Chương 8: Ðảnh lễ Tình Thương

“Tâm bạn biết tất cả.”

Một buổi sáng, trong quán cà phê đông khách ở Santa Fe, tôi hỏi Sharon Salzberg, “Dipa Ma đã tặng chị món quà nào quí giá nhứt?”

Sharon im trong giây lát, và gương mặt bà trở nên xúc động. “Dipa Ma thật sự thương tôi lắm, chị đáp. Và sau khi bà mất rồi, tôi thường tự hỏi “Rồi có ai thật sự thương yêu tôi như bà nữa chăng?”

Cả hai chúng tôi rơi vào im lặng, và trong một khoảng thời gian lâu, dường như có một cánh cửa mở ra một thế giới khác. Trong cảnh giới mới đó, chỉ có một sự việc duy nhứt: tình thương toàn vẹn tràn đầy.

“Dĩ nhiên, Sharon lại nói tiếp với nụ cười hồn nhiên, “đó chẳng phải chỉ riêng cho một mình tôi. Tình thương ấy chẳng có tính cách cá nhân.”

Jacqueline Mandell đã có lần hỏi Dipa Ma rằng chị có nên tu tập về tỉnh giác hay về tâm từ. Dipa Ma đáp, “Theo kinh nghiệm của riêng tôi, chẳng có sự khác biệt giữa tỉnh giác và từ bi”. Ðối với bà, tình thương và tỉnh giác chỉ là một. Xin hãy nghĩ lại cho kỹ. Khi bạn thương yêu trọn vẹn, phải chăng bạn cũng đang tỉnh giác? Và khi bạn tỉnh giác oàn toàn, đấy chẳng phải là bản chất của lòng thương sao?

Joseph Goldstein nhắc lại một lần ông thấy Dipa Ma đảnh lễ Ðức Phật, rõ ràng là lúc ấy chẳng có thêm một ai ở đó, đấy chỉ là “tình thương đang đảnh lễ tình thương.” Một học viên khác nói, “Ðối với Dipa Ma, sự giác ngộ chính là tình thương rộng lớn. Giáo pháp của bà qui về việc liên hệ với tất cả mọi người và từ ái”. Tâm bà, cũng như cửa nhà bà, luôn luôn rộng mở. Và trong tâm cao thượng đó, mỗi người — dầu trong buồn phiền hay trong hoan lạc — đều có thể đến và đi, và được ôm ấp trong vòng tay tình thương của bà. Asha Greer, một giáo sĩ Sufi, mô tả lần ông được Dipa Ma ôm hôn: “thật là đầy suốt đến nổi cả tấm thân thước tám của tôi xuyên thấu qua tâm bao la và rỗng vắng của bà, mà vẫn còn chỗ cho cả bầu trời.”

Nguyện cầu cho tên trộm. – Ðã vài năm qua, cứ mỗi lần tôi đến New York là chiếc xe của tôi bị đâp kiếng và máy thâu thanh bị cướp mất. Tôi vừa được bạn mời dự đám cưới ở Queens. Tôi nói với Dipa Ma, tôi tính đi xe lửa, vì máy thâu thanh trên xe tôi thường bị ăn cắp. — Ðừng có khùng! Bà bảo, “Cứ lấy xe đi đi.”

Thế là chúng tôi lấy xe đi, kỳ nầy xe được trang bị thêm một hệ thống an toàn. Chúng tôi đậu xe bên lề và vào dự đám cưới. Khi trở ra, xe tôi lại bị đập kiếng như các lần trước. Lần nầy, chúng lấy chẳng những cái máy thâu thanh mà cả những dĩa nhựa nữa. Khi về đến nhà, tôi vừa bước qua cửa, Dipa Ma đã hỏi: “Ðám cưới thế nào?”. Tôi đáp, “Ðám cưới vui lắm. Nhưng xe tôi lại bị đập kiếng nữa, máy thâu thanh bị cướp mất, và tôi hết sức phiền lòng!”

Dipa Ma phá lên cười. — Có chi đáng tức cười vậy?

— Trong kiếp trước, anh chắc là một tên trộm. Còn bao nhiêu lần nữa anh thấy cần phải bị mất máy thâu thanh?

— Bà nói cho tôi biết đi, còn mấy lần nữa, để tôi biết mà chuẩn bị. Lờ đi câu hỏi của tôi, bà hỏi thêm:

— Anh đã làm gì? Phản ứng của anh ra sao khi chiếc xe bị đập kiếng?

— Tôi nổi khùng lên, vì đã nhiều lần bị như thế rồi. Và chuyến nầy, tôi đã cẩn thận gắn thêm hệ thống an toàn.

Bà nhìn tôi chưng hửng. “Anh muốn nói là anh chẳng hề nghĩ đến tên trộm, đời nó buồn phiền đến mức nào à?” Bà nhắm mắt lại và bắt đầu lặng lẽ niệm kinh, và tôi biết bà đang rải tâm từ bi đến cho tên ăn trộm. Thật là một bài học đáng giá cho tôi. — Steven Schwartz

Một người khác để thương. – Bà rất giàu tình thương và cư xử tựa như bà ngoại thương cháu. Khi bạn vừa tới Ấn độ, đến thăm bà, câu hỏi đầu tiên của bà là “Bạn mạnh giỏi thế nào? Sức khoẻ bạn ra sao? Ăn uống có ngon không, có chịu đựng được khí hậu và thực phẩm ở đây không? ” và nhiều câu khác đại loại như thế… Bà nở nụ cười khi có người bước vào nhà, và rồi lời chào mừng đượm đầy lòng từ ái tuôn ra như cơn mưa rào. Ðâu kể gì người nào đã bước vào, đâu xá chi trường hợp nào hoặc điều nào họ kể lại với bà: sự phân biệt đối xử chẳng bao giờ thích hợp với bà. Ðiều quan trọng chỉ giản dị là có một khác tới để bà rải tình thương. — Jack Kornfield

Tôi cũng có quà cho bạn nữa. – Trong chuyến đi đầu tiên của tôi sang Ấn độ, bạn tôi, Sharon Salzberg, đã tháp tùng và chia xẻ với tôi những kinh ngiệm thích thú của chị. Tại Benares (Ba la nại) có một thứ kẹo ngọt hết sức đặc biệt, gọi là rasmali, mà chị muốn tôi thử thưởng thức. Thật là ngon đáo để.

Trở lại Calcutta, chúng tôi đến gặp Dipa Ma. Bà hỏi tôi: “Bạn thích điều gì nhứt ở Ấn độ?” Tôi tưỏng tượng câu trả lời đúng đắn nhứt có lẽ như thế nầy, “Tôi đã cầu nguyện trong một ngôi đền ở Bồ đề đạo tràng (Bodh Gaya)” hay là “Tôi đã thấy được một bức tượng của Ðức Phật đẹp tuyệt vời”, hoặc là “Tôi đã tham dự một kỳ an cư”. Nhưng tôi lại buột miệng thốt ra điều vừa thoáng qua trước nhứt trong đầu, “Tôi đã ngậm mấy viên kẹo ở Benares, thật là ngon!” Sharon liếc xéo tôi một cái, và tôi tự hỏi thầm, chẳng biết Dipa Ma đã nghĩ thế nào về câu trả lời của tôi.

Ðến khi chúng tôi sắp rời Calcutta, trên đường đến phi trường, chúng tôi ghé lại để giã biệt Dipa Ma. Chúng tôi vái lạy bà và hiến dâng một tặng phẩm. Bà bảo, “Tôi cũng có quà cho hai bạn nữa”, vừa nói bà vừa đặt mấy viên kẹo rasmali trước mặt chúng tôi.

Bà đã sai vị hôn phu của Dipa đi lùng khắp Calcutta để tìm cho ra loại kẹo đặc biệt đó của Benares. Tôi đã xúc động vô cùng trước cử chỉ bà ban tặng cho tôi điều tôi thật tình mong muốn, dầu đó là điều gì đi nữa. Nếu tôi bảo lưỡi tôi đã thích thú thưởng thức, chắc rồi bà cũng sẽ bồi dưỡng phần thân thể đó của tôi. — Steven Schwartz

Rải tâm từ ái đến mẹ bạn. – Tôi được gặp một người đến Ấn độ để tu tập thiền vào cuối thập niên 60 và đầu 70. Chàng ta là một thiền sinh rất khao khát tập luyện. Anh cạo đầu, mặc áo tràng trắng, và sống nhiều năm trong các chùa chiền, đền thờ và tu viện. Cha mẹ anh rất ghét việc đó. Vào thời ấy, anh ở khoảng hơn ba mươi tuổi, và cha mẹ muốn anh theo học y khoa hay trường luật. Nhứt là người mẹ rất đau buồn, coi như anh đã chết rồi, và bà mất một đứa con trai. Mỗi khi anh đến gặp Dipa Ma, bà đều hỏi thăm về mẹ anh. “Mẹ bạn có mạnh giỏi không? Mỗi khi bạn ngồi thiền, bạn có rải tâm từ bi đến mẹ bạn không? Khi đang tu tập thiền, bạn phải nên nhớ nghĩ đến mẹ trong tâm bạn, và gởi lòng từ ái đến cho bà.”

Có một lần bà rút dưới nệm trong phòng bà và lấy ra một sấp giấy bạc, tiền Ấn. Bà cầm tờ giấy bạc một trăm ru pi, trị giá tương đương khoảng mười hai đô la Mỹ, một số tiền khá to đối với bà. Bà đặt tiền vào tay anh, kéo mấy ngón tay anh nắm chặt lại, và nói: “Ði mua ngay một món quà và gởi thẳng về cho mẹ bạn.” Ðấy là đường lối bà giảng dạy. — Jack Kornfield

Vuốt ve hết tất cả. – Khi Dipa Ma đến ở nhà chúng tôi lần đầu, bà với đứa cháu ngoại bà, Rishi, cả hai rất sợ con chó trong nhà. Từ nào tới giờ, bà đâu có sống trong nhà mà có chó ở chung. Loài chó ở trong xóm bà, phần lớn đều gầy ốm mất vệ sinh, cho nên việc nuôi chó ngay trong nhà mình ở là điều chẳng hợp lý.

Tuy nhiên, chỉ chừng trong gần hai tuần lễ thì có môt sự thay đổi kỳ diệu trong mối tương quan giữa bà và con chó. Chữ “chó” (Dog) là danh từ Anh ngữ đầu tiên mà bà học được. Mỗi buổi sáng, bà đi xuống lầu và nói bấp búng câu tiếng Anh, “Chó, con chó đâu rồi?” Và con chó Yeats (đọc là Dít ) lại chạy đến, và bà ngồi quì xuống, tay vuốt ve nó với tất cả tấm lòng từ bi, cũng như khi bà vuốt đầu chúng tôi và các thiền sanh khác.

Con Yeats thích lắm. Thật là một cảnh ngoạn mục nhìn thấy người và thú liên hệ nhau như thế, một phần vì trước đây bà còn rất ngán sợ lũ chó; và ta có thể nhận thấy ra được sự tùy duyên biến đổi trong phần văn hoá của bà. Nhưng bà chỉ đem con chó vào tâm đang rộng mở của bà, và cả hai, người và thú, trở nên đôi bạn thân tình. Ðến ngày bà từ giả chúng tôi, bà bước đến gần con Yeats, ngồi quì xuống bên nó, nói chuyện với nó, và từ bi cầu nguyện cho nó. — Steven Schwartz

Chú gấu nhồi bông “Khất sĩ”. – Trong thời gian Dipa Ma đến giảng dạy ở Hội Thiền Minh Sát (IMS, Insight Meditation Society), vào năm 1984, tôi có bắt gặp một chú gấu nhồi- bông bị vứt bỏ trên nắp thùng rác trong vùng lân cận. Tôi nhặt lên và mang đến cho Rishi, cháu ngoại của Dipa Ma, bấy giờ cũng theo bà trong chuyến du hành sang Mỹ. Chúng tôi đặt pháp danh cho chú gấu là “Khất sĩ”, Anagarika Teddy, (Anagarika = Phi gia chủ, Khất sĩ; Teddy bear = con gấu nhồi bông, để trẻ con chơi). Khi gia đình Dipa Ma rời khỏi Thiền đường IMS, chú gấu được ở lại, giao cho tôi săn sóc. Nhưng tôi lại ít khi nhớ đến nó.

Hai năm sau, tôi có dịp sang Ấn độ và đến thăm Dipa Ma ở Calcutta. Khi thấy tôi, bà hỏi ngay, “Còn chú gấu Khất sĩ (Anagarika Teddy) ra sao?” Bà cũng chẳng quên ngay cả con gấu nhồi bông lượm được trên thùng rác. Tôi đứng đấy sững sờ. Ðiều nầy đã khiến tôi thấy rõ nơi bà mối quan tâm của bà đối với mọi sanh vật, còn đang thở như chính tôi đây, và luôn cả tâm trí thanh tịnh của bà. — Buzz Bussewitz

Khi tâm chẳng sợ. – Khi Dipa Ma sắp rời Hội Thiền Minh sát (IMS, Insight Meditation Society), cả nhóm chúng tôi, gần hai mươi người, cùng đứng gần bà, chắp tay ngang ngực. Vì một lý do nào đó, trước khi bước lên xe, bà quay lại nắm lấy tay tôi, nhìn thẳng vào mắt tôi, thật gần, và cầm lấy bàn tay tôi trong im lặng. Bà nhìn tôi với hết sức thương mến, với hết sức trống vắng, với hết sức ân cần. Trong giây phút đó, bà truyền sang cho tôi một niềm từ bi thật trọn vẹn và chân tình… một nguồn shakti (năng lực tâm linh) tuôn tràn ra từ bà. Rồi bà nhìn quanh, kế từ từ bước lên xe.

Trong một phút giây, bà đã cho tôi nếm hương vị của tình thương mà từ hồi nào đến giờ tôi chưa từng hưởng. Dó là một tình thường thật hiếm có, chẳng đượm chia ly, chẳng vướng phân biệt. Ðây là lần đầu tiên tôi được thọ hưởng những gì có thể hiện khởi trước sự hiện diện của một bực đã giác ngộ. Giây phút đó mãnh liệt cho đến nổi tôi cảm thấy như vừa xảy ngày hôm qua.

Biết được tình thương đó, và nhận thấy có thể đem chia xẻ nó cùng với người khác, đó là một nguồn cảm hứng chân thật cho tôi, trên con đường đạo. Dipa Ma là hiện thân của tình thương tràn ngập tuôn ra, khi tâm ta chẳng hề sợ hãi. — Sharda Rogell

Ánh sáng nơi Calcutta. – Bà đã chiếm một chỗ trong trái tim tôi, đã vượt xa khỏi sự sợ hãi và hỗ thẹn, một nơi hoàn toàn mới lạ và ngây thơ. Ðó là điều, bà là ai, và bà nhìn mỗi người trong chúng ta ra như thế nào. Khi rời khỏi nhà bà, tâm tôi rộng mở đón tiếp sự kỳ diệu và thanh tịnh đó. Lần thứ nhứt trong đời tôi, tôi có thể nhìn sự thống khổ và nghèo đói ở Calcutta theo một hướng khác. Ánh sáng dường như đã tỏa xuống, rạng rỡ trên thân những người cùi hủi và hành khất, và tôi đã có thể nhìn thấy bản thể của mỗi người. — Steven Smith

-ooOoo-

Chương 9: Thần thông tự tại

“Chỉ cần đạt được định lực thâm sâu”.

Dipa Ma phát triển các năng lực tâm linh của bà dưới sự hướng dẫn của thiền sư Munindra và bà chẳng hề thi triển thần thông, trừ phi khi vị thiền sư nầy yêu cầu. Thần thông, năng lực tâm linh phi thường ấy, chẳng phải đạt được qua sự luyện tập thiền minh sát, mà chính do sự tu tập định lực trong đó tâm trí đi sâu vào một trạng thái thâm định thường được gọi là thiền-na (jhana). Trong khi tập luyện thiền-na, Dipa Ma có thể đi vào bất cứ một trong tám trạng thái cổ điển về thiền-na, theo ý mình muốn, và trú trong đó bao lâu mà bà muốn. Trong trạng thái thiền càng thâm sâu, các bộ phận trong cơ thể có thể hoạt động chậm lại, gần như ngừng hẳn, do đó chẳng thấy cần thiết phải ăn, uống, ngủ, đi, hay bài tiết. Dipa Ma có thể quyết định nhập vào một trạng thái thiền na đặc biệt nào và “tỉnh dậy”, hay xuất thiền, vào một thời khắc đã định trước. Trong một dịp, bà quyết định nhập vào thiền thứ tám, và an trú trong đó ba ngày, hai mươi mốt giờ, tám phút, và ba giây. Bà xuất thiền đúng vào giây phút bà đã định trước.

Khi bà trở lại Ấn độ, Dipa Ma thôi chẳng thực tập các năng lực đó nữa, nhấn mạnh rằng chúng dính líu nhiều với cái tự ngã, và do đó là một chướng ngại cho sự giải thoát. Thiền sư Munindra cũng đồng một quan điểm: “Các năng lực đó chẳng có quan trọng gì cả. Sự giác ngộ mới là quan trọng. Bạn phải cần đến trí huệ khi xử dụng chúng. Bạn chẳng muốn dùng chúng với lòng tự ngã, bới vì chúng chẳng phải là của bạn. Bạn chẳng thể dùng đến chúng và nghĩ rằng bạn là một bực có đầy quyền lực. Làm như vậy, chẳng phải là trí huệ.”

Jack Engler có lần đã hỏi Dipa Ma rằng bà vẫn còn giữ các thần thông bà đã học được các năm về trước, khi theo học với thiền sư Munindra không. Bà đáp:

— Không.

— Bà có thể có trở lại được chăng?

— Ðược, nhưng phải mất nhiều thời giờ.

— “Trong bao lâu?” Jack hỏi tiếp, tưởng đâu bà sẽ đáp bằng tháng hay bằng năm.

— Ồ, chừng đôi ba ngày, bà nói, nếu tôi thực tập thật cẩn thận.

Thường được nghe nói có sáu loại thần thông, năm loại đầu có tính cách tại thế, đạt được qua sự thâm định của cấp thiền thứ tư, và một loại thần thông xuất thế gian, chỉ chứng đắc nhờ thực tập thiền minh sát và coi như khi dấu hiệu đã đắc được tuệ giác đầy đủ. Năm loại thần thông tại thế còn có thể tìm thấy nơi truyền thống ngoại đạo, phù thủy hoặc du già, và có thể tự nhiên phát khởi, với một mức độ thấp hơn, nơi một vài cá nhơn. Ðó là:

Quyền năng thần bí: có thể biến đổi được một trong bốn nguyên tố căn bản: đất, nước, gió, lửa, sang nguyên tố khác

Thiên nhĩ: khả năng nghe được âm thanh gần hay xa, tại thế gian nầy hay tại các cảnh giới khác.

Thiên nhãn: khả năng nhìn về tương lai, thấy được các vật gần xa tại thế gian nầy và nơi các cảnh giới khác.

Túc mạng thông: biết được cuộc sống các kiếp trước của mình và của những người khác.

Tha tâm thông: đọc được tư tưởng của kẻ khác và biết rõ tâm của họ.

Dipa Ma đã thi triển các loại thần thông đó trước mặt thiền sư Munindra, và vị nầy xác nhận rằng bà đã điều phục chúng thật thuần thục. Các lời trần thuật sau đây là những ký sự ghi nhớ lại của ông hay của các học viên của bà.

Một hôm, thiền sư Munindra đang ngồi trong phòng, bỗng ông để ý có một việc gì là lạ đang xảy ra trên không trung, bên ngoài khung cửa sổ. Ông ngẩng lên nhìn và thấy Dipa Ma lơ lửng trên không, gần các ngọn cây, đang nhoẻn miệng cười với ông và bà đang ngồi trong một căn phòng mà bà xây lên giữa không khí. Do biến đổi nguyên tố gió trở thành nguyên tố đất, bà đã có thể tạo nên một kiến trúc giữa khoảng không.

Biến đổi các chất đặc cứng trở thành chất khí, tạo nên những biến cố có phần ít đáng kinh ngạc hơn. Ðôi khi Dipa Ma và em bà là Hema đi đến trình pháp với thiền sư Munindra bằng cách bất thần hiện hình lên trong phòng ông, và Dipa Ma cũng có lúc bước ra khỏi phòng xuyên qua cánh cửa khép chặt. Cũng tựa như trò đùa, bà đứng lên khỏi ghế, bước tới vách gần đó và đi ngang qua tường.

Dipa Ma học cách nấu nướng chẳng cần lửa, bằng lối tạo ra nguyên tố lửa từ nơi bàn tay của bà. Bà cũng đổi nguyên tố đất thành ra nguyên tố nước, để trình diễn với thiền sư Munindra bằng cách chui sâu vào một khoảng nền đất để rồi trồi lên, tóc và quần áo ướt đẫm nước. Nếu bà đi bộ một mình trong đêm tối, bà phân thân ra, thành có thêm một bạn đồng hành đi bên cạnh, để khỏi bị ai khuấy phá.

Khả năng của Dipa Ma về địa hạt nầy đã được trắc nghiệm lại và được một nhóm khoa học gia khác xác nhận. Thiền sư Munindra có quen biết với một giáo sư về Cổ sử Ấn độ tại truờng Ðại học Magadh, ông ấy đã tỏ ra rất nghi ngờ về các năng lực thần thông. Munindra mới đưa đề nghị chứng minh sự có thật của các năng lực thần thông và cả hai ông cùng thiết lập một cuộc thử nghiệm. Vị giáo sư liền nhờ một người sinh viện tín cẩn ngồi canh chừng trong căn phòng Dipa Ma đang ngồi thiền, để chắc chắn rằng bà chẳng hề rời khỏi chỗ ngồi của bà trong phòng. Ðến ngày đã hẹn trước, người sinh viên kiểm nhận là Dipa Ma chẳng hề rời khỏi tư thế ngồi thiền, và cùng lúc ấy, bà lại hiện lên trong văn phòng của vị giáo sư cách đó mười dặm và trò chuyện cùng ông.

Dipa Ma và Hema đã có một lần phối hợp các năng lực thần thông của họ lại để di chuyển một chiếc xe buýt. Một buổi xế trưa tại Rangoon, họ đang chờ xe buýt tại một trạm. Khi xe đến tới trạm, trễ hằng giờ, cả hai người, Dipa Ma và Hema thấy họ sẽ trễ mất chuyến hẹn ở một nơi cách đó khá xa. Bởi họ muốn đến nơi đúng giờ khỏi lỡ buổi hẹn quan trọng, nên họ bắt đầu ngồi tập trung định lực và đẩy chiếc chạy mau lên để đúng giờ. “Trong cơn đại định (samadhi)”, thiền sư Munindra giải thích, “họ đã cùng quyết định, và đã di chuyển chiếc xe, ngay cả trong khi họ đang ngồi trong xe ấy. Họ đã thâu ngắn lại thời gian và khoảng đường cách xa. Ðiều nầy có thể làm được. Ðức Phật đã làm như thế đối với Angulimala (Ngài Ương quật ma la, hay Vô Não, hay Chi Man). Khi Chi Man (Angulimala) muốn chạy theo giết Ðức Phật, thì Ðức Phật dừng lại bất động, tuy vậy mà Chi man chẳng đến gần Ngài được. Ðó là bởi vì Ðức Phật đã dùng sức thần thông khiến cho khoảng cách giữa Ngài và Chi Man giữ nguyên, chẳng thay đổi. Ðó là một việc thật giản dị.”

Dipa Ma còn có khả năng nhìn thấy hay nghe đến các biến cố xảy ra ở nơi khác và vào một thời kỳ khác. Khi nhà ngoại giao Miến điện, U Thant, sắp lên lãnh chức vị Tổng Thơ Ký Liên Hiệp Quốc, thì thiền sư Munindra biết U Thant sẽ đọc một bài diễn văn nhậm chức, ông bảo Dipa Ma hãy đi vào tương lai và ghi nhớ lại nội dung bài diễn văn đó. Bà liền đọc lại bài diễn văn đó và thiền sư Munindra ghi âm vào máy. Một tháng sau, U thant đọc diễn văn tại Liên Hiệp Quốc, đúng từng chữ một với bài văn Dipa Ma đã tiên đoán.

Vượt thời gian và không gian. – Dipa Ma bảo, bà có thể đi ngược lại thời gian để đến nghe lúc Ðức Phật đang thuyết pháp. Khi tôi hỏi, bà làm cách nào được như vậy, thì bà mỉm cười và bảo: “Tôi đi ngược lại từng tâm thời qua tâm thời”. Chắc là tôi đang nhìn bà với cả sự kinh ngạc, bởi vì bà lại mỉm cười và nói, “Ồ, bạn chẳng thể nào làm như thế để Niết bàn (sự giác ngộ) được hiện ra.” Rồi bà cười to lên và nói thêm, “Ðiều ấy rất buồn cười. Chỉ cần tập trung định lực cho thật nhiều thôi.” Trông ánh mắt bà, khi bà đang nói, bà thật là hết sức giải thoát và hết sức thanh tịnh.” — Michael McDonald Smith

Nhìn với thiên nhãn. – Dipa Ma có thể nhìn vào cơ thể con người và mô tả não bộ và quả tim hoạt động như thế với một sự chính xác khoa học và với một trình độ rõ ràng cao hơn sức học của bà. Bà mô tả các sáng chế tân kỳ được tạo ra ở các vùng khác trên thế giới. Bà kể cho thiền sư Munindra nghe về một sự phát minh mới, nó giống như gì, nó dùng làm gì, nó được cất giữ nơi nào. Thiền sư cũng đã nghĩ cách trắc nghiệm lại khả năng của các đệ tử của ông, và khi ông trắc nghiệm các sự mô tả của Dipa Ma, ông thấy chúng đều chính xác đến một trăm phần trăm.

Munindra bảo Dipa Ma hãy nhìn vào những gì đang xảy ra trong phòng bên cạnh, rồi tả lại cho ông nghe. Rồi ông kiểm điểm lại. Sau đó, ông lại bảo bà nới rộng khả năng thiên nhãn thêm, để nhìn càng lúc càng xa hơn nữa, đến những điạ điểm mà ông có thể soát lại sự chính xác của lời bà mô tả. Thí dụ như, bà chưa hề đặt chơn đến Bồ đề đạo tràng (Bodh Gaya), và thiền sư bảo bà hãy mô tả lại nơi ấy — cội Bồ đề ở về phía nào, những thánh vật nào còn lưu lại từ thời cổ đại. Ông đã từng làm vị giám thủ bảo tàng viện ở đấy trong nhiều năm và biết rõ cả những chi tiết ẩn mật của điạ điểm nầy. — Jack Engler

Chẳng những Dipa Ma có thể đến thăm viếng bất cứ nơi nào trên quả đất nầy, bà còn có khả năng vượt đến các cảnh giới khác đã được mô tả trong vũ trụ học của Phật giáo — như cõi Trời và cảnh điạ ngục chẳng hạn. Bà mô tả các loại chúng sanh đang sống nơi đó và những gì xảy ra chung quanh họ. Ðôi khi, bà buột miệng kể lại các chuyến bà du hành sang các cảnh giới khác lạ đó. Cõi Trời. – Trong ba tháng an cư ở Hội Thiền Minh sát (Insight Meditation Society), ở tiểu bang New England, vào những ngày mùa thu trời trong xanh như pha lê, với vài vừng mây bạc trôi trên ngọn cây rực rỡ ánh sáng và màu sắc, chúng tôi thường đi bách bộ bên ngoài. Chúng tôi đến ngồi trên các phiến đá, bên bờ hồ, và mặt nước lặng tờ phản chiếu các màu sắc đó.

Có nhiều người đến bờ hồ, và trong số đó có một người nói với Dipa Ma, “Cảnh nầy chắc phải giống cảnh tiên trên cõi Trời” — chúng tôi đều biết bà đã từng du hành đến các cảnh giới khác. Và bà nhìn anh bạn rồi nói: “Không, chẳng có chi giống cả. Cảnh đây khá đẹp, nhưng nó thật còn chưa đụng tới cảnh Trời.” — Jack Kornfield

Thiên nhãn của Dipa Ma đã giúp bà nhìn thấy cả tương lai của các học viên của bà. “Bà tiên đoán về sự nghiệp giảng dạy của tôi rất tỉ mỉ, vào lúc mà tôi chưa từng giảng dạy chút ít nào cả”, Joseph Goldstein nói, “Tôi tin rằng bà đã thấy rõ trước tất cả những thăng trầm của trọn đời tôi.”

Biết cả vị lai. – Ðến gần cuối khoá an cư ba tháng, bà nhìn thẳng vào tôi và nói, “Khi chị trở về nhà, chị sẽ giảng dạy về tâm từ bi tại một bệnh viện.” Lời tuyên bố đó là tôi ngạc nhiên bối rối, vì từ trước tới giờ tôi đâu có chút liên hệ nào với bệnh viện. Nhưng tôi nghĩ, “Ðược rồi!”

Tôi về nhà chưa được giáp tháng thì ai đó ở Bệnh viện Nhi đồng gọi điện thoại cho tôi, hỏi tôi có muốn phụ trách Trung Tâm Sinh Hồi Báo (dịch gượng chữ Biofeedback) ở nhà thương hay không. Tôi thật ngạc nhiên quá sức, và ngẫm nghĩ, “Ðược rồi, đó chính là cái phần bệnh viện đấy.” Tại Bệnh viện Nhi đồng, trẻ con đến với tình trạng căng thẳng về tâm thần: nhức đầu kinh niên, đau bụng, chinh trung bệnh (phobia, chứng sợ hãi vô lý), và nhiều bịnh khác nữa, thì tôi sẽ dạy cho chúng tâm từ bi. Việc hồi báo về sinh học (biofeedback) chỉ là khung cảnh làm việc của tôi thôi, nhưng tôi lại thực sự đang dạy trẻ nhỏ về tâm từ bi đối với chính chúng nó, đối với đồng loại và đối với các trẻ khác nữa. Tôi thắc mắc tự hỏi chẳng biết có phải Dipa Ma đã gởi công tác đến cho tôi, hay là bà đã biết trước công tác đó sẽ tới với tôi. Khi tôi nhận được cú điện thoại đó, cứ như thể là chính Dipa Ma đang gọi tôi ở bên kia đầu giây, dặn tôi phải nhận lấy công tác đó. — Michelle Levey

Dipa Ma lại còn có một khả năng rất mạnh mẽ lạ thường để thần giao cách cảm với các học viên của bà.

Vượt khỏi ngôn từ. – Theo sự phân công, nhiệm vụ của tôi là rửa chén bát trong hai tuần lễ cuối cùng của khoá an cư. Khi tôi thưa với bà, tôi sắp rời nơi đây, bà bảo bà muốn chúc phước lành cho tôi. Bà hỏi tôi nhiều câu như bà nội hỏi cháu, rằng tôi đã lập gia đình chưa, và tôi đang làm nghề gì,… Rồi miệng bà phát ra những tiếng Bengali, đặt tay bà lên đầu tôi, và tôi cảm thấy như có một luồng sét điện chớp đang xẹt lên đầu tôi. Ðùng một cái, tôi có cảm tưởng như bà đã đọc rõ tất cả tư tưởng trong đầu tôi và chúng tôi, bà và tôi, đang nói chuyện với nhau, vượt lên cả ngôn từ… Chúng tôi cảm thông nhau trên một giai tầng mới, một sự cảm thông giữa bai bản thể,… một sự cảm thông thanh tịnh giữa tâm bà và tâm tôi. Tôi cảm như được vỗ vào đầu, một cách êm dịu… Sau lời chúc phước, tôi cảm thấy một sự sảng khoái kỳ thú. Tôi nhớ tôi đã bước ra khỏi cửa Trung tâm Thiền Minh sát như đang bước lơ lửng khỏi mặt đất. — Carol Constantian Lazell

Tâm tâm tương ứng. – Bất cứ lúc nào tôi tìm đến gặp Dipa Ma để thưa hỏi về một vài khó khăn trong việc thực tập thiền, tôi đều thấy bà nhìn thẳng vào mắt tôi với cái nhìn trầm lặng, như bà đang vào đại định, trong khi tôi mở lời. Ngay trước khi người thông dịch bắt đầu nói, tôi đã cảm thấy một cái gì nhột nhột ở sau ót tôi. Ðôi khi, lại nghe “click” một tiếng, rồi trọn cả vấn đề khó khăn và mối tình cảm dính líu vào đó, cùng biến đi mất cả.

Tôi tin rằng bà có đủ năng lực tâm linh, hay thần giao cách cảm, để tác động trực tiếp đến tâm trí kẻ khác. Bà dạy tôi một cách thầm lặng rằng, giải pháp cho các vấn đề nội tâm của tôi, do chính nơi tâm trạng của tôi, chớ chẳng phải do nơi lời bà nói, cũng chẳng do nơi các kỹ thuật điều chỉnh sự chú ý nào, mà có thể tìm thấy ra được. Bà trao tặng tôi lối giải quyết mọi khó khăn tôi đang gặp phải, bằng cách bà chia xẻ cho tôi một tâm trạng trong đó, một cách giản dị, vấn đề khó khăn chẳng còn hiện diện nữa. Ðấy là một chuyển đổi bất thần, tức khắc, tựa như một thủ thuật điều chỉnh tâm lý vậy. — Daniel Boutemy

Nụ cười cứ tươi mãi. – Tôi theo học và tập luyện ở Ấn độ trong một thời gian khá dài và đã trải qua khá nhiều khó khăn trong đời tôi. Tôi được sắp xếp để trở về Mỹ dạy thiền trong ba tháng an cư ở Hội Thiền Minh sát (I.M.S). Trên đường rời nước Ấn tôi định ghé lại Calcutta và thăm Dipa Ma. Tôi còn nhớ dạo ấy, trời nóng đến 110 độ, vào một ngày ngột ngạt mờ bụi. Tôi đảnh lễ bà và ngồi hầu chuyện cùng bà trong giây lát. Khi tôi đứng lên để giã biệt, bà ôm tôi và hôn một nụ hôn thật kêu như thường lệ, rồi bắt đầu ban lời chúc phước cho tôi. Tôi quì gối xuống, để được cao ngang với tầm vóc nhỏ thấp của bà.

Với lối chức phước thật đặc biệt của bà, bà dùng cả hai tay bà vuốt lên đầu tôi, khắp mình tôi, vừa thổi nhẹ hơi lên người tôi, vừa lâm râm tụng câu Kinh Phật. Một lối chúc phước thật dài, rất lâu. Thoạt tiên, chỉ là một cảm giác thật êm dịu, nhưng từ từ cử chỉ của bà càng kéo dài, cảm giác càng trở nên thấm thiá và lại thấm thiá hơn nữa. Ðến lúc bà chấm dứt, vạn vật như bừng sáng lên và toả rộng ra, và tôi há miệng ra nở nụ cười rộng đến từ bên mép tai nầy sang tận mép tai kia!

“Về, về đi và dạy một khoá an cư thật tốt cho mọi người ở đấy,” bà bảo tôi, “Hãy đi về với lời chúc lành của tôi”. Thật giống như bà nội đang tiễn đứa cháu ra đi với lời cầu chúc vạn sự bình yên!

Tôi rời chỗ bà ở, và đi bộ giữa mùa hè nóng thiêu người của Calcutta, ngoắc một chiếc taxi lên phi trường Dum Dum. Mất gần hai giờ mới đến nơi, trong khi anh tài xế tay đè lên còi xe, lách qua lách lại giữa các chiếc xích lô đông đảo, xe cộ ồn ào, khói bốc mù mịt, và sức nóng cùng độ ẩm, và sự nghèo đói cùng sự bẩn thỉu. Sau cùng, tôi cũng đến được phi trường và sắp hàng dài cả giờ để làm thủ tục quan thuế của Ấn độ, với các nhân viên lục soát hành lý của tôi, gạn hỏi tôi rồi mới đóng dấu lên giấy tờ của tôi. Rồi tôi cũng leo được lên phi cơ và mất thêm hai giờ bay mới đến Bangkok.

Phi trường Bangkok rộng lớn tựa như ở Los Angeles, điều đó có nghĩa là phải mất thêm một giờ rưỡi đồng hồ sắp hàng dài chờ qua ải quan thuế, mới gọi được chiếc taxi, cũng vượt vượt, lách lách qua xe cộ, mới về tới một khách sạn ở Bangkok. Vậy mà, tôi chẳng hề ngưng nụ cười trong suốt hành trình. Chuyến bay lâu, sắp hàng dài, qua quan thuế, ngồi taxi, xe nghẽn trên xa lộ, tất cả những điều đó — và tôi vẫn ngồi đó với nụ cười tươi tắn rộng nở trên gương mặt tôi. Nụ cười chẳng chịu tắt đi. Thật là hết sức đặc biệt. — Jack Kornfield

Michelle Levey và chồng là Joel, xin với Dipa Ma làm lễ cưới cho họ và ban phước lành, vào năm 1984.

Cơn mưa phước lành. – Sau khi hôn lễ vừa xong, bà âu yếm nhìn vợ chồng chúng tôi và nói, “Cầu nguyện một mối lương duyên thiền định đến với hai bạn”. Chúng tôi quì xuống và Dipa Ma đặt hay tay lên trán chúng và ban lời chúc phước. Có cảm giác sọ đầu chúng tôi mở toác rộng ra đón cả không gian vào. Rồi cũng tựa như bà đang đem một sự truyền cảm trực tiếp chất đầy vào trong sọ của chúng tôi. Bà xối tuôn vào đấy một niềm an lạc và từ bi, ngọt ngào nung chảy thấm vào và kết hợp chặt chẽ lại hai linh hồn với nhau. Cả hai chúng tôi, chẳng ai đã từng có cảm giác giống như thế, từ trước đến nay.

Sau lời chúc phước của bà, chúng tôi đi bách bộ vào khu rừng thưa, phiá sau thiền đường của Hội Thiền Minh sát. Hôm ấy, vào tháng Chạp, nền trời trong xanh, chẳng gợn chút mây và lạnh lẽo. Tuy nhiên, theo bước chơn chúng tôi dẫm lên trong rừng, chúng tôi lắng nghe được một âm thanh tựa như các hạt gạo đang tuôn xuống, lên mình chúng tôi. Nó cũng tựa như tiếng rào rào của mưa đá — tách, tách tách, khắp cả khu rừng thưa. Chúng tôi ngẩng nhìn lên bầu trời, nhưng nền trời vẫn trong xanh. Tựa như một cơn mưa rào của phước báu. Chúng tôi tiếp tục bước, và một sự biến thể kỳ lạ về không gian và thời gian xảy ra. Chúng tôi bước và cứ bước, và cứ tưởng là đi xa lắm rồi, — nhưng khi ngẩng lại nhìn, thì lại thấy chúng tôi vẫn còn đang đứng tại nơi khởi hành. Cũng tựa như đang đi theo một hành trình trên mặt phẳng Mobius, tưởng rằng sẽ đến một nơi nào xa hơn đây, nhưng vẫn quay trở lại, lộn ngược từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong và khép kín hai đầu lại với nhau, theo một phương cách thần bí. — Joel và Michelle Levey

Chính Dipa Ma có kể lại một biến cố khá lạ thường đã xảy ra cho bà, chỉ vì bà là người đã tuân theo đầy đủ các gíới hạnh của đạo Phật.

Ngôi nhà từ đâu hiện lên. – Tại những quốc gia theo đạo Phật, các tín đồ tuân hành tám điều giới luật vào bốn ngày trong một tháng, và nhiều người đi chùa vào đêm rằm trăng tròn. Vào một ngày rằm, một người bạn gái của tôi và tôi định đi tới chùa.

Khi chúng tôi ra khỏi nhà, trời mưa lâm râm, nhưng đến khi chúng tôi vừa xuống xe buýt, thì mưa bắt đầu tuôn tầm tã và đường lên chùa ngập sâu nước. Nhiều người ở chùa đang đợi chúng tôi; nhưng chúng tôi chẳng thể đi xa hơn nữa, vì chúng tôi đang ướt đẫm, và lạnh run.

Vừa lúc ấy có chiếc xe ngừng lại, một người đàn ông trên xe bảo chúng tôi rằng, có một ngôi nhà rất xinh xắn ở gần đây. Ông mời chúng tôi lên xe và ngừng lại trước ngôi nhà trang hoàng đẹp đẽ, có cổng ngoài ở phía trước. Chúng tôi đi vào nhà, leo lên thang gác và định trú nơi đây, chờ mưa tạnh. Chúng tôi đợi chừng mười lăm phút, rồi vội vã đi đến chùa.

Chúng tôi vừa đặt chơn vào chùa, thì các người ở đó nói, “Ồ, sao hai bà bị ướt hết trơn như vậy?” Chúng tôi kể lại, lúc xuống xe buýt, mưa tầm tã, đường ngập nước, và thấy có một ngôi nhà gần đó nên vào đụt mưa. Chúng mô tả ngôi nhà hai tầng, vừa xây xong còn mới lắm. Nhưng những người ở lân cận đây, và cả các vị sư trong chùa hằng ngày đi khất thực trong vùng nầy, đều bảo rằng, “Chúng tôi chưa hề thấy có một ngôi nhà giống như các bà đã tả, trong vùng nầy cả.”

“A, vậy chắc có lẽ là một sự nhầm lẫn nào rồi,” tôi bảo họ, “Nhưng chúng tôi quả thật có trú mưa trong nhà ấy mười lăm, hai mươi phút, thì chắc phải có ngôi nhà đó”. Cứ bàn qua tán lại một hồi và cuối cùng, chúng tôi nói, “Thôi được rồi, chúng ta hãy đến đó xem sao”. Chúng tôi ngồi lại nghe thuyết pháp và khi ra, trên đường về nhà, chúng tôi cố tìm lại ngôi nhà. Chúng tôi trở lại vùng đó, và chẳng thấy ngôi nhà ở đâu cả. Làm sao lại như thế được nhĩ? Rõ ràng chúng tôi có vào đó trú mưa, bây giờ lại chẳng thấy ngôi nhà. Chúng tôi tìm sang một con lộ khác, cũng chẳng thấy ngôi nhà đâu cả.

Hôm sau, vị sư ở chùa cũng nói, ông cũng rán tìm ngôi nhà mà chúng tôi đã mô tả, nhưng chẳng thấy ở đâu cả. Chúng tôi có trở lại tìm nữa, nhưng cũng chẳng có kết quả nào. Bấy giờ, có sự bàn tán xôn xao về vụ nầy. Sau cùng chúng tôi đi đến kết luận là, bởi vì chúng tôi có giữ giới (sila, giới hạnh), tuân hành theo đạo pháp, và thường cầu nguyện. “Nguyện cầu chư Phậtvà Bồ tát bảo hộ chúng con được tai qua nạn khỏi,” cho nên các đấng bề trên đã đến giúp đỡ chúng tôi và đã dựng lên ngôi nhà cho chúng tôi trú mưa. Vì thế, tôi thường khuyên các bạn nên giữ giới đầy đủ. Bởi vì sẽ có ai đó đến giúp đỡ và bảo hộ bạn tránh mọi sự tổn hại. Ðiều nầy đã xảy ra cho chính bản thân tôi. Bấy giờ có tới hai người trong cuộc, cho nên tôi biết chẳng phải là giấc mơ hay trí tưởng tượng của tôi. Chư thiên thần thực sự đến cứu giúp chúng ta. — Dipa Ma

Một người học viên nghe Dipa Ma kể lại biến cố trên đây, đã ghi lại phản ứng như sau:

Chuyện ấy có thật. – Tôi rất thích nhìn thấy cái “gói”vải trắng nhỏ đó nhẹ nhàng bước vào giảng đường và kể lại cho chúng tôi nghe các mẩu chuyện về sự tập luyện Thiền của bà để khuyến khích chúng tôi. Một trong những mẩu chuyện đó là cái vụ ngôi nhà đã hiện lên một cách mầu nhiệm, giữa cơn mưa tầm tã để cho bà trú chơn, bởi vì bà là một đệ tử thuần thành của Phật pháp. Khi chúng tôi bật cười lên, nhẹ nhàng “chọc quê” vị thầy khả kính và nổi danh của chúng tôi, thì bà lại hiền từ nhìn chúng tôi; bà còn chưa hiểu được sự nghi ngờ duy lý của chúng tôi, cũng như chúng tôi chẳng hiểu thấu nổi tấm lòng thâm tín của bà. Bà bảo, “Chuyện ấy có thật!”, và mọi người chúng tôi đều nín im. — Lesley Fowler

-ooOoo-

Chương 10: Thích nữ vô úy

“Tôi có thể làm được những gì đàn ông có thể làm.”

Dầu là một người goá phụ đơn chiếc với con thơ, cố gắng noi theo con đường đạo pháp trong giới hạn của một xã hội phụ hệ của Ấn độ và một hệ thống giáo phẩm nặng về tôn ti của Phật giáo, Dipa Ma chẳng hề ngờ vực việc bà sẽ đạt được đến mục tiêu cao nhứt. Trong khung cảnh thời gian và không gian đó, chưa hề có cái việc gọi là “giải phóng phụ nữ”, Dipa Ma đã giản dị tự giải thoát lấy mình. Như bà thường nói: “Con gái của Ðức Phật chẳng hề sợ hãi” (Thích nữ vô uý).

Trước khi Dipa Ma bắt đầu tập luyện về Thiền, bà là người đàn bà hay lo âu, sống nương tựa vào người khác. Có biết đến tiểu sử và căn bản văn hoá của bà — lấy chồng từ thuở mười hai tuổi, sống cô lập trong nhà bên chồng, tuyệt đối phục tùng chồng — mới thấy kinh ngạc nhìn thấy bà trở nên một nhà tư tưởng cấp tiến về nhơn sanh và tôn giáo. Thí dụ như, bà đòi hỏi con gái bà là Dipa phải học đến cấp đại học và sau nầy bà ủng hộ việc Dipa ly hôn với chồng cô.

Dipa nhìn nhận những sự khó khăn của các người đàn bà chung quanh bà, nhưng bà nhấn mạnh rằng họ cũng có thể noi theo con đường đạo pháp để được giải thoát. “Khi bạn đã sanh ra trong cõi đời nầy”, bà bảo học viên Pritimoyee Barua của bà, “Bạn phải đối đầu với bao nỗi khổ sở, nhứt là khi bạn là đàn bà. Ðời sống của người phụ nữ rất khó khăn. Nhưng bạn chẳng cần phải lo lắng về điểm nầy. Bạn phải luôn luôn giữ vững sự tu tập của bạn. Bạn chẳng phải quá lo lắng vì còn phải săn sóc chồng bạn và các con. Khi bạn đã vào trong chánh pháp rồi, tất cả mọi việc đều xảy ra xuyên qua chánh pháp. Mọi sự việc đều được giải quyết thông qua chánh pháp.” Ngoài việc cố vấn về tâm linh, Dipa Ma còn cống hiến những lời khuyến nhũ thực tiễn cho những người phụ nữ tìm đến bà. Một bà nội trợ ở Calcutta nói, “Bà “giảng luân lý” cho tôi: Bạn chẳng nên nghĩ rằng phụ nữ chẳng có năng lực gì. Bạn đâu phải là người thiếu tự lực. Trước hết, bạn phải có học vấn, kế đến, bạn phải ra làm việc. Nếu bạn cẩn thận lo toan về điều kiện kinh tế của bạn, rồi thì bạn sẽ sống tự lập.”

Nhưng phần lớn là Dipa Ma giúp sức mạnh thêm cho kẻ khác bằng chính tấm gương bản thân của bà. Bà vị nữ thiền sư trong truyền thống tu viện gần như dành riêng cho nam giới và là vị nữ thiền sư Á châu đầu tiên được thỉnh sang giảng tại Mỹ quốc. Bà chẳng hề xem quá trọng các thành tích đó, nhưng tấm gương cương dũng của bà đã làm nguồn hứng khởi và khích lệ cho giới phụ nữ ở bất cứ nền văn hoá nào.

Thách thức truyền thống. – Một hôm, chúng tôi đang ngồi trên sàn nhà trong phòng của Dipa Ma. Ðông người lắm và cũng nóng nực lắm. Thiền sư Munindra đang ngồi trên ghế trong góc, giảng pháp cho các học viên của Dipa Ma và nói về cách thực tập của họ. Ông ấy và tôi là hai người đàn ông duy nhứt trong phòng. Trong khi ông đang nói, Dipa Ma ngồi trên chiếc giường gỗ của bà, dựa lưng vào vách, mắt nhắm. Thoạt nhìn qua cứ tưởng là bà đang lim dim ngủ. Mấy ngày nay, bà chẳng được khoẻ lắm, và chẳng thấy ai để ý đến.

Ðề tài của cuộc thảo luận là tái sanh. Câu chuyện đưa đẩy thế nào mà rồi lại bàn đến việc tái sanh của Ðức Phật. Hiển nhiên, chẳng phải suy nghĩ nhiều, bởi vì việc đó là một phần trong truyền thuyết. Munindra lại buột miệng nói rằng, chỉ có đàn ông mới thành Phật được; muốn thành Phật, phải tái sanh vào thân thể đàn ông (căn cứ theo các lời chú giải về sau, chớ chẳng dựa theo các bản văn kinh nguyên thủy). Thình lình, Dipa Ma đứng phắt dậy, mắt mở to, và nói với một giọng tự nhiên và đầy vẻ xác tín, “Tôi có thể làm bất cứ gì đàn ông có thể làm”. Phản ứng của chúng tôi cũng lại tự nhiên như thế: chúng tôi đều phá lên cười, kể cả thiền sư Munindra. Tôi nghĩ, tất cả chúng tôi đều biết lời Dipa Ma nói là tuyệt đối đúng sự thật. — Jack Engler

Tình cảm chẳng là chướng ngại. – Khi Dipa nói rằng, “Phụ nữ có thể đi sâu và nhanh vào việc thực tập thiền hơn nam giới, là bởi vì tâm trí chúng ta mềm dịu hơn”, tôi rất ngạc nhiên. Sự mềm dịu đó mang đến nhiều tình cảm, nhiều chuyển động trong tâm hơn. Nhiều người đàn bà nghĩ rằng tình cảm là chướng ngại, nhưng Dipa Ma lại bảo, “Khuynh hướng của phụ nữ nghiêng nhiều về tình cảm, điều đó chẳng làm chướng ngại cho việc tu tập thiền.” Bà khuyên chúng tôi. “Chỉ cần theo dõi các tình cảm và đừng đồng hoá. Gia tăng sự ghi nhận bằng chánh niệm và định lực.” — Michelle Levey

Khả ái và quyền lực. – Nơi bà là một sự hoà hợp của khả ái và quyền lực. Bà là một người đàn bà rất thâm thúy và có uy tín thật lớn, sự kiện đó là cả một việc trọng đại. Bà đâu mang một hình tướng nào mà bạn có thể xem đó như người sẽ lãnh đạo bạn. Bà chẳng cao đến thước tám, trong trang phục uy nghiêm. Bà thật nhỏ người, gầy gò. Nhưng bà đã khiến ta ngất ngây cảm phục, bởi vì bà làm được như thế, bởi vì bà đã vượt khỏi xa bất cứ việc gì. Và điều nầy lại có nghĩa là tôi cũng có thể làm được như thế nữa. — Kate Wheeler

Ngọn hải đăng. – Vào thời tôi gặp được bà, chung quanh chỉ thấy có những nam thần tượng, những nam thiền sư, những vị Phật thuộc nam giới. Gặp được một người nội trợ sống đơn chiếc với con gái và đứa cháu ngoại trai, mà đã được chứng ngộ xong, thật là một điều thật cao sâu mà tôi chẳng biết dùng lời nói nào để diễn tả. Bà là hiện thân của những điều gì mà tôi đã mong muốn thật sâu xa. Mặc dầu tôi đã đi khá xa trên con đường tu tập khi tôi được gặp bà, nhưng bà đã cho tôi thấy rằng sự giải thoát là điều có thể đạt đến được. Vì bà đã giản dị đạt được sự giải thoát. Ðó đâu phải chỉ là một tư tưởng về kiến thức. Ðối với tôi, là người nội trợ mà nhìn thấy bà cũng là một người nội trợ, tôi liền nghĩ ngay rằng, “Bà đã làm được, thì tôi đây, tôi cũng làm được chớ!” Bà như một ngọn hải đăng… chiếu rọi ánh sáng mà tôi cố hướng về đó, mỗi khi tôi thấy cần có thêm dũng cảm để tiếp tục tiến bước trên con đường đạo pháp. — Michelle McDonald Smith

Ðủ rồi. – Từ Cali (California) tới đấy, tôi mang trong đầu hình ảnh của một người đàn bà “cân quắc anh hào” (dịch gượng chữ amazon) là đang nhảy phóc lên chiếc xe hơi cam nhông tay xách một cây cưa máy và dấn bước giang hồ. Nhưng quyền năng của Dipa Ma lại chính là năng lực mạnh mẽ làm xúc động đến tâm người. Tôi có cảm tưởng là hoàn toàn được bà biết rõ hết. Và tuy tôi chẳng dấu diếm chi hoăc tự hỗ thẹn gì, bời vì tôi tự cảm thấy đã được hoàn toàn hiểu biết đến, đồng thời lại được hoàn toàn thương mến nữa. Tôi còn nhớ, trong một bức thơ viết cho các bạn bên nhà, sau khi tôi được thể nghiệm tình thương ấy, bảo họ rằng, nếu con đường đạo pháp tôi đang đi chấm dứt ở điểm nầy thì kể cũng đã đủ lắm. Ðược tiếp cận với tình thương sâu đậm đó cũng đủ rồi. — Ajahn Thanasanti

Vẫn còn hi vọng cho đàn ông. – Có một lần, Dipa Ma nói “Phụ nữ có ưu điểm hơn đàn ông ở chỗ tâm tư của họ mềm dịu hơn… Khó cho đàn ông hiểu được điểm đó, cũng chỉ bởi vì họ là đàn ông.” Tôi liền hỏi bà, “Thế thì có hi vọng gì cho đàn ông chúng tôi không?” Bà đáp, “Ðức Phật Thích ca trước là đàn ông, và Ðức Chúa Jesus cũng là đàn ông. Vậy, vẫn còn hi vọng cho đàn ông chớ.” — Joseph Goldstein

Khảo cứu với Dipa Ma và các bà nội trợ ở Calcutta. – Sau một năm thâm luyện thiền quán với thiền sư Munindra, tôi đến trình với người về công cuộc khảo cứu của tôi để hoàn thành luận án tiến sĩ về tiến trình và kết quả của sự thưc tập Thiền Minh sát. Một phần vụ trong cuộc khảo cứu nầy là sự cố gắng để xác định giá trị các bản tường trình cổ điển và cận đại về các sự chuyển hoá xảy ra sau khi được giác ngộ và giải thoát. Tìm ra được đề mục chẳng phải là chuyện dễ, bởi vì nó đòi hỏi phải tìm ra thật đúng những người đã chứng đắc được ít nhứt là giai đoạn đầu của sự chứng ngộ, và được sự cộng tác của các người ấy. Ðối với một vị thiền sư theo truyền thống Ấn độ, điều thỉnh cầu đó chẳng được đúng theo chánh thống, và Munindra còn đang do dự. Sau nhiều cuộc thảo luận, cuối cùng ông đồng ý đưa tôi đi Calcutta và giới thiệu cho tôi vài người trong số đệ tử tiến bộ nhứt của ông. Chủ chốt trong nhóm người nầy chính là Dipa Ma, tuy ngay tự buổi đầu bà đã tỏ ra nghi ngờ. Tuy nhiên sau rồi, bà cũng giới thiệu tôi với một số học viên của bà, và bà cũng tình nguyện giúp, bà và con gái bà là Dipa nữa. Chính thiền sư Munindra rồi cũng đồng ý tham gia.

Về công cuộc khảo cứu, Dipa Ma đã mời đến các người đàn bà trung niên hay lớn tuổi hơn nữa. Tưởng cũng cần ghi nhớ là theo tục lệ Ấn độ, người đàn bà chẳng đi ra ngoài một mình, các bà đó đều thuộc về thế hệ văn hóa cổ, chỉ trừ một người, và họ đều rất bận rộn suốt ngày với trách nhiệm dọn dẹp nhà cửa, săn sóc chồng con trong đại gia đình đông người ở xã hội Ấn độ. Lời điều trần mà tôi nghe được, giống nhau gần như phổ quát, là phụ nữ thiền giỏi hơn đàn ông. Tôi chẳng bao giờ hiểu thấu tận đáy của vấn đề nầy. Tôi hỏi lại Dipa Ma, nhứt là có phải đàn bà có khuynh hướng đi xa trong việc tu tập hơn đàn ông chăng. Tôi có nghe các vị Hoà thượng (Sayadaw) bên Miến điện nóí như thế, và cả các vị sư Ấn độ nữa. Dipa Ma giản dị đáp là thiền sanh đàn ông chứng đắc đạo quả cũng nhiều như đàn bà vậy, nhưng họ chẳng rảnh ban ngày để mời tới đây cho tôi phỏng vấn và trắc nghiệm.

Hơn sáu tháng trời năm 1977, căn phòng nhỏ hẹp của Dipa Ma là trung tâm khảo cứu cho cuộc phỏng vấn cặn kẽ và trắc nghiệm tâm lý về các hành giả có tiến bộ của Phật giáo. Phần lớn các cuộc phỏng vấn đó được diễn ra trong mùa nóng nực. Nếu bạn đã sống qua mùa hè ở vùng nhiệt đới giữa cảnh ngột ngạt, nóng bỏng da, thì bạn có thể tưởng tượng đến các điều kiện sanh sống trong một thành phố như Calcutta nầy và ảnh hưởng của thời tiết đến mội trường nhơn sanh ở đấy. Ðiện lực cứ đều đều bị cắt đứt ngay trong những giờ mà cái nóng lên cao nhứt vào buổi xế trưa và chiều — những giờ “cúp điện” nổi tiếng của Calcutta — để tiết kiệm điện năng cho thành phố. Nếu chúng tôi cố gắng nổi để bắt đầu làm việc — đôi khi sức nóng đã khiến vô phương tiếp tục nổi — thường thường thì chúng tôi phải ngưng luôn, trong bóng tối, mình ướt đẫm mồ hôi. Nếu ban sáng có được xe cộ chuyên chở hành khách đi vào khu xóm chợ cũ, thì cũng chưa chắc còn có xe cộ chở bạn ra về vào ban đêm. Khi mùa mưa của khí hậu gió mùa đến, nhiều hôm tôi đến gần khu xóm của Dipa Ma mà chẳng thể đi đến tận nhà bà được. Trọn con đường trước nhà bà ngập nước đến đầu gối, và tôi phải kêu một chiếc xe lôi, để bơi lội trên mặt nước mà vào nhà bà cách đó chừng vài dãy phố. Tuy vậy mà các học viên của Dipa Ma luôn luôn đến sẵn trước để chờ tôi.

Thủ tục trắc nghiệm về Dipa Ma, nhứt là các lời giải đáp của bà trước các câu hỏi trong hệ thống Rorschach, thật là phi thường chưa có vị khảo cứu gia nào đã từng thấy. Hệ thống trắc nghiệm Rorschach đo lường chẳng những nhân cách mà còn về tri giác, đã được mô tả là phản ảnh được sự “thực tế tự tạo nên”(self created reality). Trong trường hợp của Dipa Ma, kết quả của trắc nghiệm Rorschach đã xác nhận rằng bà đã trải qua một sự tái cấu trúc giữa tình cảm và trí năng thật sâu xa và một sự hội nhập toàn vẹn giữa tâm lý với giai tầng cao thâm nhứt của sự giác ngộ. Trong số các việc lạ khác nữa, hãy kể việc bà đã an nhiên và thoăn thoắt đan kết mỗi lời giải đáp liên tiếp xuyên qua toàn bộ các phiếu câu hỏi vào trong một bản tường thuật có mạch lạc để lộ rõ đại cương Giáo pháp, trọn cả việc đó chẳng hề một lần vi phạm vào hình thức đúng đắn của sự tri giắc về mỗi phiếu — đấy là một thành tích mà chẳng có vị khảo cứu gia nào đã từng được chứng kiến. (Bản tường trình Thiền Minh sát II, trích trong quyển Sự Chuyển Hoá Của Ý Thức, Ken Wilber, Jack Engler và Daniel Brown, Boston: Shambhala, 1986). — Jack Engler

-ooOoo-

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app