Từ Ân 3 tháng 10 Sáng

Bài Giảng Sư Toại Khanh Berlin 2020

Buổi sáng hôm nay tôi đặc biệt muốn gửi đến các vị Phật tử ở đây cũng như những Phật tử sau này nghe lại cái băng giảng sáng nay một cái đề tài mà tôi cho rất là cần thiết. Tôi hy vọng rằng các vị nghe cho hết. Buổi đầu các vị nhớ dùm tôi một chuyện, mình ghé vào trong một nhà hàng hay là dừng chân bên một gánh hàng rong bên đường thì chuyện đầu tiên là mình bỏ hết những ấn tượng, kinh nghiệm, ký ức, những hồi tưởng của mình về những nơi chốn mình từng ăn, uống. Chuyện đầu tiên là mình cứ ngó trong tiệm hoặc gánh đó có bán những gì và mình chuyên tâm. Người chuyên tâm thì nhẹ nhàng, thanh thản, lúc đó cái đầu mình nó nhẹ hơn. Còn đằng này mình ngồi xuống mình nhìn thấy cái nồi chè này không giống cái nồi chè của má mình, nhìn cái nồi cháo thấy cái nồi cháo này không giống nồi cháo của bà ngoại mình, nhìn gánh xôi này không giống xôi mình đã ăn ở… thì khó lắm, rất là khó. Cứ thanh thản, thấy trước mắt biết là mình đang đói bụng thì cứ ngồi xuống kêu đúng cái phần mình ăn thì ăn với tâm trạng như vậy thì tôi nghĩ rằng ăn ở nhà hàng nào, gánh hàng rong nào quý vị cũng có thể ăn thoải mái. Chuyện nghe Pháp hình như cũng như vậy. Khi các vị đến, lần đầu tiên các vị gặp chúng tôi, chúng ta lần đầu tiên gặp nhau, chuyện căn bản nhất là hãy tạm quên hết những chuyện mình đã nghe, đã nghĩ, đã hình dung, đã tưởng tượng, đã liên tưởng. Cứ ngồi yên, coi ổng nói cái gì. Chỉ đơn giản vậy thì nó sẽ nhẹ nhàng hơn là một sự so sánh.
Dân số thế giới cho đến hôm nay là trên bảy tỉ người và trong đó một cách thống kê nhẹ nhàng nhất, là hơn phân nửa ủa bảy tỉ người đó là có thu nhập. Trong đó mình biết đạo Chúa là trên một tỉ, đạo Hồi là trên một tỉ, đạo Hindu là cũng phải một tỉ, đạo Phật thì hơn nửa tỉ, còn lại là những tôn giáo nhỏ hơn, hoặc là những tổ chức tâm linh mà nó không gọi là tôn giáo mà là những đường hướng tinh thần thôi. Nhưng mà gom gọn trong bảy tỉ người là gồm có bốn đối tượng sau đây. Đó là chuyện sáng nay tôi muốn bà con đặc biệt lưu ý, sáng nay tôi muốn bà con nghe cái đó. Tức là trong bảy tỉ người đó, tâm linh tinh thần chỉ nằm gọn trong bốn nhóm thôi.
Nhóm một, là đến với tôn giáo để giải quyết những nỗi khổ niềm đau. Tôi bệnh nhiều quá tôi cũng đến với Chùa với Chúa. Gia đạo tôi bất hòa tôi cũng đến với Chùa với Chúa. Tuổi già cô đơn, không chồng, không con cái, quạnh quẽ quá tôi cũng tìm đến với Chùa với Chúa. Làm ăn thất bại, thất tình cũng đến Chùa đến Chúa. Tôi tìm đến, qua tiếng chuông mõ của Chùa, qua sự gặp gỡ với các Cha, các Sơ tôi tìm thấy một sự chia sẽ, sự cảm thông cho cái nỗi khổ niềm đau của tôi. Đó là nhóm một, là tìm đến tôn giáo để chạy trốn cái khổ. Cái nhóm này hơi đông mà đặc biệt là những người đang có vấn đề về tinh thần, vật chất hay đời sống tình cảm, hoặc trong những quan hệ xã hội. Nói chung là những người đang có vấn đề thì họ đến với đạo Phật. Tôi gọi đó là nhóm một là nhóm người đến với tôn giáo, với tín ngưỡng nói chung, không riêng gì Phật giáo, Chúa và Chùa luôn. Nhóm một đến với tôn giáo để giải quyết vấn đề trục trặc, tôi gọi là trốn khổ. 

Nhóm thứ hai tôi gọi là tín ngưỡng thẳng tiến. Nghe cái tên nó rất là kì nhưng mà tôi giảng chế ra cho người ta dễ nhớ. Nhóm một là nhóm trốn khổ, nhóm hai là nhóm thẳng tiến là sao? Họ đang có nhan sắc, họ đang có tí tiền, họ đang có công việc thành công trong xã hôi, họ đang có một mái ấm gia đình ok, họ đang có nếp gia đạo rất là ổn định. Trong lúc vui vẻ như vậy… đầu năm, Vu Lan, giao thừa đến chùa để cầu cho những cái mình đã có nó thêm nữa và cho nó đừng có mất đi. Tôi nói cái này các vị khó chịu nhưng tôi cũng phải nói thiệt. Xin lỗi tôi là người Nam Bộ, ở đây toàn dân Bắc kì không nghe tôi nói có hiểu không?…
Hạng thứ nhất là hạng trốn khổ, hạng thứ hai là hạng tìm vui hay tôi gọi là hạng thẳng tiến hay là hạng vun xới. Tức là họ đang có những thành tựu, họ đang có được những điều như ý, và họ đến với chùa miễu là tiện mới đi, vui mới đi. Hạng này nhiều lắm, tôi đi giảng tôi nhìn mặt biết liền. Thấy cái mặt sáng rỡ như tràn ngập gió xuân là nó đang lên rồi đó, mượn chùa, mượn chúa, mượn Quan Âm, Di Đà, Bổn Sư để mà vun xới, bồi đắp thêm cái mà họ đang có. Nói chung là họ đi tới tôn giáo để vun xới cái họ đang có và cầu cho nó đừng có mất. Đây là nhóm hai, là nhóm tìm vui. Nhóm một là nhóm trốn khổ, nhóm hai là nhóm tìm vui, còn nhóm ba là nhóm buông xuôi. Buông xuôi là giống như chiếc lá trên dòng, nước đẩy họ đến đâu là họ trôi đến đó. Họ không có mặn mà lắm nhưng má kêu chở đến chùa dùm, họ cũng chở, mọi khi mình ngồi ngoài xe mình chờ má ra, bữa nay trời lạnh mình vô trong nghe ông thầy ổng nói cái gì, thì kệ ổng ổng nói cái nào mình nghe được mình nghe, không thì mình ngủ, tìm cái góc nào đó mình ngủ ai mà biết. Cứ như vậy năm tháng xô đẩy, đến một lúc nào đó mình trở thành cảm tình viên của chùa nào ở đây, gọi là ‘fan’ của chùa, thay vì người ta đi Chúa, mình đi chùa. Chỉ như vậy thôi, không có một cái định hướng. Trong cuộc đời tôi đi dạy học, thuyết pháp tôi chỉ mong là mỗi một thành phố có được vài người thuộc nhóm bốn, đối với tôi đó là một sự khích lệ lớn… Dân Đức là một giống dân có điều kiện tâm lí thuộc nhóm bốn nhiều nhất. Vì sao? Dân Đức là một trong số hiếm những dân tộc trên thế giới, bên cạnh Anh, Ấn, Do Thái. Đây là những dân tộc, do văn hóa và do tập tính, người ta thường có thói quen suy tư, trăn trở và thao thức về cái mà tôi gọi là thân phận con người. Không biết có bao giờ các vị ngồi trước mặt tôi các vị trãi qua giây phút này hay chưa? Đó là hồi nhỏ lúc bé mình không biết gì hết mình ở với bố mẹ, cứ ăn, học, rồi về sống trong vòng tay chăm sóc, yêu thương, bảo bọc của cha mẹ. Giai đoạn đó tôi không ý kiến. Nhưng không biết các vị có nghĩ thế này không? Tự dưng đến một giai đoạn nào đó mình biết yêu thương người dưng, tự dưng để ý đến con Lan, con Cúc, thằng Tí, thằng Tèo, rồi mình thương nhau, cứ cho là mọi thứ suông sẻ, mình gầy dựng mái ấm, rồi có mấy mặt con, rồi tiếp tục đi làm, đi làm để lo cho cái nhà, có cái nhà rồi đi làm, đi làm để giữ cái nhà, có gia đình rồi đi làm, đi làm để giữ gia đình. Nói chung là đi làm để giữ cái nhà, giữ gia đình, cứ như vậy suốt nhiều năm. Có một ngày con cái nó đủ điều kiện bung ra, nó làm những cánh chim bay về muôn phương, lúc đó bố mẹ chỉ còn là những ông cụ, bà lão thôi, vào ra hiu quạnh, quẩn quanh ở trong một cái nếp nhà nào đó, một là villa, hai là một căn hộ cho thuê. Rồi đến một lúc nào đó, con cháu nó siêng thì nó về nó thăm, không thì kéo nhau vô nhà già ở chờ lúc “đi”. Các vị có dịp đi vào bệnh viện thăm người hoặc đi vào mấy nhà tang lễ, các vị có bao giờ thấy chạnh lòng cái đó không? Nói các vị đừng buồn, đa phần chúng ta là những đứa trẻ sống lâu thôi chứ không phải là người lớn. Chúng ta có già chứ chúng ta không trưởng thành. Chúng ta có tóc bạc chứ chúng ta không có chín chắn. Lúc dòng đời đang suôn sẻ, đang có chút nhan sắc, tiền bạc, đang có chút quan hệ tốt trong xã hội ví dụ chức vụ, quyền lực, uy tín, tiếng tăm thì cái gì mình cũng bỏ qua hết. Có một ngày mình nghe có gì đó kì kì trên người rồi đi bác sĩ, bác sĩ báo cho biết là ung thư, thì lúc đó hồn vía nó lên mây. Các vị cần nhớ một chuyện rất là quan trọng trong đạo Phật, Đức Phật không hề tô hồng trút mực cho cho cuộc đời này, Ngài không có vẽ vời cuộc đời này màu hồng, màu tím mà Đức Phật cũng không nói cuộc đời này màu xám, màu đen. Ngài không có nói như vậy, Đức Phật chỉ cho mình biết bản chất cuộc đời này nó là như vậy đó để cho mình chán. Ngài không muốn để cho mình sợ, dĩ nhiên Ngài không muốn cho mình mê, Ngài chỉ nói cho mình chán thôi, Ngài chỉ nói cho mình buông. Nhớ nha! Nhiều người hiểu lầm, tưởng đạo Phật là bôi tro trét trấu nói cuộc đời này là âm u, tăm tối. Đạo Phật không nói cho mình mê đời mà cũng không làm cho mình sợ hãi, kinh hoàng. Đâu có thứ tôn giáo, minh triết nào đi làm cái chuyện đó bao giờ.

Nhóm một là trốn khổ. Nhóm hai là tìm vui. Nhóm ba là buông xuôi, dòng đời đẩy đến đâu đi đến đó, tôi thấy hơi nhiều nhất là trong cái thế giới hôm nay, tuổi trẻ hôm nay hầu hết là không có ý kiến về chính trị, tôn giáo, triết học. Cái nhóm này đông lắm, các vị không tin thì trưa nay các vị ra siêu thị gặp một người trẻ nói chuyện với họ các vị sẽ thấy họ dửng dưng, tỉnh bơ là thuộc về nhóm ba đó. Nhưng nhóm bốn là nhóm rất là quan trọng. Tôi nhắc lại một lần nữa, đạo Phật không hề muốn chúng ta sống trong cái cảnh bi quan, càng không nên sống lạc quan mà sống bình tĩnh. Bình tĩnh là sao? Nó là sao thấy nó như vậy. Ăn rồi cứ nói cuộc đời này nó đắng sao mà sống, ăn rồi cứ thấy ở đâu cũng tối thui, đắng nghét, chua lè sao mà sống. Còn ăn rồi cứ ngồi dệt mộng cuộc đời là bữa nào nó vỡ mộng ra là vỡ mặt luôn quý vị biết không. Đạo Phật không hề muốn quý vị sống bằng một cái tâm tưởng, cái tâm thái u ám, bi quan, mà đạo Phật càng không muốn quý vị sống như một đứa trẻ ham chơi. Mà đạo Phật chỉ đề nghị một cách sống bình tĩnh.
Tôi nói quý vị biết một chuyện, tôi năm mươi tuổi rồi, không biết quý vị thấy tôi trẻ hơn hay già hơn tuổi thật của tôi nhưng tôi năm mươi tuổi rồi. Mắc cái chứng gì từ hồi Covid bùng lên tới giờ, trong cơ thể tôi có dấu hiệu rất là kỳ. Tôi biết tôi nói ra cái này có người không tin nghĩ chắc là ổng đang giảng, ổng dựng chuyện như vậy. Nhưng tôi không có lý do gì để dựng chuyện đó. Tôi chỉ cảm nhận lạ trong cơ thể của tôi. Như ngày trước một vài lần tôi bị loét bao tử, tôi cảm thấy nó chảy nước bọt nhiều và nghe nó hơi đau đau ở bụng trước nhưng bây giờ thì không, có tuổi rồi, nghe nó nhói như có ai lấy kim chích vô trỏng. Tại sao tôi đem chuyện đó nói ở đây? Có lý do. Lúc đó tôi nghĩ toàn chuyện xấu không. Tôi không có vợ con, không có gia đình tôi không có gì phải lo nhưng tôi còn một vài việc, bản thảo dở dang chưa xong để in, tôi cũng có một chút việc hỗ trợ một thiền viện bên Miến Điện, chuyện đó cũng dở dang chưa có xong. Sau này tôi có một ước mơ nhỏ nhỏ là có một vài chỗ để lui tới trên nước Đức để thỉnh thoảng nói chuyện với một vài người có nhu cầu học giáo lý. Chỉ vậy thôi, tôi gọi đó là ước mơ, hoài bão. Bây giờ tôi nghe nó nhói nhói, nếu mà nó bị ung thư, tôi chưa bị ung thư lần nào tôi đâu biết cảm giác nó ra sao. Mười năm về trước tôi đến thăm vị thượng tọa, vị ấy mất rồi, tôi thăm vị ấy được ba tháng rồi vị ấy mất, vị ấy bị…Buổi trưa ngồi dùng ngọ tôi có hỏi bây giờ sư nghe cảm giác sao? Vị ấy nói là nghe nó râm râm

Sau này tôi mới hiểu cảm giác đau râm râm, không có nhiều, nhói cái nó hết. Mà tại sao tôi đem chuyện đó ra nói ở đây? Có lý do. Lúc đó là cái gì tôi cũng muốn buông hết. Lúc mà mình mới nghi thôi là mình đã muốn buông hết. Cho nên trong buổi giảng sáng nay nếu bà con hỏi tôi rằng ông thầy ổng muốn nói cái gì? Thì tôi muốn nói một chuyện thôi, tôi mong những người ngồi trước mặt tôi hay là những người nghe lại băng giảng sáng nay hay là những người đang nghe tôi trực tiếp nhớ dùm tôi một chuyện thôi: Sống có chuẩn bị vẫn tốt hơn là nước tới chân mới nhảy. Tôi muốn, tôi hy vọng, tôi mong mỏi các vị ngồi trước mặt tôi ngay từ bây giờ các vị nhớ dùm tôi một chuyện thôi: Muốn đi xa thì phải có hành lý. Từ Thụy Sĩ tôi bay qua đây, tới thứ hai là tôi băy về bên đó rồi, tôi đi ba hôm thôi, tôi còn có hành lý mà. Nếu chết rồi là hết thì không có chuyện gì để nói. Nhưng mà nếu, tôi nói chữ nếu nha, hôm nay trên đầu tôi không có tóc, người tôi khoác cái áo của thầy tu, lẽ ra tôi nói cho các vị nghe vấn đề quả báo, luân hồi. Nhưng mà không, đó không phải là cách của tôi. Tôi không muốn người ta thấy cái mặt của tôi là nghĩ tôi đi tuyên truyền, nhồi sọ. Không phải! Chính tôi cũng thiết tha đề nghị các vị biết nghi ngờ, biết nhìn lại, biết nghi vấn, biết đánh dấu hỏi về giáo lý nhà Phật. Chứ tôi không hề mong có một rừng, biển người Phật tử mà dốt đặc. Tôi không mong quý vị có áo tràng, có pháp danh, tôi không mong các vị sớm ngày hai buổi chuông mõ mà không hiểu giáo lý, cái đó tôi không mong như vậy, và Phật giáo không cần cái thứ Phật tử đó. Mà Phật giáo cần những người Phật tử (hiểu đời) mà có hiểu giáo lý. Cái đó là cái quan trọng.
Tôi quay lại, tôi nói rằng đi xa, đi gần, hễ ra khỏi nhà là phải có hành lý. Nếu chết rồi là hết thì không có gì để nói. Giả định như chết rồi mà còn có một chỗ nào đó để mình đi thì mình phải có cái gì cầm trên tay chứ. Bên Thụy Sĩ tôi qua đây có ba ngày mà tôi còn có hành lý mà quý vị. Đó là chuyện thứ nhất. Đi phải có cái gì cầm tay. Các vị ngồi tưởng tượng dùm tôi một chuyện rất là tiểu học, rất là căn bản. Nếu mình có một cuộc đời sống tốt và một cuộc đời sống tệ thì theo quý vị một cuộc đời tốt và một cuộc đời tệ, cái nào nó sẽ cần thiết cho hành trình trước mắt nếu giả định chết rồi là còn? Nếu giả định chết rồi còn chỗ để mình đi thì tôi xin hỏi một cuộc đời sống tốt và một cuộc đời sống tệ, cái nào là sự chuẩn bị tốt cho cái hành trình đó? Hình như là cái đời sống tốt phải không. Tôi không hề bắt quý vị phải tin chết rồi là còn, được vãn sanh, hay sa đọa. Tôi không có dọa, tôi không có dụ. Đạo Phật không có dọa, không có dụ. Đạo Phật chỉ đề nghị các vị nhìn xuống chân của mình và đặt những dấu hỏi… cho nên nhớ dùm tôi cái này: Thứ nhất, con đường nào, hành trình nào cũng cần đến hành lý. Thì kiểu sống của mình bây giờ có đúng là đang chuẩn bị cho cái hành trang đó hay không? Thứ hai, hành lý là gì? Hành lý là những gì cần đem trên người của mình, đi chung với mình… nó phải nhẹ, nó phải gọn. Chứ còn các vị đi các vị xách cho một cái túi 200kg, các vị có xách nổi hay không, dầu kéo bánh xe kéo sao mà nổi…Như vậy đủ chưa? Chưa. Hành lý, ba lô đeo lên người gọn nhẹ rồi phải gì nữa? Phải cần thiết. Và có một chuyện tôi nói không biết bao nhiêu lần, cái việc sửa soạn hành lý, có một chuyên gia du lịch người Mỹ ổng nói “Rất nhiều người đi du lịch bị cái bệnh này, đem theo một đống đồ không cần thiết”, có không?… kéo vali lên tới khách sạn mở vali ra thì cái đồ mình cần có một mớ, cái đồ tào lao nó hết một nửa rồi, mà nhiều em bị cái đó lắm. Rồi vợ chồng gây với nhau nữa, “Bà nghĩ sao mình đi với con nhỏ, mà mình đi hai vợ chồng, bà nghĩ sao mà bà đem cái này?”, rồi bả chửi “Anh nghĩ sao mình đi ba, bốn ngày mà đem cái này, nó nhiều lắm”. Thì ông chuyên gia ổng bày ra cái này hay lắm “Nếu không có Covid là tôi bay như chim vậy đó, tôi ở Mỹ mà, tôi quốc tịch Mỹ. Tôi ở Mỹ tôi bay về Thụy Sĩ, tôi sang các nước Châu Á, tôi đi Thái, Miến Điện. Tôi bay liên tục, công việc không phải tôi đi chơi. Đầu năm nay không có chuyện gì là tôi đi Nhật rồi… Nên tôi cũng có những kinh nghiệm cay đắng về hành lý, đem đến nơi xài không được”. Ông chuyên gia này ổng bày như vầy các vị nghe coi có xài được không. Nghe cho kỹ “Lựa ra những thứ mà mình thấy là cần thiết, chất một đống, xong rồi can đảm bỏ đi một nửa”. Lúc tôi mới đọc tôi thấy kỳ lắm, nhưng những lần mà tôi bị dư tôi thấy nó hay. Lựa ra những thứ mà mình NGHĨ là cần thiết. Cả tiếng Đức, tiếng Anh, tiếng Việt, chữ NGHĨ và BIẾT khác hay giống? Khác. Trong bài giảng này tôi cùng các vị đi vào những ngõ ngách của vấn đề, các vị thấy nó thường lắm. Đa phần đời sống của mình mình không có phân biệt được chữ NGHĨ và chữ BIẾT. ‘Tôi NGHĨ rằng’ ‘tôi BIẾT rằng’, hai cái này nó khác nhau nhiều lắm. Cũng như đa số phụ nữ không có phân biệt được chữ THÍCH và chữ CẦN. Cứ đi shopping mà thấy 70% hạ giá là nhào vô mua toàn những thứ mình thích không. Chứ tôi bảo đảm các vị cái món các vị cần nó không có nhiều, chỉ bằng 1/10 cái mình thích. Tôi nói vậy có đúng không? Trưa nay nghe giảng xong rồi về nhà, lục tung nhà bếp, mây cái tủ ra coi tôi nói đúng không. Trong đó cái thật sự cần chỉ có 1/10 thôi mà cái mình thích thì gấp 10 lần cái mình cần. Và cái nó ngốn tiền của mình nhiều nhất toàn là cái mình thích. Và trong đời sống này cái làm cho mình cần nó không có làm khổ mình bằng cái làm mình thích. Bà xã là cái mình cần mà bà hàng xóm là cái mình thích. Con hư tại mẹ mà cháu hư tại bà, vợ mình hư là tại chồng người ta, (nghe không rõ: ông chồng… hư là tại thằng cha láng giềng). Là mình thấy toàn những cái mình thích nó là cái họa cho mình không. Các vị hỏi bác sĩ, rau, nước trắng, thể thao đó là những cái bác sĩ khuyên nhưng mà có ai thích cái đó không, ăn toàn cái đồ tầm bậy không: khoai tây chiên, socola, chips, snack, khô khô giòn giòn đóng bịch là ai cũng mê. Nhất là thời gian Việt Nam mình coi phìm Tàu, Đại Hàn đó, không có nấu ăn, cứ để mỳ gói với một bịch đó, cứ vậy mà coi, vừa coi vừa khóc, hỷ mũi làm nước uống, ở đây có ai bị cái đó không? Cái đó thường lắm. Một thời gian sau nó phì ra, đàn bà xấu quắc, mắt teo, bụng nở, mụn không. Mà ở đâu nó ra? Toàn là do đời sống của mình, toàn sống theo cái thích không. Cho nên làm ơn phân biệt được cái BIẾT và cái NGHĨ. Cái hành lý của mình là chỉ đem theo cái gì mà mình BIẾT là cần thiết. Hạn chế những thứ mà mình NGHĨ là cần thiết. Bây giờ quý vị mới thấy đạo Phật ghê gớm. Tu từng chữ một.

 

—————————–

Bài viết được trích từ Bài Giảng Sư Toại Khanh – Berlin 2020, tác giả Tỳ Khưu Giác Nguyên 

Link  Bài Giảng Sư Toại Khanh – Berlin 2020
Link  tải sách ebook Bài Giảng Sư Toại Khanh – Berlin 2020
Link  video Bài Giảng Sư Toại Khanh – Berlin 2020
Link  audio Bài Giảng Sư Toại Khanh – Berlin 2020
Link  thư mục tác giả Tỳ Khưu Giác Nguyên 
Link  thư mục ebook Tỳ Khưu Giác Nguyên 
Link  giới thiệu tác giả Tỳ Khưu Giác Nguyên 
Link  tải app mobile Phật Giáo Theravāda

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app