Buddho – Thiền sư Ajahn Chah

“ Buddho là một cái gì đó thật tĩnh lặng và mát lành. Nó chính là con đường đưa đến an lạc và bình an – con đường duy nhất sẽ giải phóng chúng ta ra khỏi mọi đau khổ trên thế gian này.”

Cuốn sách này là một hướng dẫn thiền đơn giản và thiết thực theo trường phái thiền chỉ quán do Thiền sư Ajahn Thate giảng dạy, sử dụng đề mục niệm Buddho làm cho tâm trở nên định tĩnh, vắng lặng đến mức cần thiết khiến cho tuệ giác sanh khởi.

Khi bạn đến học thiền với một nhóm thiền sinh hay một người thầy chuyên sâu về một pháp thiền nào đó, trước tiên bạn phải xem xét kỹ để tin tưởng rằng người thầy đó hoàn toàn có đủ kinh nghiệm trong pháp hành và pháp hành vị ấy hướng dẫn chắc chắn là một pháp hành đúng đắn. Đồng thời, bạn hãy thể hiện lòng tịnh tín của mình đối với nơi chốn mình đến hành thiền. Chỉ khi đã làm xong những việc đó rồi, bạn mới nên bắt đầu thực hành. 

Thời trước, các vị thầy thường yêu cầu các thiền sinh mới đến phải có một buổi lễ nhập môn và coi đó như một cách để làm tăng trưởng đức tin của người học trò, trước khi bắt đầu học thiền với thầy. Thông thường thiền sinh phải chuẩn bị một cái lễ gồm năm cặp nến sáp ong và năm bó hoa trắng – được gọi là năm khandha– hoặc tám cặp nến với tám bó hoa trắng – được gọi là tám khandha, mỗi cặp nến nặng chừng 15 gam, với một số lượng hoa trắng tương đương như thế. Rồi sau đó người thầy mới bắt đầu dạy cho học trò pháp thiền của mình. Tục lệ cổ xưa này cũng có rất nhiều cái hay. Ngoài ra cũng còn một số lễ nghi khác nữa, nhưng tôi sẽ không đi sâu vào chúng. Tôi chỉ nói một chút về buổi lễ nhập môn rất đơn giản và dễ thực hành như vậy thôi.

Chỉ sau khi đã khởi lòng tịnh tín trong tâm như trên, bạn mới nên tìm đến một người thầy có kinh nghiệm trong pháp hành. Nếu vị ấy là người chuyên hành thiền niệm sammā araham, thì vị ấy sẽ dạy bạn thực hành niệm sammā araham, sammā araham, sammā araham. Rồi sau đó vị ấy sẽ hướng dẫn bạn tưởng tượng đến một viên ngọc sáng trong, rực rỡ nắm trên rốn khoảng 2 inch, và yêu cầu bạn chú tâm vào điểm đó trong khi tiếp tục niệm thầm như vậy, không để cho tâm lang thang đi nơi khác. Nói cách khác, bạn lấy hình viên ngọc đó làm điểm chú tâm.

Nếu bạn tìm đến một người thầy chuyên thực hành phương pháp niệm phồng, xẹp của thành bụng, vị ấy sẽ hướng dẫn bạn thực hành thiền trên đề mục phồng xẹp đó và chú tâm vào tất cả mọi cử động, mọi động tác của thân mình. Chẳng hạn, khi nhấc chân bạn niệm nhấc, nhấc…Khi đặt chân xuống, niệm đặt, đặt  v.v… Hoặc vị ấy sẽ yêu cầu bạn chú tâm liên tục vào chuyển động phồng xẹp của bụng trong mỗi hành động, cử chỉ hay mỗi tư thế của thân mình.

Nếu bạn tìm đến một vị thầy có kinh nghiệm thần thông, vị ấy sẽ hướng dẫn bạn niệm na ma ba dha, na ma ba dha và tập trung tâm chỉ vào một đề mục duy nhất cho đến khi bạn thấy được các cảnh giới địa ngục, chư thiên, phạm thiên…tất cả các loại, thấy nhiều đến mức bạn bị những hình ảnh đó cuốn trôi đi. 

Nếu bạn tìm đến một vị thầy chuyên thực hành niệm hơi thở, vị ấy sẽ hướng dẫn bạn chú tâm vào hơi thở vào, hơi thở ra và an trụ tâm vững chắc chỉ trong đề mục hơi thở đó. 

Nếu bạn tìm đến một vị thầy chuyên thực hành niệm Buddho (Bút-thô), vị ấy sẽ hướng dẫn bạn niệm Buddho, Buddho, Buddho và bạn phải an trụ tâm vững chắc trong pháp hành đó cho đến khi hoàn toàn thành thục. Rồi sau đó vị ấy sẽ yêu cầu bạn quán chiếu chính đề mục Buddho cùng với cái (tâm) đang niệm Buddho đó. Một khi bạn đã thấy được chúng là hai cái khác nhau, thì lúc đó hãy tập trung chú ý vào cái (tâm) đang niệm Buddho. Khi đó từ Buddho sẽ biến mất, chỉ còn lại mỗi cái tâm đang niệm Buddho mà thôi. Bạn hãy chú ý vào cái tâm đang niệm Buddho đó và lấy nó làm đối tượng quán chiếu cho mình. 

Con người trong thời đại chúng ta – hay trong bất cứ thời đại nào, dù có học thức hay có khả năng đến đâu (tôi không muốn chỉ trích mọi người là dễ tin vào những điều chưa được kiểm chứng, bởi vì, cuối cùng tất cả chúng ta đều muốn biết, muốn thấy chân lý), và nhất là đối với những người Phật tử chúng ta: Đạo Phật dạy chúng ta về nhân quả, chân lý đó hoàn toàn đúng đắn, thế nhưng tại sao chúng ta vẫn cứ bị rơi vào những cái bẫy của tuyên truyền, quảng cáo mà chúng ta nghe nhan nhản ở khắp mọi nơi như thế? Điều đó chắc chắn là do con người trong thời đại hiện nay quá thiếu kiên nhẫn và chỉ muốn có kết quả ngay, trước khi họ làm nhân cho đầy đủ. Điều đó kể cũng đúng thôi, bởi vì chúng ta đang ở trong thời đại nguyên tử mà. 

Đạo Phật dạy chúng ta hãy nhìn sâu vào trong chính thân tâm mình. Tâm là các hiện tượng thuộc tâm lý, thân là các hiện tượng thể lý của chúng ta. Các hiện tượng thể lý đó phải nằm dưới sự điều khiển của tâm. Khi bắt tay vào hành thiền và huấn luyện tâm mình trở nên yên tĩnh và vắng lặng, chúng ta sẽ thấy rằng trong khoảnh khắc đó, chúng ta không tạo ra bất cứ vấn đề rắc rối nào cho bất cứ một ai. Nếu cứ tiếp tục thực hành cho đến khi thành thục, chúng ta sẽ ngày càng trở nên tĩnh lặng và bình an. Nếu ngày càng có nhiều người thực hành như thế, thì thế gian này sẽ tràn đầy hạnh phúc và bình an. Đối với thân, chúng ta có thể huấn luyện cho nó trở thành an lạc, chỉ khi tâm đã được huấn luyện và điều khiển hoàn toàn. Chỉ một phút giây chánh niệm tuột đi, thân ta lại “ngựa quen đường cũ” trở về với thói thường của nó ngay lập tức. Vì vậy, chúng ta hãy cố gắng thực hành luyện tâm mình bằng cách niệm Buddho.

 

————

Bài viết trích từ Cuốn sách “Buddho“, tác giả Thiền sư Ajahn Chah

* Link  Cuốn sách Buddho

* Link  Tải sách ebook Buddho

* Link  Video cuốn Buddho

* Link  Audio cuốn Buddho

* Link  Thư mục Tác giả Thiền sư Ajahn Chah  

* Link  Thư mục Ebook Thiền sư Ajahn Chah

* Link  Giới thiệu tác giả Thiền sư Ajahn Chah

* Link  Tải App mobile Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app