Con đường đi ra khỏi khổ đau, dòng hiện hữu liên tục

Con đường đi ra khỏi khổ đau

Sau khi đã hiểu rõ khổ và nguồn gốc của khổ, Đức Phật tương lai lúc đó đối diện với vấn đề kế tiếp: làm thế nào để có thể chấm dứt được khổ? Do nhớ lại quy luật của Nghiệp – kamma, quy luật nhân quả: “Do cái này hiện hữu, cái kia hiện hữu; do cái này sanh, cái kia sanh. Nếu cái này không hiện hữu, cái kia không hiện hữu; nếu cái này diệt, cái kia diệt.”17 Không có cái gì xảy ra mà không có nguyên nhân. Nếu nhân được đoạn trừ, thời sẽ không có quả. Theo cách này, tiến trình khởi sanh của khổ có thể được đảo ngược:

  • Nếu vô minh được đoạn trừ và chấm dứt hoàn toàn, hành sẽ diệt;
  • Nếu hành diệt, thức sẽ diệt;
  • Nếu thức diệt, danh sắc diệt;
  • Nếu danh sắc diệt, lục nhập diệt;
  • Nếu lục nhập diệt, xúc diệt;
  • Nếu xúc diệt, thọ diệt;
  • Nếu thọ diệt, ái và sân diệt; Nếu ái và sân diệt, thủ diệt;
  • Nếu thủ diệt, tiến trình trở thành hay hữu diệt; Nếu hữu diệt, sanh diệt;
  • Nếu sanh diệt, già và chết sẽ diệt, cùng với sầu, bi, khổ thân, khổ tâm và tai ương diệt.
  • Như vậy toàn bộ khổ uẩn diệt.

Nếu chúng ta chấm dứt được vô minh thì sẽ không còn những phản ứng mù quáng mà vốn luôn kèm theo nó mọi hình thức khổ đau. Và nếu không còn khổ, chúng ta sẽ cảm nghiệm sự bình an thực sự, hạnh phúc thực sự. Bánh xe khổ đau có thể chuyển thành bánh xe giải thoát.

16S.LVI (XII). Ii. 1, Dhamma-cakkappavattana Sutta

17Ibid

Đây là những gì Sĩ đạt đa Cồ Đàm (Siddhattha Gotama) đã làm để thành tựu sự giải thoát. Và đây cũng là những gì ngài dạy chúng ta làm. Ngài nói,

  • Tự mình làm điều ác
  • Tự mình ô nhiễm mình.
  • Tự mình không làm ác,
  • Tự mình thanh tịnh mình,
  • Không ai thanh tịnh ai.19

Mỗi người chúng ta phải có trách nhiệm đối với những phản ứng gây ra khổ đau của chúng ta.

Dòng hiện hữu liên tục

Qua Bánh xe duyên sinh Đức Phật đã giải thích tiến trình tái sanh hay luân hồi – saṁsāra. Ở Ấn Độ thời của Ngài, khái niệm luân hồi đã được chấp nhận chung như một thực tế. Đối với nhiều người ngày nay, thuyết luân hồi có vẻ như một cái gì đó xa lạ, không thể biện giải được. Tuy nhiên trước khi chấp nhận hay bác bỏ nó bạn nên hiểu thuyết luân hồi này là gì, và những gì không phải là thuyết luân hồi. 

Saṁsāra là chu trình của những sự hiện hữu có tính cách lặp đi lặp lại, sự nối tiếp của các kiếp sống quá khứ và tương lai. Những hành nghiệp của chúng ta là lực đẩy chúng ta vào hết kiếp sống này đến kiếp sống khác. Mỗi kiếp sống, thấp hay cao, sẽ chỉ là sự biểu hiện của những hành động thấp hèn hay cao thượng chúng ta đã làm trong quá khứ mà thôi. Về phương diện này, thuyết luân hồi bản chất không khác với quan niệm của nhiều tôn giáo cho rằng có một sự hiện hữu tương lai ở đây chúng ta sẽ nhận sự thưởng – phạt theo những hành động chúng ta đã làm trong đời này. 

19Dhammapada,XII.9(165)

Tuy nhiên, Đức Phật thấy rõ rằng ngay cả trong sự hiện hữu cao tột nhất, khổ đau vẫn có mặt. Do đó chúng ta nỗ lực không phải để tìm một cuộc tái sanh may mắn, vì không có tái sanh nào là hoàn toàn may mắn cả. Thay vào đó, mục đích của chúng ta sẽ là giải thoát khỏi khổ đau. Khi chúng ta tự giải thoát mình ra khỏi vòng luân hồi khổ, chúng ta kinh nghiệm một sự an lạc hay hạnh phúc tinh khiết, lớn lao hơn bất kỳ một lạc thú trần gian nào. Đức Phật đã dạy một cách để kinh nghiệm hạnh phúc ấy ngay trong cuộc đời này.

Saṁsāra hay luân hồi không phải như quan niệm thường tình về sự chuyển di của một linh hồn hay cái ngã vẫn duy trì một thực thể cố định qua những lần đầu thai. Đức Phật nói đây đích thực là những gì không xảy ra. Ngài nhấn mạnh rằng không có một tính đồng nhất bất biến chuyển từ kiếp sống này sang kiếp sống khác: “Sự việc cũng giống như từ bò cái sanh ra sữa; từ sữa sanh ra sữa đông; từ sữa đông sanh ra bơ; từ bơ tươi sanh ra bơ tinh lọc; từ bơ tinh lọc thành kem. Khi có sữa thì sữa đó không thể xem là sữa đông, hay bơ tươi, hay bơ tinh lọc, hay kem. Tương tự, ở bất cứ thời điểm nào, chỉ có trạng thái hiện hữu hiện tại được xem là thực, không phải trạng thái hiện hữu quá khứ hoặc tương lai.”20

Đức Phật không cho rằng có một linh hồn hay nguyên lý – bản ngã cố định đi đầu thai hết kiếp này sang kiếp khác, và cũng không cho rằng không có sự hiện hữu quá khứ hay tương lai. Thay

vào đó, Ngài thấy rõ và dạy rằng chỉ có tiến trình trở thành liên tục từ hiện hữu này sang hiện hữu khác, bao lâu những hành nghiệp của chúng ta còn tạo lực đẩy cho tiến trình ấy.

Cho dù người ta tin không có sự hiện hữu nào khác hay không có kiếp sống nào khác ngoài kiếp hiện tại, Bánh xe duyên sinh vẫn có sự xác đáng của nó. Mỗi khoảnh khắc chúng ta không hay biết những phản ứng mù quáng của chúng ta, chúng ta sẽ tạo ra khổ đau và nếm trải nó ngay trong hiện tại. Nếu chúng ta loại trừ được vô minh và không còn phản ứng một cách mù quáng, chúng ta sẽ thọ hưởng sự bình an như quả của nó ngay trong hiện tại. Thiên đàng và địa ngục nằm ở đây; chúng có thể được kinh nghiệm ngay trong đời này, trong chính tấm thân này.

20D.9, Poṭṭhapāda Suttanta

Đức Phật nói, “Cho dù (người ta tin) không có đời khác, không có sự thưởng phạt tương lai cho những hành động thiện hoặc ác, thì ngay trong đời này họ vẫn có thể sống một cách an vui, do biết giữ mình khỏi những sân hận, ác ý và lo âu.”21

Bất kể tin hay không tin có những kiếp sống quá khứ hoặc tương lai, chúng ta vẫn phải đối diện với những vấn đề của kiếp hiện tại, những vấn đề do phản ứng mù quáng của chính chúng ta gây ra. Điều quan trọng nhất đối với chúng ta bây giờ là làm sao giải quyết những vấn đề ấy, và bước từng bước đi đến chỗ chấm dứt khổ đau của chúng ta bằng cách chấm dứt thói quen phản ứng, và kinh nghiệm ngay trong hiện tại hạnh phúc của sự giải thoát.

* Các Bài Viết Này Được Trích Từ Cuốn Thiền Ngay Bây Giờ Của Ngài S.N. Goenka, Tỳ Khưu Pháp Thông Dịch Việt. Phương Pháp Thiền Vipassana Này Do Thiền Sư S.N. Goenka Giảng Dạy Theo Truyền Thống Thiền Sư Sayagyi U Ba Khin. Tài Liệu Thuộc Bản Quyền Của Viện Nghiên Cứu Vipassana VRIDhamma.org & Pariyatti.org. Tài Liệu Chỉ Mang Tính Tham Khảo. Để Học Phương Pháp Thiền Này, Quý Vị Nên Tìm Hiểu Thông Tin & Đăng Ký Tham Dự Khoá Thiền Tại Dhamma.org.

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app