Tứ Vô Lượng Tâm: Pháp Môn Tuệ Quán

Bài Giảng Sư Toại Khanh Sydney 2019

Chiều nay tôi muốn đặc biệt nói nhiều về pháp môn tuệ quán, cái đó rất là quan trọng, nhưng mà dĩ nhiên là bà con ngủ đã luôn vì đề tài đó nó khô, rất là khô. Tại sao tôi lần này qua Úc trong 14 buổi giảng tôi đặc biệt nhắm đến 2 chuyện, chuyện thứ nhất là muốn giúp bà con một tí kiến thức căn bản Phật Pháp, thí dụ như tôi nói về cái cấu trúc tâm lý của chúng ta theo giáo lý A tỳ đàm, các vị còn nhớ không? Cấu trúc tâm lý của chúng sanh mình theo A tỳ đàm khi tôi hỏi mà thấy bà con đơ đơ, tôi ôn lại nha. Bà con thấy ông Donald Trump của Mỹ trước khi ổng làm tổng thống Mỹ ổng cũng là một tỷ phú rất là nổi tiếng, đúng không? Ổng là người rất là nổi tiếng thế giới ai cũng biết. Rồi các vị liếc nhìn Đức giáo hoàng rất là nổi tiếng, Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng là người rất là nổi tiếng, v v … Rồi bây giờ các vị mới nhìn xuống đất trước mặt các vị, các vị có thấy mấy cái con li ti li ti nó bò đó, thấy không? Thì mình không biết Phật Pháp thì mình quan sát những nhân vật lớn, rồi tới lúc mình nhìn xuống những con li ti đó, nếu mình không biết Phật Pháp thì mình không có ngờ được là những nhân vật lớn hồi nãy giờ tôi mới vừa kể đó với những cái con mà li ti li ti đó nó có một điểm đồng. Điểm đồng ở chỗ nào? Là những nhân vật lớn như giáo hoàng hay mấy con li ti đó có điểm đồng tức là cả hai đều có một quá khứ sanh tử giống hệt nhau, tức là cũng từng có vô số kiếp làm điều lành và có vô số kiếp làm điều ác, rồi trồi lên, lặn xuống trong 3 cõi, 6 đường. Nay thì đến lúc mà Đức giáo hoàng trồi lên làm người, nghe kịp không? Chuyện đó khó tin nhưng mà phải chịu vậy thôi. Nay đến lúc, bao nhiêu kiếp lặn xuống bây giờ ổng trồi lên ổng làm giáo hoàng quyền lực nghiêng trời, ổng nắm trong tay ổng hơn một tỷ giáo dân Cơ đốc giáo. Trong khi đó cái con li ti mà mình thấy nó bò trên cửa sổ, bò trước mặt mình thì nó cũng là một chúng sanh thôi, nhưng có một điều là nhằm ngay cái lúc mà nó đang bị sa đọa, hiểu không? Nghĩa là suốt một cái dòng chảy luân hồi có lúc chúng ta lên cao, có lúc chúng ta tuột xuống thấp, mà vì chúng ta không học giáo lý, chúng ta không có nghĩ rằng cái con li ti đó cũng là một chúng sanh, cũng có một quá khứ sanh tử y chang như Đức giáo hoàng vậy.
Cho nên, ở trong Phật Pháp mình, pháp môn Tứ vô lượng tâm, ở đây có nghe Tứ vô lượng tâm không? Hay pháp môn phạm trú gồm có 4 trạng thái tâm lý: Từ, Bi, Hỷ và Xả. Có 99,9% người Phật tử Việt Nam không học giáo lý khi nghe nói đến Từ Bi Hỷ Xả thì nghĩ rằng mình hiểu nó là cái gì, nhưng mà nếu không học giáo lý thì các vị không có ngờ được rằng các vị đã hiểu sai bét về Từ Bi Hỷ Xả. Nếu bây giờ tôi lượm đại một người ngẫu nhiên ở đây tôi hỏi các vị định nghĩa về Từ Bi Hỷ Xả, các vị có thể trả lời được không? Ai cũng nói đạo Phật là đạo từ bi, các vị biết Từ Bi Hỷ Xả có nghĩa là gì không? Tôi lựa đại một người, cô đi, Từ Bi Hỷ Xả cô hiểu là gì không? Đừng nói nhiều, nói gọn thôi, …. ok, … tức là 4 chữ Từ Bi Hỷ Xả cô định nghĩa là có lòng thương sâu sắc đến chúng sinh, đúng không? Có trao ra mà không cần nhận lại, ok, đúng chưa? Các vị nếu có ghi, làm ơn ghi dùm tôi cái này:

Từ là mong cho người ta được nhân lành, quả lành. Nhân lành là sao? Là mong cho người ta sống thiện, mong cho người ta có đạo đức, mong cho người ta sống tốt, thì gọi là nhân lành. Còn quả lành là mong cho người ta được vui, được khoẻ, được những điều hay ho trong đời sống được gọi là quả lành. Nghe kịp không?

Còn Bi là sự bất nhẫn hay lòng trắc ẩn hay sự không đành lòng, sự không cam tâm khi thấy chúng sanh khác đang sống ở trong nhân xấu và quả xấu. Các vị biết không, tôi ước ở đây có một lớp intensive chứ không có học chung chung như vầy hoài, ngày nào cũng tới đây nghe mà cứ hỏi rồi quên sạch!
Tôi nhắc lại Từ là mong cho người khác được sống trong nhân lành, quả lành, thí dụ như mình muốn cho ai cũng được sống lâu, đừng có bệnh, đừng có nghèo, đừng có bị chuyện này chuyện kia, đó gọi là muốn cho người ta sống trong quả lành. Muốn cho người ta sống trong nhân lành có nghĩa là muốn cho người ta ai cũng có đạo đức, ai cũng có trí tuệ, ai cũng biết tu hành, ai cũng có thể sống vị tha thì đó là muốn người ta sống trong nhân lành. Thì Từ là muốn người ta sống trong nhân lành quả lành. Còn Bi là không có đành lòng, không có cam tâm khi mà nhìn thấy người ta sống trong nhân xấu và quả xấu. Thí dụ như mình thấy người ta chích hút, trụy lạc mà mình thấy tội nghiệp quá không biết làm sao khuyên nó về nẻo sáng, hoặc là mình thấy nó đang đói đang nghèo, nó đang bị gia cảnh bần hàn, hôn nhân tan nát, lòng mình thấy không cam tâm, thấy tội nghiệp quá đi, thì đó gọi là mình thương nó vì mình thấy nó đang sống trong cái quả xấu. Có nhớ không? Từ tâm là muốn người khác sống trong nhân lành, quả lành. Bi là không cam tâm khi thấy người ta sống trong nhân xấu, quả xấu.

Hỷ là thấy vui khi thấy người ta sống theo nhân lành, quả lành, tức là tôi thấy tụi nó giàu tôi cũng vui, thấy xã hội phát triển tôi cũng vui, thấy nhân loại đang có khuynh hướng, đang có chiều hướng, đang có xu thế đạo đức hơn tôi cũng vui, thì đó gọi là vui khi thấy chúng sanh khác đang sống trong nhân lành và quả lành.

Còn Xả mới ghê nè. Từ, Bi, Hỷ là thương người ta, muốn người ta được điều hay, lẽ phải, muốn cho người ta đừng có khổ, đừng có bậy, đừng có ác, đừng có xấu, đó là Từ Bi. Rồi vui khi thấy người ta được sống lành, được quả lành là Hỷ. Còn Xả là sao? Là luôn luôn nhìn về muôn loài bằng một nhận thức rõ ràng rằng từ Đức giáo hoàng cho tới cái con li ti đó mỗi người đều có một núi tiền nghiệp, có nghĩa rằng mình có thương ai bằng trời thì mình cũng nhớ rằng cái tình thương của mình mà dành cho người ta cũng không giúp được gì cho người ta so với cái nhân lành mà người ta đã tạo ở quá khứ, hiểu không? Mà bây giờ mình ghét ai bằng trời đi nữa, mình cũng nhớ rằng mình không cần thù oán bởi vì nội mà nghiệp xấu của nó trong quá khứ đủ để xử nó rồi, hiểu không?

Cái Xả đây có nghĩa là không còn bận tâm ghét thương bất cứ ai nữa hết, hiểu không? Có nghĩa là hồi xưa tôi là một người mẹ tôi không biết Phật Pháp, tôi thấy con tôi nó bị suyển, mỗi lần nó lên cơn nó thở không được tôi đau lắm, tôi đau dữ lắm, mỗi lần nó lên cơn suyển nó thở không được nó tím môi mà nó chống tay nó lấy hơi, tôi đau quá đi tôi chịu không nổi. Nhưng mà khi tôi biết Phật Pháp thì tôi biết rằng do một chút duyên nghiệp nào đó nó chun vô làm con của tôi trong một lần này thôi rồi không biết bao giờ mẹ con mới gặp lại. Nó năm nay nó 18 tuổi thì có nghĩa là 19 năm về trước nó ở đâu đó, hiểu không? Và năm nay nó 18 tuổi thì nếu mà nó sống được 70 năm nữa thì có nghĩa là sau này nó được 88 tuổi hiểu không? Nó lúc bấy giờ nó sẽ đi theo cái bà mẹ khác. Chỉ ngay thời điểm này thì nó là con của tôi. Và vì tôi không biết Phật Pháp cho nên tôi dồn hết tất cả niềm tin yêu của tôi, kỳ vọng của tôi, thương mến của tôi cho nó, thế là tôi chịu không nỗi khi thấy nó khổ nó thở không nỗi. Nhưng mà khi tôi biết Phật Pháp tôi suy nghĩ thế này: Tạm thời thì ngay kiếp này nó tới nó làm con mình, chứ mình có tới mấy chục ngàn tỷ đứa con kiếp trước và kiếp sau, mà cứ mỗi lần mình gặp một đứa nào là mình thương chết bỏ đứa đó, hiểu không? Chứ thật ra mỗi đứa trước khi nó gặp mình thì nó có một núi tiền nghiệp gồm thiện và ác cho nên bây giờ mình có thương nó bằng trời đi nữa thì mình cũng không có lo cho nó bằng những phước lành mà nó đã làm trong kiếp trước. Và cái ông hàng xóm tôi ghét ổng cở nào đi nữa thì phải nói rằng không cần tôi ra tay, cái ác nghiệp của ổng đủ để làm thịt ổng rồi, hiểu không? Xả có nghĩa là vậy, có nghĩa là mình không còn dính trong thương ghét, mà mình dòm lên mình biết mỗi người mà mình thương ghét họ đều có một núi tiền nghiệp, mỗi người đi theo cái tiền nghiệp của mình.

Các vị biết thời Đức Phật có nhiều vị thánh A la hán trí tuệ, từ bi, hạnh lành biết bao nhiêu mà tới khi cái quả xấu mà nó rổ rồi, A la hán mà quả xấu trổ rồi: Chết thảm. Còn nhiều đại ca mà coi như trời ơi đất hỡi, chằn ăn trăn quấn mà khi cái phước nó trổ rồi, nó ác bằng trời mà nó cứ hưởng phước không hết, sống vui mà chết lành mới ghê chứ, hiểu không? Hôm qua tôi dùng cái ví dụ còn nhớ không? 10 năm trước tôi rất là siêng, tôi trồng măng cụt, sầu riêng, 4 năm nay tôi chỉ biết nằm phè ra tôi chích hút thôi, nhưng mà năm nay là năm thứ 10 tôi có sầu riêng, măng cụt tôi ăn, đúng không? Trong khi cái bà này nè, 10 năm trước bả là cái người chích hút, lười biếng, đổ đốn, bê tha, trụy lạc, nhưng mà cách đây ba, bốn năm thì bả siêng năng, chí thú, cần mẫn làm ăn, trồng trọt đủ thứ, tới năm nay cái farm của bả mới có 4 năm làm sao mà có cây ăn trái lâu năm được. Bả siêng dữ lắm, người bả đen thui, tay chân ta nói mốc kền banh hết trơn mà bả vẫn phải đi qua farm của tôi bả mua trái cây, hiểu không? Ai nhìn vô cũng thấy tôi hút xì ke phì phì đó, mà cái farm của tôi nó cực kỳ ngon lành là tại sao? Là bởi vì tôi hư là hư mấy năm nay thôi, chứ 10 năm trước tôi rất là ok. Còn cái bà này ba, bốn năm nay bả rất là ok nhưng mà 10 năm trước là bả trời ơi đất hỡi, hiểu không? Đấy! Cho nên vì mình hiểu được cái đó cbo nên mình thanh thản, mình thoải mái, mình bình đạm nội tâm, thương chúng sanh thì cứ thương nhưng luôn luôn nhớ chừng là mỗi người trong đời này có một núi tiền nghiệp thiện và ác, bây giờ cái nào mà nó trổ thì họ phải sống theo cái đó, họ dễ thương bằng trời đi nữa nhưng mà nhằm cái lúc ác nghiệp nó trổ thì họ bị thê thảm, mà họ ác cở nào đi nữa nếu nhằm lúc quả lành trổ thì họ sung sướng như tiên vậy đó.

Thì tôi muốn trở lại vấn đề, khi mà chúng ta biết Phật Pháp rồi thì chúng ta sẽ hiểu ra một chuyện, cái gọi là đời sống của chúng sinh nó gồm có hai phần: phần xác và phần hồn, tôi kẹt lắm tôi mới xài cái chữ này, nhưng mà đối với đám đông trước mặt tôi thì tôi nói như vậy quí vị hiểu, mỗi chúng sanh trong đời nó gồm có hai phần: phần xác và phần hồn. Thì cái phần xác nó là thành phần vật chất, thành phần sinh học. Còn cái phần hồn là cái phần tâm linh, tinh thần nó được cấu tạo như thế này: Tâm thức (cái biết) + các thành tố tâm lý (mental factors). Nghe kịp không? Tâm thức chỉ là một thôi, tâm chỉ là biết thôi, Phật cũng có tâm, phàm cũng có tâm nhưng cái lớn chuyện nó nằm ở phía sau thành tố nào mà đã đi với tâm đó, nghe kịp không? Nên nhớ, tôi nói chậm để muốn ghi thì ghi: Tâm chỉ là biết thôi, chỉ là cái biết thôi, Bắc tông gọi là tánh biết, nhưng mà cái tâm được gọi là tâm thiện tâm ác phải dựa vào 3 khía cạnh sau đây: một là tâm đó dựa vào căn nào trong 6 căn, thí dụ như cái biết đó dựa vào con mắt thì mình gọi là tâm nhãn thức, cái biết đó dựa vào lỗ tai thì gọi là tâm nhĩ thức, cái biết dựa vào lỗ mũi thì gọi là tâm tỷ thức, lưỡi thì gọi là tâm thiệt thức, dựa vào xúc giác thì gọi là tâm thân thức, mà nó dựa vào giác quan thứ 6 thì gọi là ý thức, nghe kịp không? Có nghĩa là một ngày như vậy dầu các vị nằm ngủ, các vị nằm bị coma hôn mê hay là các vị là một vận động viên năng động hay một bà tiểu thương bán hàng ở ngoài chợ Cabramatta, tất cả chỉ là hoạt động của 6 căn thôi, lúc thì mắt làm việc, lúc thì tai làm việc, nhưng vì cái tâm của các vị nó nhanh quá nhanh đi cho nên các vị không có biết rằng toàn bộ đời sống của mình nó chỉ là một cái quá trình, một cái process làm việc luân phiên của 6 căn, có lúc mắt thấy, có lúc tai nghe nó nhanh quá nhanh cho nên quí vị cứ tưởng tôi, me, I, cứ tưởng như vậy chứ thật ra không hề có cái me, cái I nào hết mà nó chỉ có sự tiếp nối liên tục của 6 căn, sự tiếp nối các hoạt động của 6 căn, chỉ vậy thôi mà nó nhanh lắm. Cho nên người không học giáo lý A tỳ đàm không có biết chuyện này, thật ra khi mà các vị ngồi trong nhà mà các vị nghe một âm thanh bên ngoài cửa, thật ra chỉ có cái biết của lổ tai nó không đủ, mà nó phải nhờ đến cái biết của một loạt ý thức. Tôi thí dụ như mình nghe ngoài cửa có một câu nói, mình nghe một tràng khoảng chừng một phút, thì cái lổ tai mình chỉ làm cái việc ghi nhận cái âm thanh đó thôi, chứ nó không có hiểu cái gì hết, nhưng mà chính cái ý thức, tức là cái ý thức thứ 6 bắt đầu nó phân tích: Cái tiếng này là tiếng của người nữ chứ không phải tiếng người nam, họ đang nói tiếng Pháp chứ không phải là tiếng Anh, hoặc là họ đang nói tiếng Anh mà giọng Mỹ, giọng Ireland, giọng Scotland chứ không phải là giọng của Ăng lê thứ thiệt, hiểu không? Giọng này giọng nữ mà giọng Iris và đồng thời mình biết rằng cái giọng này là nữ mà nữ này có tuổi rồi phải trên 60, và mình biết thêm nữa nội dung của câu nói là bả đang mắng ai đó, nghe hiểu không ta? Thì toàn bộ cái chuyện giọng đó là giọng nữ, nói tiếng Anh giọng Iris của một bà cụ trên 60 và đang mắng ai đó, thì toàn bộ những chi tiết này nè là thuộc về thức thứ 6, hiểu không? Còn cái vụ mà mình nghe được cái âm thanh đó là thức thứ 2 tức là nhĩ thức, nó gớm như vậy đó.

Cho nên theo A tỳ đàm một lần mà mình nhìn thấy cái gì đó là tâm thức nó diễn biến như sau: một là cái process số 1 trong Pali gọi là Citta Vithi nghĩa là tâm lộ, mình gọi là process đầu tiên nó làm chuyện gì? Nó chỉ làm chuyện chụp hình thôi, nó chỉ ghi nhận hình ảnh đó thôi chứ mình chưa biết đó là cái gì, chỉ chụp “bụp”, con mắt chụp xong nó mới đưa vào bên trong thì ý thức nó bắt đầu làm 3 cái việc còn lại. Tôi nhắc lại, con mắt nó chỉ chụp “bụp”, nó không biết đó là cái gì, nó đưa vào bên trong, đó là tâm lộ nhãn thức. Tâm lộ thứ 2 gọi là tâm lộ Sammohana Vithi có nghĩa là nó tổng hợp lại những chi tiết mà con mắt vừa chụp, các vị nghe kịp không? Có nghĩa là nó dòm cái đó là hình tam giác, cái đó là hình vuông, hình bình hành, hình thoi, hình thang, cái đó là xanh, vàng, đỏ, trắng, nói chung là hình ảnh gồm có màu sắc và hình dáng, nó gôm các chi tiết đó lại thì cái process thứ 2 được gọi là Sammohana có nghĩa là gathering, là tổng hợp. Tới cái thứ 3 gọi là Attha vithi có nghĩa là nó xác định cái này là cái gì: “Ồ, cái này là cái ly hay là cái tô”, nhưng mà chưa, tới đây nó chỉ xác định cái vật này là cái gì. Tới cái process thứ 4 là Nama Vithi có nghĩa là
Cái thứ nhất là nó chụp hình.
Thứ hai là tổng hợp.
Thứ ba là định hình.
Thứ tư là định danh, biết cái đó là cái gì, gớm chưa?

Tôi nhắc lại: chụp hình, tổng hợp, định hình và định danh. Mà nó nhanh đến mức mà mình không có lường được, ở đây ai từng sống, từng học vật lý, học physics, hoặc ai từng xài máy móc quí vị tin có chuyện đó, hồi xưa người ta không có ngờ là tâm lý nó nhanh như vậy, nó mau lắm, và có người hỏi tôi vậy chứ dựa vào đâu mà tin tốc độ của tâm thức nó nhanh như vậy? Tôi nhớ tôi đã từng ví dụ thế này: Nếu mà nó không có nhanh như vậy thì làm sao người ta có thể giải một bài toán phương trình trong vòng tích tắc, các vị hiểu không? Tôi nói có hiểu không ta? Hoặc là các vị biết phi công khi mà họ gặp tình huống rắc rối có thể xử lý, có thể giải quyết, thì lúc đó họ làm việc rất là nhanh, bao nhiêu kiến thức của một phi công trong tình huống khó nhất, khi nó bị … hoặc nó bị bão, lốc xoáy, thì lúc đó phi công họ gặp cái gì, họ phải làm cái gì và trên trời lúc đó họ không có thời gian để mà họ lấy tờ giấy họ ghi cộng trừ nhân chia, mà tất cả diễn ra một cái rét, nghe kịp không? Hoặc là ở đây ai từng biết chút ít về hình học, các vị biết tọa độ mà phải không? Các vị biết mình ngồi trong lớp học, thầy giáo đưa cho mình một bài toán về lượng giác, về hình học, về tọa độ, thì mình ngồi có thời gian đầu óc thoải mái mình làm, nhưng các vị biết đề lô pháo binh, ở đây các vị có biết đề lô pháo binh không? Mấy ông pháo binh khi mà bị kiểu như ông Nguyễn Đình Bảo vụ đồi Charlie đó, muốn kêu ở ngoài mà nó pháo vô là các vị phải cho tọa độ chính xác bởi vì giữa ta và địch cách nhau có mấy mét thôi, có hiểu cái đó không? Hiểu cái đó chứ? Giờ đó mà còn … là chết cả làng, lúc đó phải làm rất nhanh, rất chính xác, chỉ cần nó hỏi gia đình mày ở đâu, mình phải cho tọa độ chính xác để nó rót vô, cách nhau có mấy mét thôi, nó rót vô sao cho nguyên cái tiểu đoàn ở đây còn nguyên vẹn, nó chỉ chết bên kia, mà chưa kể chiến trường kiểu bánh da lợn, biết không? Cứ xôi đậu, xôi đậu, là lúc bấy giờ mình không có thời giờ để làm toán sai. Thì lúc đó mình mới tin: ”Ồ,cái tâm nó nhanh như vậy”, nó vừa teo, sợ chứ, vừa sợ mà nó phải vừa làm toán để trong kia rót vô cho chính xác, cho ngọt, chết cả giặc không chết mình cái đó khó lắm quí vị. Tôi đưa ra 2 tình huống: phi công và người đề lô pháo binh, thì lúc đó mình thấy cái tâm nó nhanh cở nào, nhanh lắm, nha. Tại sao tôi đánh một vòng xa như vậy? Để nói về pháp môn Tứ niệm xứ, là chính vì chúng ta không có học giáo lý cho nên chúng ta không biết cái cấu trúc tâm lý của mình nó được cấu tạo, nó được hình thành như thế nào. Và tôi nói chậm lại: Toàn bộ Phật Pháp gồm có 2 phần, đó là lý thuyết và thực hành, anh mù tịt về lý thuyết anh biết cái khỉ gì mà anh tu? Nhưng mà nếu anh cứ cắm đầu anh tu thì anh biết cái gì? Còn nếu mà anh chỉ cắm đầu anh học mà anh không có thực hành thì anh chỉ là cái muỗng trong nồi canh thôi, có hiểu không?

Như vậy thì toàn bộ Phật Pháp chỉ gồm trong lý thuyết và thực hành. Và lý thuyết, thực hành đó có một điểm đồng là gì? Là nó giải quyết 2 chữ What và How. Pháp môn Tứ niệm xứ và cả toàn bộ Tam tạng chỉ giải quyết 2 chữ What và How, What là thân này nó được cấu tạo bởi những thành tố gì, đó gọi là What . Và How là với những sự cộng ghép đó nó boạt động ra sao là How. Pháp môn Tứ niệm xứ cũng vậy, buổi đầu chúng ta làm gì thì làm, tôi phải nói một chuyện mà gây chuyện hiểu lầm và thậm chí gây mất lòng quí vị tôi vẫn phải nói: Có rất nhiều vị rút kinh nghiệm bản thân cũng có mà để thu gom quần chúng cho lẹ cũng có, đưa ra một đường hướng tu hành là không cần học giáo lý, cái đó là cái mà tôi chống triệt để cho đến hơi thở cuối cùng. Bởi vì các vị tưởng tượng đi, đừng có nói tu hành phức tạp, chỉ riêng cái chuyện ăn kiêng, một người mà không biết chữ, không biết đọc sách họ ăn kiêng khác người có kiến thức của bác sĩ, dược sĩ, có đúng không ta? Mặc dù ăn kiêng nó giống nhau, có nghĩa là đừng có ăn đồ ngọt, đồ mặn một cách lạm dụng, hạn chế dầu mỡ, chiên xào và thường xuyên chạy bộ, uống nước lọc, ăn trái cây, rau quả, đặc biệt các loại hạt, nuts, tôi không biết chữ nhưng mà tôi nghe bác sĩ dặn vậy đó, thì tôi cứ làm y chang như ổng dặn và đặc biệt ổng dạy hạn chế đồ nướng, đồ xào, đồ chiên và đặc biệt tập trung ăn đồ steam, nghe dốt mà vô đầu rối loạn hàng ngũ, nghe kịp không? Tất cả những cái đó tôi hỏng biết chữ mà tôi toàn là nghe người ta nói thôi, nhưng mà với cái đầu của một bác sĩ họ cũng làm y chang như vậy nhưng mà họ hiểu biết, các vị hiểu không? Nó khác nhau phải không ta? Nó khác nhau chứ!

Đạo Phật y chang như vậy, không học giáo lý, mà cứ nghe nói là con cứ ngồi yên, giữ lòng thanh thản, đừng có bị buôn ba phang duyên theo ngoại trần đó chính là tu, đó là thiền, nghe thì đã thiệt bởi vì chuyện đầu tiên là nó chọt ngay cái tử huyệt của mình làm biếng, nghe khoái lắm. Nhưng mà cứ ngồi đi con, con ngồi một ngày nào đó mới ngộ ra là con hỏng biết khỉ mốc gì hết, lúc đó là đại họa, lúc ông thầy ổng đi mất rồi mình ngồi lại với cái xà lỏn 3 lổ mình mới biết nó tang thương cỡ nào, nha, cho nên bắt buộc phải học giáo lý. Khi mà anh có học giáo lý anh mới biết rằng trong người của mình nó gồm có phần xác và phần hồn, phần hồn nó gồm cái gì? Gồm thức là cái biết, bare knowing, cái biết đơn giản + những thành tố tâm lý với những hoạt động đại khái như tôi vừa nói nãy giờ chứ chưa có đủ đâu. Quí vị ít nhất phải có một lớp intensive, ít nhất, minimum, ít nhất một tháng mà một ngày phải là 4 tiếng: sáng 2, chiều 2. Mà những gì đã được học phải được test liên tục, chứ còn học xong rồi quên sạch thì một tháng đó coi như là bỏ vô cầu nhấn nút, nha. Cho nên là một ngày ít nhất phải 2 tiếng và liên tục bỏ hết tất cả công ăn việc làm học xuyên suốt một tháng, nếu mà bà con có lòng tin Phật Pháp, sợ sanh tử, muốn chuẩn bị một tuổi già cho ngon lành thì một tháng đó coi như một tháng mình bị bệnh đi, một tháng nằm liệt giường đi, mà tại sao mình có thể nằm liệt giường mà mình lại không thể bỏ ra một tháng để mình học đạo, nghĩ kỹ lại coi? Hoặc nói một cách khác, nếu mà bác sĩ phán rằng anh bỏ ra một tháng học giáo lý anh sẽ chận được cái cơn ung thư của anh, thì anh chắc chắn sẽ học, đúng không? Nhưng tại sao để chuẩn bị một tuổi già ngon lành mà mình không dám bỏ ra một tháng? Chuyện đầu tiên là quí vị không có tin chúng tôi và quí vị cũng hơi thiếu trách nhiệm với bản thân. Tại sao chúng tôi nói không tin chúng tôi? Là bởi vì tôi đã nói không biết bao nhiêu lần: Thế giới này chính là những gì mình thấy và mình hiểu, có hiểu không? Và Phật Pháp đem lại cho mình một cái nhận thức về thế giới, tôi đang nói Phật Pháp ở đây là giáo lý nghiêm túc chứ không phải vô mà ngồi lần chuỗi lóc cóc, leng keng, hỏng phải, một cái Phật Pháp có giá trị. Thí dụ như bên Bắc truyền các vị phải học Duy thức, Nam truyền phải học A tỳ đàm. Bắc truyền là các vị phải học Thành thuật luận, Câu xá và Tỳ bà xa. Nam truyền là các vị bắc buộc phải học Thắng pháp tập yếu và Thanh tịnh đạo, bắc buộc. Còn cái chuyện mà học bao lâu thì cái đó tùy thầy, tùy chương trình và tùy cái đầu của quí vị, cho nên tôi đâu có nói dùm là bao lâu nhưng mà đại khái để hiểu về mình và để tu tập là phải mất ít nhất một tháng intensive học tập trung.

Bây giờ tôi trở qua pháp môn Tứ niệm xứ. Pháp môn Tứ niệm xứ là gì? Nó vẫn là giải quyết 2 vấn đề, đó là What và How, có nghĩa là sao? Ngày trước tới giờ tôi nói không biết là bao nhiêu lần, trước đến giờ, xưa nay, trong vô số kiếp quá khứ và ngay trong kiếp này chúng ta chia làm 2 nhóm: Chết rồi chưa chôn và chôn rồi mà chưa chết. Đa phần chúng ta nằm ở trong nhóm một là chết rồi mà chưa có chôn, có nghĩa là sao? Sống như là một cái tử thi, một cái xác vậy đó: ăn, nói, cười, khóc, buồn, vui mà không có kiểm soát. Chính vì anh sống thiếu kiểm soát cho nên anh lúc thì chạy theo cái mình thích, có lúc anh chạy theo cái mình ghét, và chính vì chạy theo 2 cái thích ghét, thích ghét, thích ghét đó mãi mãi trầm luân. Pháp môn Tứ niệm xứ là gì? Là anh sống trong kiểm soát, anh biết rõ cái gì nó đang diễn ra trong lòng của mình, mình biết nó đang vui, nó đang buồn, nó đang thiện, nó đang ác. Còn cái mà mình đang thấy, đang nghe mình biết rõ nó là cái gì, nó được cấu tạo bởi cái gì, đó là đất, nước, lửa, gió, hư không và tâm thức.
Toàn bộ đời sống của chúng sanh, toàn bộ vũ trụ, toàn bộ chúng sanh từ giáo hoàng cho tới con ruồi, từ mặt trời cho tới hạt cát nhỏ xíu, tất cả đều được cấu tạo bằng 6 cái này trong tiếng chuyên môn của nhà Phật gọi là Lục đại. Hồi đó giờ các vị chỉ nghe Tứ thôi phải không? Đó, bữa nay học cái mới là Lục đại, sáu thứ là đất, nước, lửa, gió, hư không và thức. Hư không là gì?

Hư không ở đây nó gồm có 2 nghĩa, hư không chính là không gian mà nó cũng có nghĩa là cái “gap” là cái khoảng cách giữa A và B, ngay cả trong ngành vật lý hiện đại họ cũng nhìn nhận giữa các phân tử nó cũng có, đúng chưa? Cái đó gọi là hư không nha, phải hiểu nghĩa rộng như vậy. Còn tâm thức hồi nãy tôi nói là cái biết cộng với những thành tố, thí dụ như tất cả tâm thiện tâm ác nó đều được cấu tạo như thế này:
Bare knowing + 13 neutral factors (thành tố tâm lý bắt buộc)+ 14 negative factors = Tâm ác.
Bare knowing + 13 neutral factors (thành tố tâm lý bắt buộc)+ 25 positive factors = Tâm thiện, tâm lành, tâm tốt.
Nghe kịp không, nó chỉ đơn giản như vậy thôi. Nhớ nha.
Đất đã định nghĩa rồi, đất không phải là soil mà đất ở đây là cái trạng thái cứng mềm nặng nhẹ mịn nhám gọi là đất. Nước không phải là water mà nước là trạng thái tan chảy, ngưng tụ và kết dính các phân tử lại gọi là nước. Lửa là tất cả các nhiệt độ, lạnh nóng cở nào đều gom chung là lửa. Dầu cái vật đó nó nhỏ đến mức mà xúc giác của mình không thể biết được nhiệt độ của nó nhưng trong đó nó vẫn có nhiệt độ. Tôi nói có nghe kịp không? Thí dụ trong một hạt bụi mình không có thể tưởng được là hạt bụi bản thân nó cũng có nhiệt độ theo A tỳ đàm nói như vậy. Đó là lửa. Còn gió ở đây không phải là wind như mình hiểu thông thường mà nó là cái trạng thái xê dịch, căng phồng, di động (movement) và áp suất (pressure), những trạng thái này gom chung được gọi là gió. Và nó lớn chuyện lắm quí vị, lớn chuyện chỗ này, chỗ này tôi nói thiệt là chậm: Tất cả vật chất mà quí vị thấy bằng mắt, nghe bằng tai, sờ bằng xúc giác, ngửi bằng mũi và biết bằng lưỡi, tất cả những thứ vật chất đó mình thấy nó ghê gớm, mình không học đạo mình thấy nó đứa thì cứng, đứa thì mềm, đứa thì ướt, đứa thì khô, cái màu xanh, cái màu tím, cái thì lớn, cái thì nhỏ, cái ngắn, cái dài, cái rộng, cái hẹp. Nhưng mà chúng ta đâu có ngờ to như ngọn núi hay nhỏ như hạt cát nếu mà nói rốt ráo, cái vật chất trong ngọn núi hay hạt cát, nếu mà nói rốt ráo nói tới nơi nó chỉ là những trạng thái thôi, hiểu không? Những trạng thái very abstract, nó rất là trừu tượng.

Khi mình định nghĩa về 4 đại mà mình định nghĩa rốt ráo rồi thì nó chỉ còn lại những trạng thái, vì sao vậy? Vì, thôi cái núi nó bự lắm, thôi tôi nói cái nhỏ nhỏ đi, ví dụ tôi nói cái phone của mình nếu mình nghiền nát nó ra, mình chia nó ra thành 1000 lần thì các vị còn thấy cái phone nữa không? Hiểu chưa? Rồi tôi lấy ra 1 phần ngàn đó tôi nghiền nát ra 1000 phần nữa tức là 1 triệu, đúng không? Tức là nếu cái phone này tôi lấy ra 1 phần triệu của nó thì các vị nhìn các vị biết nó là cái gì không? Bây giờ hiểu chưa? Rổi tôi lấy 1 phần triệu đó tôi tiếp tục tôi làm nhỏ đi nữa thì cái phần 1 phần ngàn của cái triệu đó thì quí vị thấy nó còn nhỏ nữa, hiểu không? Cho nên cuối cùng rồi thì những thứ vật chất mà mình thấy nó ghê gớm, nó chỉ là những trạng thái mà thôi. Đó là lý do tại sao mà ngủ uẩn giai không. Bây giờ hiểu chưa? Thí dụ như bây giờ thôi nói một chuyện khác, cọng rau muống, cầm lên thì mình nói đây là cọng rau muống nhưng nếu cọng rau muống này mà tôi chia nó ra thành 1000 lần thì nó không còn là cọng rau muống nữa đúng không ta? Phải không? Mà nó bậy một chỗ là trong vô số kiếp chúng ta không biết chuyện đó cho nên là chúng ta cứ chấp đây là đàn ông, đây là đàn bà, đây là đẹp, đây là xấu, đây là vàng, đây là chì, đây là đá, đây là ngọc.

Tôi đã nói không biết là bao nhiêu lần, có 2 cách nhìn về thế giới: Cách nhìn về hiện tượng và cách nhìn về bản chất, có hiểu không ta? Có nghe về hiện tượng và bản chất không? Hiện tượng tức là chế định hay là phenomenon. Còn bản chất tiếng Pali gọi là paramattha, là chân đế hay là bản chất, các vị nghe kịp chưa? Chúng ta có 2 cách nhìn về thế giới, cách nhìn 1 là cách nhìn qua hiện tượng phenomenon, cách nhìn thứ 2 là chúng ta nhìn thế giới qua bản chất. Cách nhìn qua hiện tượng là sao? Đây là ly nước mía gọi là nhìn qua hiện tượng, nhìn trên khía cạnh hiện tượng đây là ly nước mía. Nhưng mà nhìn trên bản chất đây là H2O + Gluco + Acid + Acid amin. Hiểu không? Bây giờ hiểu chưa? Như vậy thì bây giờ tôi ra ngoài Cabramatta tôi kêu một ly nước mía hay là tôi đem ra một đống hóa chất tôi kêu nó bán? Có hiểu không ta? Hiểu phải không? Ok, thì như vậy chúng ta có 2 cách nhìn về thế giới, cách nhìn thông qua hiện tượng thì đây là ly nước mía, nhưng mà nhìn về bản chất thì tôi vừa nói là gồm có H2O là Hydro và Oxygen, đúng không? Rồi nó gồm có những hóa chất khác, gồm các dưỡng tố như Acid amin, calcium, gluco,…Tất cả những cái đó nó gọi là gì? Là bản chất. Thì khi mà mình không có tu Tứ niệm xứ, mình nhìn thế giới này mình chỉ biết nhìn nó qua hiện tượng thôi: Tôi, chuyện đầu tiên là Tôi cái đã, Tôi đang ngồi, Tôi bị đau lưng, Tôi bị nực, Tôi bị ngứa, Tôi bị mỏi, Tôi bị tê. Nhưng mà nếu các vị tu Tứ niệm xứ thì lại khác à. Các vị ngồi thế này, nó đau ở đây, các vị chỉ ghi nhận rằng: Khổ thọ đang có mặt. Nghe kịp không? Tôi nói thiệt chậm nghe, tôi đang ngồi theo dõi hơi thở mà tôi nhớ chuyện gì đó, tôi biết là đang phóng dật. Và khi tôi đang nhớ chuyện gì đó làm tôi bực mình tôi biết là tôi đang có tâm sân. Hiểu không? Thì ở đây ai không học giáo lý và ai không là hành giả thì nghe cái đó ngớ ngẩn “Ủa tại sao tôi phải làm chuyện đó?” Nhưng mà nghe tôi đi, các vị nghe tiếp đoạn sau, lâu ngày từ một ngày tới hai ngày, ba ngày, năm ngày, mười ngày, nửa tháng, một tháng, ba tháng, sáu tháng, một năm tùy căn cơ nhiều ít. Khi mà các vị liên tục một thời gian dài làm gì biết nấy và không còn thấy cái Tôi nữa mà chỉ thấy toàn là: Đây là sự khó chịu đang có mặt, sự dễ chịu đang có mặt, tâm thiện đang có mặt, tâm xấu đang có mặt, tâm tham đang có mặt, tâm sân đang có mặt, nghe kịp không? Suốt một thời gian dài các vị không còn thấy cái nào là Tôi hết mà toàn là mấy cái món đồ part thôi, không còn là chiếc xe nữa mà thấy toàn là đồ part không, thì ngay cái lúc đó là lúc các vị nhận ra một tỷ vấn đề rất là quan trọng và rất là thú vị, thấy cái gì ta? Thấy chuyện thứ nhất: Tất cả là đồ lắp ráp. Thứ hai: Mọi thứ do duyên mà có và cũng do duyên mà mất đi, và tại sao thấy như vậy? Khi anh thấy như vậy anh không còn thích tùm lum nữa, mà khi anh không còn thích tùm lum nữa thì anh không còn ghét tùm lum nữa, mà nói theo thánh kinh thì “Phúc thay cho kẻ nào không còn thích và ghét”. Tức là mình chửi họ họ tỉnh bơ, mình quì mình lạy họ, mình hôn chân họ họ cũng trơ trơ ra đó. Lúc đó là hạnh phúc.

Và hạnh phúc của Phật Pháp là cái gì ta? Hạnh phúc của thế gian là có được cái mình thích, né được cái mình ghét, đó là hạnh phúc thế gian. Còn hạnh phúc Phật Pháp là gì? Là không còn cái để thích và không còn cái để ghét nữa. Cái hạnh phúc mà đến từ cái chuyện né được cái ghét và có được cái thích là cái hạnh phúc cực kỳ mong manh, tại sao vậy? Vì nếu né không được cái ghét thì sao ta? Khổ. Kiếm không được cái mình thích thì khổ. Còn cái người không còn thích ghét nữa thì cả đời nó cứ trơ trơ. Một vị A la hán có thể ngồi nhìn trăng lên, trăng xuống, và không vì một cơn gió lạnh làm cho khó chịu, không vì cái tiếng mà một bà bán cá đứng trước chùa bả chửi mà làm cho Ngài khó chịu, vị A la hán không khổ vì một cái email, một tin nhắn, một cú phone. Các Ngài nhìn trăng “Ừ bữa nay trăng đẹp, trăng 14 hay trăng 16, hết. Và Ngài nhìn trăng Ngài biết rõ: Nó theo chu kỳ mà đến rồi mai này nó sẽ theo chu kỳ nó đi, các pháp nó vận hành là vậy, các Ngài nhìn bằng tất cả sự thanh thản, không trông mong cái này đến cũng không mong cái kia đi. Cái đó là cái an lạc thật sự của một người hiểu đạo, còn mình thì sao? Mình sống trong cuộc đời này bằng một thái độ rất là trẻ con, mong được cái này và muốn tống khứ cái kia. Mong không được là khổ, tống khứ không được là khổ. Cho nên đây là lý do vì đâu mà chúng ta phải tu tập Tứ niệm xứ, đủ duyên chứng La hán thì được như tôi vừa nói, còn nếu không ít nhất là mình sống trong đời này bằng sự an lạc và không có tiếp tục gieo cái mầm sanh tử nữa. Tôi nói nghe kịp không? Có nghĩa sống chậm lại, làm cái gì biết cái nấy, thời gian này nó lâu mau tùy người. Tôi nói thiệt là chậm nghe: Buổi đầu pháp môn Tứ niệm xứ chỉ là chánh niệm thôi, tôi lạy các bố ở đây đừng có bắt chước sách thiền là nghe mấy thầy thiền sư nói là quán chiếu, tôi xin các vị, các vị chưa đủ sức đâu, người ta nói gọn người ta nói như vậy, không phải là người ta nói sai, nhưng thực tế buổi đầu chỉ chánh niệm thôi, làm cái gì biết cái nấy, đến một lúc nào đó trên cái nền tảng chánh niệm mindfulness đó các vị nhận ra một điều: Đây chính là lục đại.

Những gì các vị nghe được chiều nay chỉ là một con két nghe một con két nói, nhưng mà sẽ có một ngày chính các vị sẽ nghiệm ra cái đó, khi các vị ngồi xuống, đặt cái mông xuống: Cái nặng nhẹ chính là địa đại, cái nhiệt độ mình cảm nhận được chính là hỏa đại. Cầm cái vật gì lên vừa cầm lên là mình biết nó cứng mềm đúng không ta? Đó là địa đại. Vừa cầm nó lên mình cảm được nhiệt độ trong đó, đó là hỏa đại. Và nó không nằm yên mà nó có sự xê dịch, đó chính là phong đại. Sự kết dính giữa các thành tố vật chất để cho nó có thể dính gắn lại, đó chính là thủy đại.

Thì ngay bây giờ, chiều nay là bắt đầu tôi giảng tới cái mà làm cho bà con ngủ đã luôn nha, nhưng mà phải chấp nhận cái đó bởi vì mình không thể nào mà mình cứ đi vào pháp thoại mà cứ nghe người ta kể chuyện ma, chuyện tếu hoài được, tôi giỡn tới một lúc nào đó tôi phải ngưng chứ, già rồi, nha, tôi già các vị cũng già, bây giờ phải chuẩn bị chết, chết cho nó êm. Sống ok chết mới đẹp, tin tôi đi, sống tỉnh táo chết mới êm. Sống như thế nào mà bây giờ bác sĩ nói mổ là mình “Dạ”, chỉ “Dạ” và đem vô nằm tỉnh bơ, chỉ dặn người nhà “Nếu sáng mai tui còn về thì ok không có gì để nói, mà nếu sáng mai tôi không về cái will tôi để trong ngăn kéo” thanh thản như vậy đó. Tôi nói một lần nữa, tôi không mong sống lâu, tôi chỉ mong chết thanh thản thôi, chết trên máy bay, chết trong xe hơi, chết ở đầu đường xó chợ, “sống trong lòng người đẹp Tô Châu hay là chết bên dòng sông Danube”, tôi chỉ mong có một điều thôi: Thanh thản. Tôi không mong 90 tuổi và tôi nghĩ quí vị cũng phải như vậy. Đừng có mong 90 tuổi, 90 tuổi để làm cái gì? Một, cứ đơ đơ đơ đơ như ông Ronald Regan, trong cái ngày sinh nhật ổng, bà vợ kiss ổng một cái ổng hỏi “Who are you?” 90 cái đó tôi không ham và tôi muốn chết thanh thản như là 2 vị mà tôi được biết.

* Các bài Sư Toại Khanh (Tỳ Kheo Giác Nguyên) giảng tại Sydney, Australia năm 2019. Nguồn Vietheravada

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app