Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển Iii – Phẩm Phẫn Nộ: Tích Tỳ Nữ Puṇṇa

Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển III 

Phẩm Phẫn Nộ: Tích Tỳ Nữ Puṇṇa

“Sadā jāgaramānānaṃ,
Ahorattānusikkhinaṃ;
Nibbānaṃ adhimuttānaṃ,
Atthaṃ gacchanti āsavā”.

“Những người thường giác tỉnh,
Ngày đêm siêng tu học,
Chuyên tâm hướng Niết bàn,
Mọi lậu hoặc được tiêu”.

Kệ ngôn nầy được Đức Thế Tôn thuyết ra khi Ngài ngự tại núi Gijjhakūta, đề cập đến cô Punṇā là nữ tỳ của Trưởng giả trong thành Rājagaha.

Tương truyền rằng: Một hôm chủ giao cho cô Punṇā đãi lúa rất nhiều. Giã lúa đến tối mịt, cô phải đốt đèn lên. Để nghỉ xả hơi, cô bước ra ngoài để hóng gió cho mát, mình mẩy cô đầm đìa mồ hôi.
Thời ấy, Ngài Dabba Mallaputta là người có phận sự sắp xếp chỗ ngự cho chư Tăng.

Sau khi nghe dứt pháp thoại, Ngài nhập hỏa giới, triển khai thần thông ngón tay trỏ của Ngài sáng rực giống như ngọn đuốc cháy sáng, Ngài dẫn đường đưa chư Tăng về nơi chỗ ngụ. Nhờ có ánh sáng từ ngón tay trỏ của Ngài, cô Punṇa trông thấy chư Tăng đi trên núi.

Cô tự nghĩ: “Như ta đây, vì hoàn cảnh khổ ép ngặt, mãi đến giờ nầy chưa ngủ được. Còn mấy Ngài Đại Đức tại sao cũng chưa đi ngủ?”. Rồi nàng kết luận rằng: “Trên đó, chắc có vị Tỳ khưu nào bị bịnh hoặc bị tai hại vì rắn rít”.

Với sự lầm tưởng như vậy, sáng hôm sau cô Punṇā lấy cám nhồi với nước trong lòng bàn tay, làm thành bánh cám nướng lên trên lửa than. Bánh chín, nàng định ăn bánh, nhưng vì còn múc nước nơi bến nước, nên nàng mang theo ra bến nước.

Đức Thế Tôn ngự vào thành khất thực, Ngài gặp nàng Punṇā đang đi ra, nhìn thấy Đức Như Lai, cô nghĩ thầm rằng: “Trong mấy ngày khác khi gặp Ngài thì không có vật đặt bát, khi có vật đặt bát lại không gặp Ngài. Hôm nay ta có vật đặt bát lại vừa gặp Ngài, nếu Ngài đừng chê khen vật thực dở hay ngon, ta sẽ yêu cầu: Xin Ngài
hoan hỷ thọ lãnh, con xin dâng bánh nầy đến Ngài”.

Để vò nước xuống một bên, nàng Punṇā đảnh lễ Đức Bổn Sư rồi bạch rằng: “Bạch Ngài! Xin Ngài hoan hỷ thọ lãnh vật thí thô kệch nầy, rồi ban phước tế độ cho con”.

Đức Thế Tôn đưa mắt nhìn Đại Đức Ānanda. Đại Đức liền rút cái bát mà Tứ Đại Thiên Vương đã dâng, trao đến Đức Thế Tôn. Ngài đưa bát ra thọ lãnh bánh.

Sau khi đặt bánh vào bát của Đức Thế Tôn, cô Punṇā đảnh lễ Ngài với năm vóc gieo mình xuống đất, nguyện rằng: “Bạch Ngài, mong sao con chứng đạt được Pháp mà Ngài đã chứng ngộ”.

Đức Thế Tôn chúc rằng: “Hãy được như vậy đi”. Rồi Ngài phúc chúc đến nàng Punṇā. Khi ấy, nàng ấy nghĩ thầm rằng: “Mặc dầu Đức Thế Tôn thọ bánh và ban phước cho ta, nhưng chắc Ngài sẽ không độ bánh đó đâu. Thế nào rồi khi đến chỗ vắng Ngài sẽ ném bỏ bánh ấy cho quạ hay cho chó ăn. Rồi Ngài ngự đến dinh quan
Đại thần nào đó để được cơm ngon quý thượng vị”.

Với tâm thông Đức Thế Tôn quán xét biết rõ ý nghĩ của Punṇā, Ngài đưa mắt nhìn Đại Đức Ānanda, tỏ ý muốn ngồi. Đại Đức bèn xếp y lót làm tọa cụ dâng lên Ngài, Đức Bổn Sư ngồi ngay gần cổng thành mà thọ thực.

Chư thiên khắp cõi Sa bà ép lấy dưỡng tố (ojā) trời, giống như người ép mật ong, rồi trộn vào trong bánh cám cúng dường đến Đức Đạo Sư. Còn nàng Punṇā thì ngẩn ngơ đứng nhìn Đức Thế Tôn thọ thực. Khi Đức Thế Tôn thọ thực xong, Đại Đức Ānanda dâng nước đến Ngài, rồi Ngài gọi Punṇā đến hỏi rằng:

– Nầy Punṇā! Vì sao cô lại chỉ trích các Thinh Văn của Như Lai.

– Bạch Ngài! Con đâu dám chỉ trích các Ngài.

– Đêm qua cô đã nghĩ gì khi nhìn thấy Thinh Văn của Như Lai?

– Bạch Ngài! Con chỉ nghĩ rằng: “Như ta vì hoàn cảnh ép buộc nên giờ nầy chưa thể đi ngủ được, còn chư Đại Đức vì sao chưa đi ngủ? Chắc có vị nào bị bịnh hay bị tai hại vì loài bò sát chăng?”.

– Nầy Punṇā! Nàng vì hoàn cảnh không ngủ được, còn Thinh Văn của Như Lai sở dĩ không ngủ được là vì phải tinh tấn giác tỉnh luôn luôn.

Rồi Ngài thuyết lên kệ ngôn rằng:

“Sadā jāgaramānānaṃ,
Ahorattānusikkhinaṃ;
Nibbānaṃ adhimuttānaṃ,
Atthaṃ gacchanti āsavā”.
“Những người thường giác tỉnh,
Ngày đêm siêng tu học,
Chuyên tâm hướng Niết bàn,
Mọi lậu hoặc được tiêu”.

CHÚ GIẢI:
Ahorattānusikkhinaṃ: Cả ngày lẫn đêm đều lo tu tập Giới, Định, Tuệ

Nibbānaṃ adhimuttānaṃ: Chú ý trọn vẹn vào đối tượng Níp Bàn.
Atthaṃ gacchanti: Nơi những người như vậy, tất cả các lậu hoặc đều hoại diệt, trở thành không. Cuối thời pháp, nữ tỳ Punṇā chứng đắc Dự Lưu Quả ngay tại chỗ đang đứng. Kỳ dư hội chúng thính pháp đều được hưởng lợi ích. Sau khi độ xong bữa ngọ với bánh cám nướng trên lửa hồng, Đức Thế Tôn trở về Tịnh Xá. Chư Tỳ khưu câu hội tại Giảng đường, bàn luận cùng nhau rằng:

– Nầy chư đạo hữu! Khó thay là việc làm của Đức Chánh Biến Tri đã làm, Ngài đã độ xong bữa ngọ với bánh cám nướng của nàng nữ Tỳ Punṇā cúng dâng.

Đức Bổn Sư ngự đến phán hỏi rằng: “Này các Tỳ Khưu! Hôm nay các thầy đang luận bàn về vấn đề gì thế?”.

– Bạch Ngài, chuyện nầy…

Nghe xong, Đức Thế Tôn dạy rằng: “Nầy các Tỳ khưu, không phải chỉ hiện nay thôi. Xưa kia Ta cũng đã thọ thực bằng bánh cám của nàng nầy dâng cúng như thế rồi”.

Nói đoạn, Ngài ngâm lên bài kệ dẫn chứng tích xưa rằng:

Đức Bổn Sư thuật lại chi tiết trong Bổn Sanh Kundaksindhavapotaka (Jātaka 234)

Dịch Giả Cẩn Đề
Bàn thiền đêm vắng rọi đồi cao
Tăng chúng giờ khuya vẫn thức thao
Khiến gái Punnā lòng thắc mắc
“Có khi rắn cắn vị Sư nào?”
Người ta tinh tấn mãi hành thiền
Há dám chờ đêm để ngủ yên
Giác ngộ lý nầy, cô tớ gái
Tự nhiên đắc quả Nhập Lưu liền.
Xuống độ dân nghèo đủ thiện căn
Bánh thô, cám nướng Phật ưng ăn
Đời nay chiếu lại phim tuồng cũ
Nào có chi mà gọi khó khăn.
DỨT TÍCH NỮ TỲ PUNṆĀ

62 1

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app