THANH TỊNH KINH – NGÀI HỘ TÔNG

THANH TỊNH KINH

(VISŪDDHIKATHĀ)

Soạn giả
TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG HỘ TÔNG
(VAṄSARAKKHITA MAHĀTHERA)

Namaṭṭhu ratanattayassa ‒ Xin hết lòng thành kính đảnh lễ tam bảo tóm tắt

GIẢI VỀ PHÁP THANH TỊNH ‒ VISUDDHIKATHĀ
Tất cả nhân loại trong thế gian, cho dù là hạng người nào, ai cũng đều mong tìm sự yên vui, chẳng có ai bỏ vui mà tìm khổ. 

Những người hằng ngày lo chuyên cần làm các nghiệp nghệ, chỉ trông được sự vui sướng lâu dài, trăm mưu ngàn kế, cũng chỉ vì nhu cầu hạnh phúc. Nghiệp nghệ có nhiều thứ: nghề khó, nghề dễ, nghề nặng, nghề nhẹ, nghề nhiều hoặc nghề ít, theo thông thường của người trong mỗi xứ, nghề nghiệp sanh nhai đại khái chỉ theo đường thủy và đường bộ.

Nghề nghiệp tuy nhiều, nhưng nói tóm lại chỉ có hai là nghề lành và nghề dữ. Nghề lành (anāvajjakamma) nhất là lánh xa năm điều ngăn. Nghề dữ (sāvajjakamma) nhất là phạm ngũ giới cấm.
Người đời chỉ làm một trong hai nghề ấy. Trong hạng người làm nghề dữ, có kẻ biết rằng mình làm nghề dữ, nhưng vì sự nuôi sanh mạng hoặc cùng đường, nên vẫn làm càng.

Có người vì tối tăm, ngu dốt, không rõ nghề ấy là tội hoặc vì thói quen, không ai chỉ bảo, nên phải lầm lạc làm theo ý mình, không lòng ghê gớm. Những nghiệp dữ hằng đem đến cho người các điều khổ não, lo sợ, buồn rầu và than tiếc. Việc chẳng lành, nhất là sát sanh mà người đã phạm rồi thì quả khổ sẽ vấn vít theo người như bóng tùy hình.

Lại nữa, tạo nghiệp dữ, thì người sẽ mang quả khổ, phải chịu nhiều điều đau thương khóc hại không sai, hoặc khi giữa đám đông người hằng có sự lo sợ ái ngại, như các con bò có ghẻ trên lưng, hằng lo sợ quạ, ruồi bay theo mổ hút.

Nghiệp dữ là nhân sanh điều lo sợ khổ não. Còn nghề lành là nhân sanh sự hạnh phúc yên vui, làm cho thân tâm được mát mẻ, thơ thới, cho nên chư thiện tín, mỗi khi làm việc gì, cần phải dè dặt, xem xét cho chu đáo. Nghiệp nào nên làm sẽ làm, chẳng nên quên, vì nghề nghiệp là nguyên nhân đem đến sự lành, điều dữ cho mình.

Sự lành mà mình nên mong cầu ấy có nhiều thứ: chúng sanh mà được tái sanh làm người gọi là được vui sướng hơn loài cầm thú. Nhưng thông thường phàm nhơn khi được vui thì hằng luyến ái quên mất tánh chơn, đến nỗi sai lầm, làm những việc tội lỗi bạo tàn, nên chi phải chịu nhiều điều thống khổ. Vui trong ngũ dục là vui vô thường, gọi là vui tương đối,
hằng đi cặp với khổ, khi vui, khi khổ, chẳng phải cái vui bền bỉ, dầu là vui trên cõi trời, thọ hưởng nhiều điều lạc thú tự nhiên, như là sống lâu, sắc đẹp, sang cả thì cũng gọi là vui vô thường, vì cũng còn phải thọ sanh nhiều đời, nhiều kiếp, mặc dầu sự vui ấy là được lâu dài, cao thượng hơn ở thế gian.

Nói tóm lại, sự vui có ở trong cõi người, cõi trời và vui trong Niết-bàn. Vui trong hai cõi trước gọi là vui vô thường, vui trong vòng khổ não, vui theo hoàn cảnh, nhất là vui theo sắc tướng mà thánh nhơn thường hay ghê gớm; vui trong cõi Niết-bàn là vui tuyệt đối, vui không lẫn lộn với khổ, là vui độc nhất, vui ngoài vòng khổ não, vui yên lặng, xa lìa cảnh
giới, chẳng còn một mảy may chướng ngại.

TẢI SÁCH EBOOK BẢN TIẾNG VIỆT TẠI ĐÂY

Thanh tinh kinh-Ho Tong

——

Bài viết được trích từ cuốn Thanh Tịnh Kinh, tác giả Tỳ Khưu Hộ Tông

Link  cuốn Thanh Tịnh Kinh
Link  tải sách ebook Thanh Tịnh Kinh
Link  video cuốn Thanh Tịnh Kinh
Link  audio cuốn Thanh Tịnh Kinh
Link  thư mục tác giả Tỳ Khưu Hộ Tông
Link  thư mục ebook tác giả Tỳ Khưu Hộ Tông
Link  giới thiệu tác giả Tỳ Khưu Hộ Tông
Link  tải app mobile Phật Giáo Theravāda

Các cuốn sách khác

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app