Các hiện tượng khi hành thiền: Cái đau , cảm thọ, cơn sân.

Cái đau

 

Tham có mặt nếu chúng ta tự động điều chỉnh tư thế để làm giảm sự khó chịu hay nói cách khác nhất quyết không chuyển động bằng bất kỳ giá nào thì sân đang hoạt động. Dĩ nhiên không ai thích cái đau, cái ngứa, cái tê. Sân tự nhiên sinh khởi khi chúng ta quan sát cái đau này. Chúng ta có thể nhận ra các phản ứng này và tránh rơi vào các thái cực: điều chỉnh tư thế ngay lập tức hay không thay đổi tư thế bằng bất kỳ giá nào.

Liệu có phải là việc hành thiền nếu luôn hay biết cái đau này cùng với sân? Ví dụ, điều gi xảy ra khi chúng ta đang nổi sân với một ai đó và tâm lấy hình ảnh người đó làm đối tượng? tương tự như vậy cái đau sẽ tăng lên khi tâm quan sát nó cùng với sân. Khi có cái đau tâm sẽ bị hút vào cái đau này và chú tâm tới nó. Điều này xảy ra không phải là một kinh nghiệm thích thú mà là một kinh nghiệm khó chịu.

Chúng ta sẽ làm gì trong trường hợp này? Khi cái đau trở nên rõ rệt đừng quan sát vào cái đau vội. Đừng quan sát trực tiếp vào cái đau khi có sự kháng cự. Hãy kiểm tra trạng thái tâm trước. Chúng ta quan sát cái đau này ra sao? Tâm đang nghĩ về cái đau này như thế nào? Có nhiều suy nghĩ liên quan tới cái đau này. Tâm cảm thấy bị co lại và căng thẳng khi có cái đau này. Chúng ta khó sống với sự khó chịu này. Cố gắng quan sát cảm giác trong thân và các cảm thọ của tâm liên quan tới cảm giác này, chúng xảy ra đồng thời.

Ngay khi chúng ta chuyển đối tượng chú ý từ cái đau sang tâm chúng ta đã có thái độ buông bỏ.

Thái độ của tâm ở đây có thể là: “hãy để cho cái đau tự diễn ra một lát, tôi chỉ quan sát tới mức tối đa có thể và sẽ thay đổi tư thế khi không thể quan sát được nữa”.

Như vậy khi có đau thì hãy quan sát tâm lúc này có đôi chút khó chịu và rất khó để có thể chịu đựng cái đau này. Sân sẽ phóng đại tình huống và làm cho cái đau trở nên tê cứng. Thực tế thì nó không đau tới mức như vậy. Nếu sân không có mặt thì chỉ có các cảm giác vi tế mà thôi, cái đau sẽ không còn. Thậm chí khái niệm về “cái đau” lúc ban đầu cũng biến mất. 

Nói tóm lại, có sự hiểu biết sẽ hỗ trợ nhất định khi chúng ta chưa thể xử lý được tình huống. Cố gắng chạy trốn khỏi cái đau khi nó mới xuất hiện chứng tỏ không có yếu tố của trí tuệ. Tâm tham chỉ được thỏa mãn khi tư thế thay đổi, còn tâm sân không thỏa mãn nếu thay đổi tư thế. Chỉ có trí tuệ mới nhận ra sự việc theo đúng bản chất của chúng.

Như vậy chúng ta có thể quan sát cho tới khi không chịu được cái đau nữa thì sẽ thư giãn đôi chút và thay đổi tư thế. Khi thay đổi tư thế cũng phải làm trong chánh niệm vì đó cũng là một phần của việc hành thiền. Đức Phật không bao giờ chỉ dạy là không được thay đổi tư thế trong khi thiền. Nếu cần thấy thay đổi thì nên thay đổi. Nếu không cần thay đổi thi đừng thay đổi. Sẽ không có trí tuệ nếu cưỡng ép bản thân chịu đựng cái đau khi nó trở nên quá căng thẳng. Từng chút một tăng thời lượng ngồi thiền và chúng ta sẽ thấy mình có thể ngồi được lâu hơn. Một khi tâm đã trong sáng và an định (có thái độ chân chánh) chúng ta có thể quan sát bất kỳ cái gì mình muốn. Với tâm thư giãn quân bình này, khi quan sát lại cái đau trước đó chúng ta sẽ không còn cảm thấy đau nữa. Khi tâm bắt đầu hiểu được điều này thì sự chấp nhận sẽ diễn ra một cách tự nhiên

 

Cảm thọ

Chừng nào có tâm thì có cảm thọ và có 3 loại cảm thọ: thọ lạc, thọ khổ, thọ xả (thọ không khổ không lạc). Còn có thân là còn có đau, có bệnh. 

Điều gì quan trọng hơn: cảm thọ biến mất hay là học hỏi từ cảm thọ. 

Vậy vượt qua cảm thọ nghĩa là gì? Vượt qua cảm thọ khi tâm không có phản ứng cùng với tham hay sân, mà nó vẫn duy trì được sự hay biết cùng với trí tuệ. Tức là không có cảm thọ thích hay không thích đối với hiện tượng đang xảy ra trong thân. Tâm ở trạng thái xả và có trí tuệ đi cùng. Đó là ý nghĩa của việc vượt qua cảm thọ.

Thậm chí ngay cả khi cho rằng chúng ta đang học hỏi từ đối tượng thì cũng luôn có sự đối kháng đối với đối tượng khó chịu và mong muốn nó biến mất. Chúng ta luôn muốn cái tiêu cực biến đi và cố gắng chấm dứt nó. Khi cái tích cực sinh khởi thì chúng ta lại muốn nó kéo dài hơn. Liệu đó có phải là Pháp hay không?

Công việc của chúng ta là ghi nhận cảm thọ chỉ là cảm thọ. Cảm thọ này không phải là một con người hay là một thực thể và nó cũng không có bất kỳ điều gì để làm với “chúng ta”.

Chúng ta cần phải thực hành để sự hiểu biết và trí tuệ như thế này sinh khởi. Khi nhận ra rằng không có một cá nhân nào cả thì chúng ra sẽ không còn thấy vấn đề gì nữa. 

Vấn đề chỉ nảy sinh khi chúng ta coi cảm thọ là “của mình”.

Vì vậy hãy nhận ra thái độ tiềm ẩn này khi cảm thọ sinh khởi.

Chúng ta thực hành vì muốn có sự hiểu biết.

 

 

Cơn sân chỉ là cơn sân, nó cũng là một hiện tượng tự nhiên

Ngài trưởng lão Shwe Oo Min thường hỏi: “cơn sân lớn chừng nào bằng nắm tay hay bằng quả bóng?” liệu cơn sân của người Trung Hoa có mạnh hơn cơn sân của người Ấn không? Không có cơn sân nào mạnh hơn cả, vì chúng đều giống nhau, cơn sân chỉ là cơn sân.

Chúng ta thường nói cơn sân của người khác là “họ sân” và cơn sân của mình là “tôi sân”. Đó là thái độ sai. Hành thiền để hiểu về bản chất thật sự của các phiền não này, chúng ta không thể học hỏi được khi coi các phiền não này là của mình.

Sân và tham có bản chất riêng của chúng, sân thì thô tháo và có bản chất phá hủy. Mặt khác, tham có bản chất dính mắc và nắm giữ, cái tham thì không muốn buông bỏ.

Bản chất của tâm là phải có cả kinh nghiệm tốt và kinh nghiệm xấu trong lúc hành thiền. Khi có thái độ và ý tưởng sai lầm thì tham hay sân sinh khởi, khi có thái độ chân chánh trí tuệ sinh khởi. Các khó khăn chúng ta gặp phải là do không có thông tin đúng đắn trong việc quan sát và không có sự hiểu biết về bản chất của tâm. Thật khó khăn để thực hành mà không có sự hiểu biết thấu đáo về cách thực hành. Khi có sự hiểu biết thực sự mọi việc sẽ trở nên tốt đẹp.

 

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app