Căn Bản Giáo Lý A Tỳ Đàm

Bài Giảng Sư Toại Khanh Sydney 2019

Xin thưa với bà con là hôm nay tôi sẽ hướng dẫn bà con về Căn bản giáo lý A Tỳ Đàm.
Xin nói rõ là cách hướng dẫn này bà con sẽ không tìm thấy ở bất cứ sách hướng dẫn nào khác. Và tôi đã đúc kết cái kiểu hướng dẫn này từ bao nhiêu năm tháng tôi dịch và dạy A Tỳ Đàm, tôi dịch Tứ Niệm Xứ bao nhiêu năm..thì tôi rút gọn lại. Tôi suy nghĩ hoài làm sao mà nguyên một tấm bảng dày đặc như vậy mà bà con – một người mà già cả gần xuống lỗ- mà có thể nhét vô trong đầu được.

Và cuối cùng thì tôi nghĩ rằng tạm thời tôi sẽ nói miệng trước rồi tôi sẽ nhờ cô Hồng sẽ chỉ sơ làm mẫu cho bà con coi. Khi về cứ tự mình chỉ, tự mình học thuộc lòng bởi vì cái này nói ra hơi kỳ. Hồi nào nói về Tứ Niệm Xứ thì tôi kêu bà con buông hết, chỉ ghi nhận thôi. Như có một lúc khi học giáo lý thì chúng ta phải quay lại kiểu học của đồng ấu bởi vì bắt buộc phải vậy.
Tôi hy vọng 90% bà con sẽ thuộc bài với cách hướng dẫn mới này.

Còn nhớ tôi nói với bà con: Thánh nhân cũng có việc làm chứ không phải thánh nhân ăn rồi ngồi không như pho tượng. Thánh nhân họ cũng có việc nhưng thánh nhân họ bị bận mà không bị rộn, còn mình thì bị rộn mà không có gì bận hết trơn.
Cho nên trên đời này có 4 hạng người:
– Hạng thứ nhất là bận nhưng không có rộn
– Hạng thứ hai là rộn nhưng không có gì bận, nó chỉ có lăng xăng vậy thôi
– Hạng thứ ba vừa có bận vừa có rộn
– Hạng thứ tư không bận không rộn
Quý vị về tự gác chân lên trán xem mình thuộc cái loại nào.
Bây giờ tôi quay trở lại bài.

Quý vị biết trái lựu không? Nó có nhiều hột đúng không? Thì theo mô tả trong Phật pháp trong A Tỳ Đàm, thì mỗi vũ trụ nó giống y chang như trái lựu, có nghĩa là mỗi trái lựu nó gồm nhiều hột, mỗi một vũ trụ nó gồm nhiều cõi trong đó. Cõi cho người lành, cõi cho người ác, lành cấp thấp – lành cấp cao, ác cũng có nhiều: ác vừa vừa, ác sương sương, ác dữ dội…thì tất cả nó làm nên nguyên một trái lựu.

Có vô số trái lựu như vậy (countless), hôm nay với bước tiến thần tốc của khoa học hiện đại thì trong trái lựu đó chúng ta chỉ quẩn quanh cái hột của mình thôi. Mình chỉ là một hột trong nhiều cái hột và những cái hột chung quanh nó cách mình tới mấy ngàn năm ánh sáng. Và khoa học hôm nay cũng cho ta biết họ phát hiện ra những vì sao mà muốn bay giáp vòng nó chúng ta phải mất thời gian là 900 năm với vận tốc là 1000km/h. Có những ngôi sao nó lớn như vậy, có những ngôi sao lùn có chút xíu thôi, và có những ngôi sao bây giờ nó đang bị tắt, nó teo lại mà cái lõi của nó là một viên kiêm cương có đường kính hơn 1000km.

Tôi kể cho bà con nghe để bà con thấy bao nhiêu chuyện kỳ quái đó nó chỉ diễn ra quẩn quanh trong một trái lựu thôi. Trong A Tỳ Đàm, mỗi trái lựu gồm 31 cõi (thực ra là 27 cõi thôi), thì 27 cõi này mỗi cõi là một cái hột, hột này qua hột kia mất mấy nghìn năm ánh sáng. Có vô số cái hột như vậy, vô số trái lựu như vậy. Trong kinh nói, cứ mỗi trái lưu như vậy trong đó có một mặt trời, mà cứ 1000 trái lựu như vậy gọi là một tiểu thiên thế giới. 2000 tiểu thiên là một trung thiên. 3000 trung thiên là một đại thiên. Cho nên mình mới nghe cái chữ tam thiên, đại thiên thế giới (tam thiên là 3000).
(phút 7:50) Một trái lựu gồm có mặt trăng, mặt trời, nó gồm có 9 hành tinh trong đó (Thái Dương Hệ). Mỗi một vị Phật có zone (khu vực) là một ngàn tỷ tam thiên, đại thiên. Bắc tông họ nói Phật Thích Ca là sa bà giáo chủ là không phải. Sa bà là cõi này nè. Ngài là “sếp sòng” trong một khu vực Tam Thiên, Đại Thiên. “Sếp sòng” là sao? Tức là địa bàn mà ngài hoằng pháp là như vậy.

Ở đây bà con thắc mắc là tại sao Ngài không đi xa hơn? Nghe kỹ: khi điểm tương đồng càng lớn thì chúng ta càng gần nhau. Giống nhau quá xá chúng ta làm vợ chồng, làm cha mẹ, con cái, anh em. Giống nhau ít hơn làm bà con, ít hơn chút nữa làm láng giềng, bè bạn. Ít hơn một chút nữa là cùng xã, huyện, quận, tĩnh, vùng miền, khu vực, quốc gia, châu lục, Nam bán cầu, Bắc bán cầu. Cái giống càng ít là mình càng xa nhau xa nhau. Thế là trong mỗi trái lựu, thì điểm tương đồng trong đó nó đậm hơn là trong một nhóm mười trái lựu. Như vậy chúng sanh ở trong mỗi trái lựu có điểm tương đồng nhiều hơn là chúng sanh trong 1000 trái lựu (Tiểu thiên), đúng không? Và cứu như vậy nó loãng dần đi, nó qua tới một Trung thiên, chúng sanh ở đó có điểm giống như loãng dần ra cho đến trong một zone (khu vực) một ngàn tỷ Tam thiên. Đây là lý do tại sao mỗi một Buddha zone chỉ có bao nhiêu đó, bởi vì ra ngoài cái zone này (nên nhớ trí tuệ của Đức Phật không có giới hạn), ngài biết rõ thế này: địa bàn hoằng pháp, duyên chúng sanh cộng nghiệp với ngài trong suốt thời gian mà Ngài tu tập qua mấy chục A Tăng Kỳ thì chỉ những đứa trong đây mới cộng nghiệp với Ngài thôi! Những đứa xa hơn Ngài dư sức thuyết pháp nhưng họ không có cộng nghiệp nói họ không nghe. Tại sao thầy Viên Minh về đây có nguyên một lũ quân Nguyên nó bu, nhưng ít bữa sau thầy Pháp Hòa về cũng có một lũ quân Nguyên khác nó bu. Tại sao? Why? – Cộng nghiệp. Thầy Viên Minh chỉ ho thôi là ở dưới có người họa “ho hay quá! Ho hay quá!”. Mà trong khi qua tới thầy Giới Đức, thầy chỉ tằn hắn thôi là họ về họ tu mê mệt, qua tới thầy Pháp Hòa, thầy Phước Tiến, Thích Thanh Từ ..mỗi thầy về là mang về một làn gió. Cộng nghiệp với ai thì ta bèn hít thở luồng gió ấy.

Như vậy thì trước khi nói đến Buddhist cosmology thì chuyện đầu tiên tôi phải mô tả cho bà con thấy khái niệm: một lũ quân Nguyên trong một trái lựu, và trong trái lựu ấy, điểm đồng càng nhiều thì chúng ta càng gần nhau. Và cũng có một trường hợp đặc biệt là do một trục trặc trong tiền nghiệp, ngay hiện tại về khoảng cách địa dư, địa lý chúng ta xa nhau nhưng ngoài khoảng cách địa dư địa lý ấy chúng ta có vô số điểm đồng, thế là chỉ cần một cơ hội hữu duyên thiên lý là năng tương ngộ. Như vậy gom chung lại là tất cả chúng sanh trong một trái lựu gồm 27 hạt (cõi) nó chia thành 4 nhóm người:
– Nhóm 1: là chúng sanh bất thiện (ác)
– Nhóm 2: là chúng sanh dục thiện (lành)
– Nhóm 3: là chúng sanh hiền thiện (sắc, vô sắc) (lành)
– Nhóm 4: là thánh nhân (không thiện không ác)

Thế giới này là thế giới của nhân và quả, được gọi là thiện hay là ác thì cũng vẫn nói đến 2 chuyện : nhân và quả.
Bất thiện là hạng trốn khổ tìm vui, sẵn sàng hại người khác ..chỉ biết hưởng thụ mà không biết làm thiện.
Dục thiện: cũng trốn khổ tìm vui, cũng muốn ăn ngon mặc đẹp chăn êm lụa ấm ..v..v thích hưởng thụ nhưng biết làm thiện.
Hiền thiện: cũng là thiện nhưng không còn thích dục nữa, ăn rồi xếp bằng hành thiền lim dim suốt. Gồm thiền sắc (tức là họ ngồi chăm chú vào đề mục như Đất, Nước, Lửa, Gió, Xanh, vàng, Đỏ, Trắng, hư không, ánh sáng, đề mục tử thi, đề mục xương cốt, đề mục hơi thở ..nói chung những đề mục đó toàn là vật chất không, khi đắc thiền thì nó gọi là thiền sắc) và thiền vô sắc (là thiền dành cho những người đã đắc thiền sắc rồi và họ thấy chán, họ thấy còn dây dưa liên hệ với vật chất nó không có đã, chưa có tới).
Sẵn đây tôi nói luôn, đời sống của chúng ta là một hành trình vượt biên, có người trong đời này cứ vùi đầu trong tham sân si, sát sanh, trộm cướp không biết chui ra (không biết vượt biên) thì coi như đời đời nó cứ nằm trong vũng lầy của sanh tử.

Nhưng hạng thứ 2 nó biết vượt biên là hạng biết sợ, biết chán cái bất thiện cho nên nó vẫn hưởng dục như hạng 1 nhưng lên một cảnh giới cao hơn là hưởng thì cũng hưởng nhưng tu thì cũng tu.

Làm thiện thì có làm nhưng còn hưởng dục thì không khá, bởi vì còn hưởng dục thì bao nhiêu cái thiện mình làm cũng chỉ để quay trở lại hưởng dục. Đứa thích hưởng dục mà không tu trở lại làm dòi, làm bọ. Đứa hưởng dục mà có tu quay trở lại làm người, làm thiên. Được quần là áo lụa, tôi nói không biết bao nhiêu lần cắm đầu ăn mặn không biết tu hành học hỏi giáo lý thì đời sau sanh ra làm loài ăn thịt. Cắm đầu ăn chay không học giáo lý, không tu tập thiền định, kiếp sau sanh ra làm loài ăn cỏ. Chỉ thích mặc đẹp mà không tu hành bố thí giữ giới, đời sau sanh ra làm loài sặc sở diêm dúa lòe loẹt: bướm, kỳ đà ..làm loại hạ cấp nhưng sặc sỡ, lòe loẹt, diêm dúa. Thích ăn ngon mà không có công đức thì đời sau sanh ra làm loài ăn tạp.

Thì ở đây cũng vậy, hạng chúng sanh thứ nhất là trốn khổ tìm vui, tham sống sợ chết nhưng không thiết tu hành gì hết cho nên gọi là chúng sanh bất thiện, cái hạng thứ hai gọi là dục thiện có nghĩa là vẫn trốn khổ tìm vui, tham sống sợ chết, thích vật chất hưởng thụ này nọ nhưng có làm các công đức, mà làm công đức để chi ta? Để quay lại hưởng tiếp.
Cái hạng thứ 3 thấy rằng quẩn quanh trong năm dục không khá cho nên họ mới tu thiền. Hồi nãy tôi nói tu thiền sắc, có nghĩa là họ nhìn vô các đề mục vật chất niệm “đất, nước, lửa, gió..” (như nói ở trên) họ đắc thiền bằng những đề mục đó được gọi là thiền sắc. Còn thiền vô sắc thì sao ? Có nghĩa là có những hạng chúng sanh khi họ đắc thiền sắc rồi họ thấy còn dây dưa với vật chất họ không thích, cho nên tôi mới gọi hành trình vượt biên là như vậy. Chúng ta muốn khá hơn thì chúng ta phải bỏ cái cũ.

Còn nhớ có 3 đặc điểm của người ngộ tánh không?
– Một là có khả năng phân biệt rất giỏi cái gì nên và không nên
– Hai là luôn luôn hướng tới phía trước và lên trên không có giậm chân tại chổ
– Ba là khả năng buôn bỏ rất tốt

Đây là đặc điểm của người có ngộ tánh, mà cái loại này ra đời gặp Phật là êm ru, Phật vừa gặp mặt làm cái “rẹt” là đắc liền. Bởi vì thông thường mình không có 3 khả năng này. Một không có khả năng phân biệt cái gì nên không nên, đa phần chúng ta sống là chạy theo cái ta thích hay không thích chứ chúng ta không quan tâm tới cái nên hay không nên. Phải có một ngày mà chúng ta biết được rằng trong đời sống của mình cái gì cần và cái gì mình thích, làm được công việc ấy là chúng ta đã đi hết 50% con đường rồi.

Quý vị nghe hiểu không? Trong đời sống biết cái gì mình thích và cái gì mình cần, chỉ làm được chuyện này thôi. Cái tật shopping bỏ, cái tật nấu ăn bỏ, du lịch bỏ, bỏ nhiều lắm ..chỉ cần biết cái gì mình cần, mình thích. Cho nên chỉ cần hiểu được chúng sanh có nhiều loại nó chỉ chạy theo cái thích và cái ghét, thêm một bậc nữa có chúng sanh chỉ quan tâm tới cái thiện và cái ác thôi (quan tâm cái xấu và cái tốt qua hành động) cho đến hạng thứ ba chỉ vòng quanh trong tánh sanh diệt. Đó là hành giả Tứ Niệm Xứ. Vậy mình tự hiểu mình loại nào trong 3 loại rồi đó:

– Cấp 1: không biết gì hết, chỉ biết chạy theo cái mình thích thôi
– Cấp 2: chỉ biết cắm đầu làm phước, nghe pháp ngồi thiền tinh tấn lắm
– Cấp 3: trở thành hành giả Tứ Niệm Xứ, ăn rồi chỉ quan sát sanh diệt. Quan sát là thở ra thở vô, thiện ác, buồn vui.. Hạng này mới ra khỏi để lọt vào hạng thứ 4
(Phút 24:38) Bà con biết sao tôi vẽ cái ô 4 hạng chúng sanh:
– Hạng 1 : hạng chúng sanh bất thiện nó sống bằng 12 cái tâm nhân bất thiện. Mà 12 tâm nhân là gì ? 8 tâm tham, 2 tâm sân, 2 tâm si là 12. Mười hai tâm nhân bất thiện đó (bởi vì nó là nhân mà cho nên) nó sẽ tạo ra 8 tâm quả bất thiện. 8 tâm quả bất thiện (6 căn). Còn nhớ hôm bữa tôi định nghĩa không? Thiện là gì? Thiện là 6 căn biết 6 trần bằng tâm lành. Bất thiện là 6 căn biết 6 trần bằng tâm ác. Vui là 6 căn biết 6 trần như ý. Buồn khổ là 6 căn biết 6 trần bất toại. Chính vì có 12 tâm bất thiện cho nên chúng ta mới có 8 tâm quả bất thiện. Mà trong 8 tâm quả biết thiện nói gọn lại là 6 căn chuyên môn biết cách bất toại. Do anh sống trong 12 tâm bất thiện, cho nên ngay bất cứ lúc nào anh có 12 tâm bất thiện xuất hiện thì một cách kín đáo lặng lẽ âm thầm anh đã tạo ra 8 tâm quả bất thiện cho một kiếp sau mà lúc nào thì trời biết, tùy nó mạnh hay yếu.
Muốn biết nó (tâm bất thiện) mạnh hay yếu dựa vào ba điều kiện còn nhớ không?
a. Là đối tượng mình tạo nghiệp là đám đông hay cá nhân
b. Tâm trạng của mình lúc mà mình làm nó chủ ý hay vô tình, nó mạnh hay yếu, thiết tha hay hờ hững
c. Tác dụng của công việc đó mình làm vì mục đích gì.
Thí dụ như tôi không thích đám đám đông Phật giáo này (tôi là người đạo Chúa) mỗi lần nó tới ngồi thiền tôi bậc nhạc lên lớn xíu. Nếu mà đám đông này tới vui chơi party, thì hành động tôi mở nhạc đó có tội nhẹ. Nhưng nếu mà đám đông này là học đạo, ngồi thiền là chết tôi. Chỉ là một tác rất là nhẹ chỉnh volume thôi là đi địa ngục 18 kiếp (18 kiếp là nói nghĩa bóng thôi chứ nó có thể là vô số kiếp). Bởi vì tôi phá đi cái cơ hội mà người ta nghe đạo và hành đạo. Nếu cũng động tác này mà tôi chỉ vặn để tôi hay con tôi nghe nhạc thì khác, nhưng hôm nay tôi vặn để phá đám bên đấy thì lúc đó tôi nghĩ gì? Tôi thấy đông đông tôi tưởng đám Phật giáo đó là party phá cho vui thôi thì lúc đó ý tôi lại khác. Nhưng nếu mà tôi biết chính xác cái đám này nó đang mê hành thiền, nó đang learning the Buddhism thì lúc đó tội nó khác, quí vị hiểu không? Cho nên tùy đối tượng đó làm đám đông hay cá nhân, dụng tâm chủ ý là gì và tác dụng cùng hiệu quả, hậu quả của nó là gì.

Trong Kinh ghi rất rõ, cũng công sức đó, thời gian đó, tài sản vật chất đó bỏ ra, nếu mà ta nhắm tới đối tượng tập thể và nhất là ta nhắm đến tác dụng lâu bền thì công đức đó chẳng thể nghĩ bàn. Ví dụ cầu, đường, đào giếng..số người sử dụng 3 cái này nhiều hay ít? Và việc sử dụng nó là không có giới hạn biết tới kiếp nào mới hư, và số lượng người dùng nó không thể đếm kể. Cho nên tôi chỉ bỏ ra 2000$ để đào cái giếng ở Miến Điện thì công đức đó chẳng thể nghĩ bàn, bởi vì số người xài nó gồm có Tăng, Ni, Phật tử, cư sĩ, những người dùng giếng đó là những người học đạo, hành đạo và có lẽ là những người chứng đạo. Trong đó có những vì Bồ tát tương lai, vị Phật tương lai ..chúng ta không biết được trong chúng sanh ai sẽ thành Phật. Cho nên khi bỏ $2000 mà đào giếng chỉ nghĩ một chuyện là không có đại ca nào đi ngang đây mà không dùng cái giếng này ..vậy thì quả báo của $2000 này là không thể nghĩ bàn. Trong khi đó mình bỏ ra $50,000 đãi mấy chục người ăn yến sào, bào ngư ..chỉ vài chục mâm nhậu là hết so với $2000 đào giếng không thể nghĩ bàn.

Một ví dụ khác. Cũng là chừng đó thuốc nổ nhưng mà tùy mình đặt chất nổ ở chỗ nào. Khi mà cái trái nổ đầu tiên mà nó làm kích nổ những trái nổ gần nó thì hậu quá của nó lớn vô cùng, so với khi mình để nó nằm riêng một mình trong cát thì nó không gây thiệt hại bao nhiêu.
Mỗi lần ta có các tâm bất thiện xuất hiện trong đầu thì ngay lúc đó ta đã âm thầm lặng lẽ kín đáo tạo ra 8 tâm quả bất thiện. 8 tâm quả bất thiện chính là 6 căn chuyên môn biết cảnh bất thiện.

Mình không học A tỳ đàm mình tưởng má mình sinh mình ra là mình có cặp mắt. Nhưng nghĩ vậy là sai. Mặc dù khi chụp hình nhìn thì thầy đúng là có hai con mắt. Nhưng mà cái biết của con mắt đó nó có hai loại. Khi mà tôi thấy cảnh mà tôi không thích thì cái tâm mà biết cái cảnh đó gọi là tâm nhãn thức quả bất thiện. Còn khi mà tôi thấy cảnh mà tôi thích thì cái tâm mà biết cái cảnh đó gọi là tâm nhãn thức quả thiện. Cũng cùng con mắt đó nhưng mà cái tâm mà dùng con mắt đó để mà biết lại là hai tâm khác nhau.

* Các bài Sư Toại Khanh (Tỳ Kheo Giác Nguyên) giảng tại Sydney, Australia năm 2019. Nguồn Vietheravada

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app