món quà Dhammadāna to lớn khi ta đóng góp tài chính để lập ra và duy trì một trung tâm thiền, nơi mà những rung động Dhamma thuần khiết sẽ trợ giúp cho thiền sinh tu tập. Trong các khóa thiền 10 ngày, thiền sư Goenka kể câu chuyện về Anāthapiṇḍika (trưởng giả Cấp Cô Độc), một triệu phú thời Đức Phật. Người này tên thật là Sudatta nhưng ông được tặng danh hiệu Anāthapiṇḍika bởi vì ông đã dāna hết sức hào phóng.

Danh hiệu Anāthapiṇḍika xuất phát từ từ “anātha”, nghĩa là những người rất nghèo và “piṇḍika”, nghĩa là những người hiến tặng thức ăn. Bởi vì ông đã tặng rất nhiều thức ăn cho tất cả những người nghèo đói nên được đặt danh hiệu như vậy. Anāthapiṇḍika sống ở vùng Sāvatthi, thành phố đông đúc nhất của Ấn Độ vào thời đó. Nhưng ông có cơ sở buôn bán trên khắp đất nước và cả ở nước ngoài. Và ông ta có một nguyên tắc là bất cứ nơi nào có cơ sở hoặc chi nhánh của ông, không ai phải bị đói, mọi người đều được nhận thức ăn. Nhưng khi đó ông vẫn chưa biết gì về Dhamma.

Một ngày ông đến gặp Đức Phật, và điều này có nghĩa ông được tiếp xúc với Dhamma, với thiền Vipassana. Bằng sự tu tập, ông thanh lọc tâm và chứng nghiệm được giai đoạn đầu tiên của nibbāna. Lần đầu tiên ông chứng nghiệm được sự thật vượt khỏi thân và tâm, và trở thành một người hoàn toàn khác.

Mục đích của việc hiến tặng không phải là để làm tăng bản ngã mà là để làm giảm nó, làm tan biến đi “cái tôi” này. Lúc này ông nghĩ rằng: tất cả tiền của đến với ta bởi những karma tốt lành trong quá khứ đang chín muồi ở hiện tại. Nó phải được sử dụng vì sự tốt lành của những người khác. Tất nhiên, là một cư sĩ, ta phải sử dụng tiền của để duy trì cuộc sống của bản thân, cho sự tồn tại của tất cả những người phụ thuộc vào ta. Nhưng phần còn lại phải được sử dụng vì sự tốt lành của những người khác, vì sự tốt lành của nhiều người khác. Giờ đây ông đã hiểu điều này.

Sự tốt lành của những người khác, cái gì thật sự là điều tốt lành của những người khác? Tôi cho người đói thức ăn. Tôi nên cho, đây là điều tốt. Nhưng ngày hôm sau, người này lại đói. Tôi cho người khát uống nước, nhưng sau một thời gian họ lại khát trở lại. Tôi cho người bệnh thuốc nhưng họ có thể mắc phải bệnh khác, hoặc bệnh cũ sẽ tái phát. Tôi có thể cho người trần truồng quần áo, nhưng sau đó áo quần sẽ sờn mòn, rách rưới và một lần nữa họ lại không có gì để mặc. Tôi sẽ không giúp được người khác vượt qua mọi khổ đau của họ. Nhưng nếu họ nhận được Dhamma, nhận được phương pháp thiền Vipassana tuyệt vời, thì họ có thể thoát khỏi mọi khổ đau! Họ có thể hoàn toàn giải thoát khỏi khổ đau, khổ đau mà họ phải gánh chịu từ kiếp này sang kiếp khác. Họ có thể thoát khỏi nó. Dhamma cần được đến với mỗi người và mọi người đang đau khổ. Vả lại, trong tất cả những dāna, dāna Dhamma là dāna cao cả nhất.

Người đàn ông này đến gặp Đức Phật, lúc đó đang ngụ tại Rājgirī. Anāthapiṇḍika cúi lạy Đức Phật và hỏi: “Thưa Ngài, tại sao Ngài không đến Sāvatthi? Rất nhiều người đang sống ở đó. Tất cả đều đau khổ, dù giàu hay nghèo. Nếu Ngài có một thiền viện ở đó, rất nhiều người sẽ được lợi lạc, thưa Ngài. Xin hãy đến”.

Đức Phật mỉm cười, vì thế Anāthapiṇḍika hiểu rằng Đức Phật đã đồng ý. Ông trở về tìm một trung tâm, một nơi mà Đức Phật có thể bắt đầu dạy Dhamma cho mọi người. Một thiền viện không nên nằm trong thành phố, với nhiều tiếng ồn và phiền toái. Nó cũng không nên quá xa khiến người ta không thể đến đó. Khi đang tìm kiếm một nơi phù hợp, yên tĩnh, và không quá xa thành phố, Anāthapiṇḍika tình cờ đi qua một khu vườn, một công viên xanh mát. Nó rất êm đềm, thanh tịnh, rất thích hợp cho việc thực hành thiền. Và ông hỏi: Ai là người sở hữu khu đất này?

Anāthapiṇḍika biết được rằng mảnh đất này thuộc về hoàng tử Jeta. Ông đến trước Jeta và nói: “Thưa ngài, tôi muốn mua khu vườn của ngài”. Nhưng hoàng tử đã giận dữ đáp lại, “Tôi không định bán khu đất của tôi. Nó chỉ dành để cho tôi giải trí. Tôi sẽ không bán nó”.

“Xin ngài hãy chấp thuận, tôi phải mua nó, bằng bất cứ giá nào”.

Chỉ muốn tống khứ ông ta đi, hoàng tử nói, “Ông biết giá của khu đất này chứ? Ông phải trải những đồng tiền vàng trên toàn bộ mảnh đất này. Đó chính là giá cả”.

“Coi như thỏa thuận đã xong. Tôi sẽ trải những đồng tiền vàng”. Anāthapiṇḍika mang nhiều xe chở tiền vàng, và bắt đầu trải khắp khu vườn.

Khi thấy những gì Anāthapiṇḍika đang làm, hoàng tử hỏi, “Ông bị điên rồi chăng? Không mảnh đất nào có thể đáng giá như vậy. Ông đang làm gì vậy?”.

Anāthapiṇḍika đáp, “Không, tôi không điên. Mảnh đất này sẽ trở nên rất giá trị. Đức Phật sẽ đến đây và dạy Dhamma tuyệt diệu. Tất cả của cải của tôi sẽ không là gì nếu so sánh việc một người học được Dhamma, học được thiền Vipassana, và thoát khỏi khổ đau. Và tôi biết rằng không chỉ một mà hàng ngàn người sẽ nhận được lợi lạc này”.

“Rất tốt” – vị hoàng tử đã bị thuyết phục.

“Hãy để ta hiến tặng phần tiền còn lại. Mảnh đất này đã thuộc về ông”.

Trên mảnh đất này, Anāthapiṇḍika đã xây một thiền viện nơi 10.000 người có thể sống, nơi họ có thể ở lại và thực hành thiền, học hỏi về Dhamma.

Mong muốn của Anāthapiṇḍika là được phục vụ người khác. Ông đã dāna ngay cả trước khi được biết về Dhamma. Bây giờ, dāna của ông đã giúp ngày càng nhiều người nhận được lợi ích từ Dhamma. Ông đang hiến tặng, nhưng không phải để thổi phồng bản ngã của của mình mà là để làm giảm nó đi, chỉ để phục vụ người khác.

Sau đó, vì một số karma trong quá khứ, chỉ trong một thời gian ngắn người triệu phú này mất hết toàn bộ gia sản. Khi còn giàu có, Anāthapiṇḍika đã đến thiền viện mỗi sáng và mỗi tối để thiền. Và là một cư sĩ, ông ta hiểu rằng, ta không nên vào trung tâm với bàn tay trắng. Ta phải mang tặng các thiền giả một cái gì đó. Mỗi lần đến, ông đều mang theo một thứ gì đó cho các thiền giả. Bây giờ, là một người nghèo túng, Anāthapiṇḍika không có gì để mang theo. Lúc ấy ông nảy ra một suy nghĩ. Đằng sau nhà ông có một mảnh vườn nhỏ. Trong mảnh vườn đó, ông thu thập những loại đất trồng màu mỡ được lấy từ nhiều vùng khác nhau của Ấn Độ. Giờ đây, ông mang theo hai nắm đất. Ông đến trung tâm thiền và đặt nó dưới gốc cây, nói rằng, “mong cây này sẽ lớn lên, và dưới bóng mát của cây, nguyện cho ai đó lĩnh hội được Dhamma, nguyện cho ai đó sẽ có thể thực hành thiền”.

Không có gì khác biệt giữa món quà là một nắm đất hay hàng triệu đồng ru-pi, chính chủ ý hiến tặng mới là đáng kể. Sau đó một thời gian, Anāthapiṇḍika giàu có trở lại và bắt đầu dāna như trước. Nhưng ông đã hiểu rằng, bất kể thứ gì mình cho, số lượng là không đáng kể. Chủ ý của tôi phải là một tâm Dhamma. Tôi hiến tặng vì những điều tốt lành và lợi ích của người khác, không mong đợi nhận lại bất cứ điều gì.

Dhammadāna bằng Sự Phục vụ

Từ một bài nói chuyện của thiền sư Goenka với những người phục vụ Dhamma vào tháng 6 năm 1986 tại trung tâm thiền Dhamma Giri, và được in trong tập sách “Vì Lợi Lạc Của Nhiều Người” (For the Benefit of Many).

Điều gì là mục đích của việc phục vụ Dhamma? Tất nhiên không phải là để nhận được cơm ăn hay chỗ ở, cũng không phải để sống cho qua ngày tháng trong một môi trường thoải mái, hay để thoát khỏi trách nhiệm của cuộc sống hàng ngày. Những người phục vụ Dhamma biết rất rõ điều này.

Những người này đã thực tập Vipassana và qua kinh nghiệm trực tiếp họ nhận ra lợi ích mà phương pháp thiền này mang lại. Họ đã chứng kiến được sự phục vụ quên mình của các thiền sư, ban quản lý và những người phục vụ Dhamma, sự phục vụ giúp họ nếm trải được hương vị không gì có thể so sánh của Dhamma. Họ bắt đầu bước đi trên Con Đường Thánh Thiện, và một cách tự nhiên họ bắt đầu phát triển phẩm chất quý giá của lòng tri ơn, mong muốn được đền đáp những ơn huệ mà họ đã nhận được.

Tất nhiên, thiền sư, ban quản lý và người phục vụ Dhamma hiến tặng sự phục vụ của họ mà không hề mong nhận lại điều gì, và họ cũng không nhận bất cứ khoản thù lao vật chất nào. Cách duy nhất để trả ơn họ là trợ giúp để giữ Bánh xe Dhamma luôn luân chuyển, là mang đến cho những người khác sự phục vụ quên mình như thế. Đây là chủ ý cao thượng cần tâm niệm khi phục vụ Dhamma.

Khi thiền sinh Vipassana tiến bộ trên con đường giải thoát, họ thoát dần khỏi khuôn mẫu thói quen cũ của sự vị kỷ và bắt đầu hướng sự quan tâm đến người khác. Họ nhận ra rằng tất cả mọi người ở mọi nơi đang chịu đựng đau khổ như thế nào: già hay trẻ, nam hay nữ, da màu hay da trắng, giàu hay nghèo, tất cả đều đau khổ. Người hành thiền nhận thức được rằng chính họ đã đau khổ cho đến khi gặp được Dhamma. Họ biết rằng, như chính họ, những người khác bắt đầu cảm nhận được hạnh phúc và bình an thực sự bằng việc đi theo con đường Dhamma. Thấy được sự thay đổi này sẽ khơi dậy niềm vui đồng cảm và giúp ta vững vàng hơn trong ước muốn giúp đỡ người khác thoát khỏi đau khổ bằng cách thực hành Vipassana. Lòng từ bi sẽ tuôn trào, và đi kèm theo đó là mong muốn giúp người khác tìm được cách thoát ra khỏi khổ đau.

Dāna Suy Nghĩ, Lời Nói, và Hành Động Đúng Đắn

Thông điệp dưới đây của Goenkaji thảo luận về việc mở trung tâm thiền đầu tiên ở châu Âu – Dhamma Mahī. Bài viết này đã được biên tập và đăng trên tờ “Nouvelles de Vipassana”, phiên bản tiếng Pháp của Bản tin Vipassana, ấn hành vào tháng 6 năm 1988.

Thời điểm truyền bá thiền Vipassana đã đến ở châu Âu. Trong nhiều năm, các thiền sinh nhiệt tâm ở Pháp và các nước lân cận đã làm việc chăm chỉ để mang Dhamma đến với nhiều người. Bây giờ, với việc mua một trung tâm thiền, những nỗ lực đó của rất nhiều thiền sinh đã đến ngày đơm hoa kết trái. Tôi hết sức hài lòng thấy được kết quả tốt đẹp từ việc làm của quý vị.

Việc thành lập một trung tâm thiền đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của Dhamma. Hiểu được tầm quan trọng này rất cần thiết.

Một trung tâm thiền Vipassana không phải là một cộng đồng nơi các tín đồ của một giáo phái sống cách biệt với thế giới bên ngoài, tuân theo những luật lệ khác thường của họ. Nơi đây không phải là một câu lạc bộ được thiết kế để các thành viên giải trí. Nơi đây không phải là một đền thờ để thi hành những nghi lễ tôn giáo. Nơi đây không phải là nơi để xã giao.

Thay vào đó, một trung tâm thiền là một ngôi trường để dạy một môn học: Dhamma, tức là nghệ thuật sống. Tất cả mọi người đến với trung tâm, bất kể là để thiền hay để phục vụ, đều đến để nhận sự giảng dạy này.

Để chắc chắn rằng Dhamma được trao truyền trong sức mạnh và sự tinh khiết vốn có, quý vị phải tuân theo kỷ luật của tất cả các trung tâm. Kỷ luật này càng được giữ gìn cần thận, trung tâm càng trở nên vững mạnh hơn. Nhiều hoạt động bình thường bị ngăn cấm bởi những kỷ luật này, không phải vì chúng có gì sai mà là vì chúng không phù hợp tại một trung tâm chuyên về việc hành thiền Vipassana. Hãy nhớ rằng, đây là nơi duy nhất ở trong nước mà quý vị có thể học loại thiền Vipassana này. Kỷ luật là một cách để giữ gìn mục đích duy nhất này của trung tâm thiền Dhamma Mahī; hãy giữ kỷ luật một cách cẩn trọng.

Nền tảng của ngôi nhà Dhamma mà quý vị sẽ xây dựng ở đây chính là sīla (giới luật). Như quý vị đã biết, cam kết gìn giữ sīla là bước thiết yếu đầu tiên của một khóa thiền Vipassana. Không có nó, việc hành thiền sẽ yếu đi. Điều quan trọng không kém đó là tất cả những người phục vụ ở trung tâm phải giữ Năm Giới thật cẩn mật.

Nguyên tắc của Dhamma đã được thiết lập ở Dhamma Mahī. Kể từ giờ trở đi, trên mảnh đất này, không được có bất cứ sự sát sinh nào, không trộm cắp, không hoạt động tình dục, không nói dối, không dùng chất gây say/nghiện. Điều này sẽ tạo một môi trường thanh tịnh và an bình có lợi cho việc tự thanh lọc tâm.

Việc thực hành tự thanh lọc tâm có thể được tiến hành với nền tảng sīla vững chắc. Hãy luôn nhớ rằng đây là nhiệm vụ quan trọng nhất ở trung tâm, là nhiệm vụ đầu tiên, nhiệm vụ cuối cùng, và luôn luôn như thế. Tất cả những ai đến phục vụ ở trung tâm, ngay dù chỉ một vài giờ, cũng không được sao lãng nhiệm vụ thực hành thiền tại đây. Bằng việc thực hiện điều này, họ làm cho môi trường Dhamma nơi đây mạnh mẽ hơn và hỗ trợ cho những thiền sinh khác.

Tất nhiên đây không phải là nơi duy nhất ở châu Âu mà thiền và những lời dạy của Đức Phật được thực hành; nhưng đây là nơi duy nhất dành cho sự truyền dạy đặc biệt này, cho hình thức đặc biệt này của Vipassana. Phải đảm bảo rằng trung tâm luôn được sử dụng chỉ cho mục đích này.

Phần quan trọng cuối cùng của phương pháp thiền này là mettā (tâm từ) và tất cả những ai đến trung tâm cũng phải thực hành mettā, bất kể là đến để thiền hay là để phục vụ. Để việc thực hành thiền và phục vụ của mình được lợi lạc, quý vị phải thực hiện mettā một cách hoan hỉ, tràn đầy lòng vị tha và yêu thương. Bất kể nhiệm vụ gì mà quý vị đảm nhận, hãy thực hiện với tâm niệm rằng, với hành động của quý vị, tất cả các chúng sinh sẽ được hạnh phúc. Bất kể khi nào tiếp đón người khác đến trung tâm, dù để hành thiền hay tham quan, hãy tiếp đón họ bằng mettā. Hãy lan tỏa trên mảnh đất này những rung động của tình yêu thương và thiện chí, để cho tất cả những ai đến đây đều cảm thấy rằng họ vừa bước vào một chốn an lạc thiêng liêng.

Dhammadāna Hành Thiền

Từ bài nói chuyện ngày 14 tháng 3 năm 1982 ở trung tâm thiền Dhamma Thalī nhân dịp khánh thành công trình xây dựng tháp thiền thất ở đây.

Có nhiều cách để giúp đỡ. Một người có thể giúp bằng sức lực. Một người có thể giúp bằng lời nói. Nếu ai đó có của cải, thì họ có thể giúp đỡ về tài chính. Đây đều là những điều cần thiết, nhưng cách giúp đỡ tốt nhất vẫn là bằng sự thực hành thiền.

Những thiền sinh cũ càng thực hành thiền trên mảnh đất này, nỗ lực của họ sẽ càng mang lại hạnh phúc cho nhiều người. Trong suốt cuộc đời của thiền sư Sayagyi U Ba Khin có nhiều thiền sinh của ông đã đạt tới cảnh giới nibbāna và có thể chứng nghiệm nó bất cứ khi nào họ muốn, và trong bao lâu tùy ý. Một người có thể hỏi, làm thế nào họ có thể trả hết những ơn huệ của Dhamma, của trung tâm và của thiền sư? Những người khác có thể dāna bằng công sức, hay của cải hay những cách giúp đỡ khác để có thể trả hết những ơn huệ họ đã nhận. Nhưng đối với những thiền sinh giỏi như thế, sẽ thích hợp hơn nếu ít nhất một lần một tuần, họ đến đây và ngồi thiền một giờ trong thiền thất, họ nhập niết bàn. Đó là một sự phục vụ lớn lao. Cả trung tâm sẽ được bao trùm trong những rung động của Dhamma ấy. Sức mạnh Dhamma của những rung động do mỗi thiền sinh tạo ra phụ thuộc vào việc họ hành thiền nhiều bao nhiêu và đã chứng nghiệm đến giai đoạn nào, nhưng tất cả những nỗ lực đúng đắn sẽ mang lại lợi lạc cho những ai đến trung tâm.

Xây dựng những thiền thất cho thiền sinh tự nó là một việc hết sức tốt lành. Tuy nhiên, điều tốt lành hơn nữa là mỗi thiền sinh đến đây mỗi tuần một lần để hành thiền. Đây là sự dāna hành thiền của chúng ta. Chính sự dāna của những rung động thiền tập của chúng ta sẽ làm mảnh đất này trong sạch, sẽ làm cho nó giàu sức mạnh Dhamma, do đó giúp cho các thiền sinh tương lai dễ đạt được nhiều kết quả với ít nỗ lực hơn. Mỗi người phải tự nỗ lực, phải nỗ lực để chống lại những ô nhiễm bên trong. Tuy nhiên, nếu môi trường xung quanh tràn đầy những rung động Dhamma, nỗ lực ấy trở nên dễ dàng hơn. Nếu các rung động tại trung tâm bị ô nhiễm chúng sẽ cản trở sự tiến bộ, làm khó khăn hơn cho các thiền sinh trong việc đối phó với những ô nhiễm bên trong. Chúng cản trở các thiền sinh tu tập đúng cách. Nếu các thiền sinh nhận được sự bảo vệ của sự rung động Dhamma tinh khiết, họ có được lực Dhamma mạnh mẽ, một sự trợ giúp rất lớn.

Thiền sinh nên tạo ra mettā từ tấm lòng. Bằng cách đến đây thực hành thiền, chúng ta chắc chắn tạo ra lợi ích cho chính mình. Chúng ta không thể nói hết là bao nhiêu người khác cũng sẽ hưởng được lợi lạc từ sự hành thiền của chúng ta, từ sự tu tập của chúng ta. Trong nhiều thế kỷ người ta sẽ hưởng được lợi lạc. Mọi người sẽ tự động bị thu hút đến nơi mà những rung động Dhamma phát sinh. Vì vậy, miễn là Dhamma được duy trì ở dạng tinh khiết thuở ban sơ, mọi người sẽ đến. Trong nhiều thế kỷ người ta sẽ tìm đến, thực hành thiền và hưởng lợi lạc.

* Nguồn Dhamma.org

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app