4 Sự Thu Thúc Làm Nhân Duyên Để Hành Giả Chứng Đắc Các Tầng Thiền & Phát Triển Trí Tuệ & Những Lợi Ích Thiết Thực Của Việc Tu Tập Theo Chánh Pháp – Ngài Tam Tạng 10

Ngày hôm nay 27/11/2021 Ngài Tam Tạm 10 sẽ tiếp tục giảng về kết quả thiết thực của Sa môn hạnh được trình bày ở trong kinh Sa môn quả Sāmaññaphalasutta. Chúng ta trong thời gian này do dịch bệnh cho nên nghe pháp qua mạng internet để tiếp cận với giáo pháp, để nghe diệu pháp về kết quả thiết thực cao tột nhất dành cho các bậc Sa môn đang tu hành hạnh Sa môn. Nhìn một cách gián tiếp thì quý vị là những tu nữ, phật tử, Sa di, các thiền sinh đều có thể thực hành và gặt hái quả tương tự như đức Phật đã dạy..

 

Để bắt đầu thời pháp hôm nay tất cả chúng ta cùng nhau niệm Phật 3 lần

Namo tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhasa (03 lần)

Về Sa môn quả hay kết quả thiết thực của Sa môn hạnh được Ngài thuyết giảng trong hai lần thuyết pháp trước

  • Kết quả thiết thực thứ nhất của Sa môn hạnh đó là từ một người nô bộc sau khi xuất gia được sự cung kính, bảo vệ của nhà vua
  • Kết quả thứ hai cũng tương tự như vậy từ một người nông dân sau khi xuất gia tu tập trong giáo pháp của đức Phật được sự cung kính, cúng dường, tôn trọng và sự bảo vệ từ nhà vua. Sau đó nhà vua hỏi những kết quả thiết thực của Sa môn hạnh cao thượng hơn, đức Phật đã trả lời rằng: Trước hết một người xuất gia sau khi cạo bỏ râu tóc thì sống với 4 sự chế ngự của giới luật
  • Để đạt được kết quả thứ ba, hành giả hay một vị Sa môn phải có bốn sự thu thúc: 
  • Thứ nhất sự thu thúc trong giới bổn – sīlasampano :sự đầy đủ giới đức 
  • Thứ hai sự thu thúc đối với lục căn, sáu giác quan cần được thu thúc
  • Thứ ba phải có chánh niệm tỉnh giác
  • Thứ tư phải có sự biết đủ trong tứ sự: y phục, thuốc chữa bệnh, vật thực và chỗ ở
  • Đó là bốn sự thu thúc có thể làm nhân làm duyên để cho một Sa môn đạt đến kết quả thiết thực thứ ba của Sa môn hạnh đó là tầng thiền thứ nhất paṭhamaṃ jhāna

Trong những buổi thuyết pháp trước Ngài đã đề cập đến sự thu thúc thứ ba đó là sự chánh niệm tỉnh giác. Trong sự thu thúc liên quan đến chánh niệm, tỉnh giác, Ngài đã giải thích một cách tóm tắt việc đi tới đi lui phải chánh niệm tỉnh giác như thế nào. Ngài đã giải thích rằng khi đi tới, đi lui hay đi một nơi nào đó hành giả đó phải có sự chánh niệm tỉnh giác trên việc đi tới đi lui của mình, phải có sự hiểu biết đúng đắn về sự đi tới đi lui đó chỉ là những danh pháp và sắc pháp đang vận hành chứ không có người nào đi tới đi lui, không phải ta đi tới ta đi lui 

Cũng giống như trường hợp đi tới đi lui đã được Ngài giải thích trong lần trước, việc nhìn phía trước hay việc nhìn qua bên trái, bên phải, hay nhìn một vật gì đó, hành giả cũng cần áp dụng bốn sự tỉnh giác:

  • Thứ nhất đó là sự tỉnh giác hay sự hiểu biết về có lợi ích hay không có lợi ích
  • Thứ hai là sự hiểu biết về thích hợp hay không thích hợp 
  • Thứ ba là sự hiểu biết đối với đối tượng mình đang nhìn
  • Thứ tư là sự hiểu biết vô si

Cho nên hành giả nhìn một điều gì đó, một vật gì đó cần phải hiểu biết sự nhìn đó có thích hợp hay không thích hợp, có lợi ích hay không có lợi ích và nhìn với tâm liên quan đến thiền tập. Trong kinh có nói về ngài Nanda là người anh em cùng cha khác mẹ với đức Phật, khi còn ở đời ngài Nanda có cái nhìn thiếu tỉnh giác nên đã phải lòng với cô con gái tên là Janapadakalyāṇi. Sau khi xuất gia đức Phật đã tìm cách hoá độ cho tỳ khưu Nanda để trở thành một người xuất gia chân chánh. Trên con đường được đức Phật dẫn lên trên cõi trời để khuyến khích ngài Nanda tu tập thì đã gặp một con khỉ, rồi sau đó ngài Nanda lại nhìn thấy các vị tiên nữ. Qua sự nhìn thấy cô con gái khi còn ở đời, nhìn thấy con khỉ trên đường và nhìn thấy các tiên nữ ở cõi trời với sự thiếu tỉnh giác cho nên tâm tham đắm hay tâm sân hận có thể khởi sinh lên. 

Từ cõi trời trở về Jetavana, đức Phật khuyến khích ngài hãy nên tu tập nếu như muốn có được các vị tiên nữ đó. Ban đầu do tâm tham cho nên tỳ khưu Nanda đã tinh tấn tu tập, nhưng khi tinh tấn khi tập và chứng đắc các pháp thượng nhân tỳ khưu Nanda đã có cái nhìn đúng đắn khi nhìn qua trái qua trải hay nhìn phía trước, hay nhìn bất cứ điều gì đều có sự tỉnh giác, sự hiểu biết đúng đắn. Cho nên sau này tỳ khưu Nanda được đức Phật ca ngợi đệ nhất trong sự thu thúc lục căn, đặc biệt là sự thu thúc con mắt. 

Trong chú giải giải thích rất là nhiều về việc nhìn về phía trước, nhìn qua bên phải, nhìn qua bên trái. Chú giải giải thích rằng khi một người khởi lên tâm muốn nhìn vật gì đó, trước hết tâm muốn nhìn khởi sinh lên, chính tâm muốn nhìn đó tạo ra yếu tố gió vāyodhātu , chính yếu tố gió đã vận hành khiến cho con mắt mở ra được rộng hơn, nhìn tới phía trước. Tiến trình nhìn này chỉ là sự vận hành của danh pháp và sắc pháp theo nghĩa chân đế, bao gồm: tâm, yếu tố gió và yếu tố sắc của con mắt mà không phải là một người nào, hay một thực thể nào. Khi nhìn về phía trước, trong tiến trình tâm bao gồm các tâm sinh khởi. Trước hết là bhavaṅga quá khứ, sau đó là bhavaṅga dừng lại. bhavaṅga có nghĩa tâm hữu phần rung động, tâm hữu phần dừng lại. Những người nào học Vi diệu pháp rồi thì sau khi nghe các danh từ chuyên môn mới có thể hiểu được, hiểu dễ dàng, còn đối với người chưa học thì sẽ cảm thấy khó khăn. Tuy nhiên bây giờ chúng ta nghe xem như là tạo duyên, tạo cơ hội để học Vi diệu pháp sau này dễ hiểu hơn. Trong tiến trình nhìn tới phía trước hay nhìn vật gì đó, trong chú giải giải thích về tiến trình tâm nhiều hơn là giải thích các pháp khác. Trước hết để nhìn thấy một vật, dòng hữu phần sẽ dừng lại, trước khi hữu phần dừng lại sẽ có hữu phần quá khứ rồi sau đó mới đến ngũ môn hướng tâm,.. . Tiến trình này liên quan đến sự tỉnh giác hay sự hiểu biết vô si. Để có sự hiểu biết vô si trong tiến trình nhìn, trong chú giải giải thích rằng phải có con mắt – con mắt được ví như cái nhà, cái nhà này có người chủ. Sau đó con mắt tiếp xúc với vật ở bên ngoài, sẽ phát sinh tâm nhãn thức – cakkhu viññāṇa. Trong tâm cakkhu viññāṇa có tiến trình javana hay gọi là tốc hành tâm. Khi tiến trình cakkhu viññāṇa xuất hiện, có các tốc hành tâm, các tốc hành tâm này chú giải ví như các vị khách. Ngay cả chủ nhà là con mắt, không có cảm nhận được những khoái lạc hay niềm vui trong việc nhìn thì những người khách làm sao có thể cảm nhận được. Tiến trình này chỉ là tiến trình sinh diệt của các sắc liên quan đến con mắt và của các tâm liên quan đến tiến trình tâm mà thôi. Sự hiểu biết như vậy gọi là sự hiểu biết vô si. Trong tiến trình này trước khi bảy tốc hành tâm sinh khởi, có các tâm như tiếp nhận tâm, suy đạt tâm, quyết định tâm. Khi một người nhìn vật gì đó sẽ trải qua tiến trình này, trước hết phải có sự gặp gỡ, rồi suy tư (gọi là suy đạt), khi có sự suy tư, nhận biết cái này là cái gì sẽ đi đến sự quyết định. Sau đó đến các tâm đổng lực còn gọi là tốc hành tâm. Mỗi tâm ở trong tiến trình này đều có chức năng riêng của nó, và khi nó làm chức năng của mình rồi nó sẽ diệt đi để cho các tâm khác sinh khởi. Trong tiến trình này chỉ là sự vận hành các tâm làm nhiệm vụ chức năng của nó gọi là citta niyāma – quy luật của tâm chứ không có một thực thể nào tồn tại mãi mãi, hay một chúng sinh nào trong tiến trình này mà chỉ là các tâm làm chức năng nhiệm vụ của mình. Đây là một tiến trình mà nếu hành giả có thể nhận biết được, hiểu rõ thì hành giả được gọi là có sự tỉnh giác vô si

Trên phương diện uẩn, hay khandha hành giả cũng có thể có được sự tỉnh giác hay là sự hiểu biết vô si. Vậy làm thế nào để có sự hiểu biết vô si. Liên quan đến khandha hay là uẩn, ngũ uẩn, khi con mắt nhìn thấy sắc, khởi sinh lên nhãn thức. Đây là ba yếu tố khởi sinh lên trong khi một người nhìn thấy vật gì đó. Trước hết phải có con mắt, thứ hai là có vật để con mắt nhìn thấy và thứ ba là khi con mắt nhìn thấy vật sẽ có sự nhận biết vật đó khởi sinh lên gọi là nhãn thức. Theo ngũ uẩn con mắt và sắc hay cái vật được nhìn thấy là sắc uẩn, nhãn thức được gọi là thức uẩn và mỗi khi có thức uẩn đều có các pháp khởi sinh lên tương ứng trong thức uẩn như là cảm thọ, tư, tác ý, mạng căn,… có các tâm sở cùng khởi sinh lên với nhãn thức. Và trong các tâm sở này, các cảm thọ thuộc về thọ uẩn, sự nhận biết phân biệt được màu sắc hay là phân biệt được hình ảnh – yếu tố đó được gọi là tưởng uẩn (sự nhận biết) và những yếu tố khác ngoài thọ và tưởng gọi là hành uẩn. Như vậy trong sự nhìn đối với một vật nào đó có 5 uẩn cùng sinh khởi. Nếu như có sự hiểu biết hay phân biệt rõ 5 yếu tố hay ngũ uẩn này ở trong một cái nhìn thôi, người đó được gọi là sự tỉnh giác hay sự hiểu biết vô si liên quan đến ngũ uẩn

Các chúng sinh có sự khác nhau về sự nhận thức, cho nên các đối tượng hành thiền cũng có sự khác nhau, sự hiểu biết đối với các pháp chân đế cũng có thể khác nhau. Chính vì vậy trong cái nhìn các pháp chân đế qua ngũ uẩn, có người trong cái nhìn đó nhưng mà họ nhìn qua tiến trình tâm, có người cũng trong cái nhìn đó nhưng họ nhìn qua 12 xứ, hay 18 giới. Mười hai xứ đó là sáu giác quan ở bên trong với sáu trần cảnh bên ngoài. Mười tám giới đó là sáu giác quan bên trong, sáu trần cảnh bên ngoài và sáu thức hình thành lên mười tám giới. Cũng là các pháp chân đế nhưng tuỳ vào căn tính của mỗi người khác nhau cho nên sự hiểu biết cũng có sự khác nhau liên quan đến các pháp chân đế. Trên phương diện gọi tên khác nhau nhưng các pháp chân đế đều giống nhau, chỉ khác nhau trên mỗi phương diện đó là tiến trình tâm, ngũ uẩn, 12 xứ hay là 18 giới. Đối với 12 xứ, trong cái nhìn là con mắt nhìn thấy sắc ở bên ngoài thì con mắt thuộc về nội xứ, sắc bên ngoài thuộc về ngoại xứ, và khởi sinh lên sự nhận thức đối với sắc đó. Trong sự nhận thức đó có các tâm sở khởi sinh lên cho nên thức hay sự nhận biết sắc đó được gọi là manonaṭana – ý xứ.  Và trong manonaṭana có các tâm sở, và trong các tâm sở này được gọi là dhammanaṭana – pháp xứ. Như vậy trong trong một cái nhìn có 4 xứ. Thứ nhất nhãn sứ, thứ hai sắc xứ, thứ ba là ý xứ và thứ tư là pháp xứ. Nếu như một người nhìn với các pháp chân đế như vậy sẽ không có các pháp bất thiện sẽ sinh khởi, không có tham, cũng không có sân. Nhưng nếu nhìn theo tục đế thì các pháp bất thiện tham, sân có thể sinh khởi. Và nếu như một người có sự hiểu biết đúng đắn các pháp chân đế trong cái nhìn như vậy trên phương diện 12 xứ thì người đó được gọi là có sự tỉnh giác vô si. 

Trên một phương diện khác đó là phương diện nhân duyên paṭhana hay duyên hệ. Đối với những phương diện trước như là tiến trình tâm, ngũ uẩn, hay 12 xứ thì trong trường hợp duyên hệ trước hết chúng ta nên hiểu rằng có 3 yếu tố giống như các phương diện đã được trình bày đó là con mắt, thứ hai là vật được nhìn thấy hay sắc, và thứ ba là yếu tố nhận biết sắc gọi là nhãn thức. Liên quan đến duyên hệ thì khó hơn một chút, nhưng nếu hiểu được sẽ hiểu thêm được một khía cạnh của tỉnh giác vô si. Trong duyên hệ paṭhana trước hết là yếu tố con mắt đóng vai trò là nhân, nhân này gọi là y chỉ duyên nissaya. Nhờ dựa vào duyên này, duyên nissaya là con mắt mới có được sự nhận biết gọi là nhãn thức. Nhãn thức là kết quả nhờ duyên con mắt, đồng thời đối tượng gọi là sắc thì gọi là ārammaṇa paccaya – duyên cảnh, cảnh duyên. Và nhờ có cảnh duyên nên có nhãn thức. Như vậy để có nhãn thức sinh khởi, điều kiện tối thiểu là phải có cảnh duyên gọi là sắc, y chỉ duyên nissaya là con mắt. Khi hiểu biết về duyên hệ trong tiến trình nhìn một vật nào đó như được trình bày thì được gọi là tỉnh giác vô si

Trong nhãn thức cũng có các tâm sở đồng sinh với nhãn thức. Theo tiến trình sinh khởi của các pháp chân đế, tâm và tâm sở có bản chất là đồng sinh và đồng diệt. Cho nên khi một tâm sinh khởi thì các tâm sở tương quan cũng cùng sinh với tâm đó. Theo duyên hệ thì sự đồng sinh này gọi là sahajātapaccaya – đồng sinh duyên. Nhờ các duyên đồng sinh cho nên các tâm và tâm sở nó cùng sinh và cùng diệt. Đối với những pháp duyên hệ như thế này,  không những các tâm và tâm sở đồng sinh lên chỉ có 1 duyên mà có tới 6 duyên. Đối với một người bình thường thì tương đối khó, nhưng nếu chúng ta nghe qua, chúng ta cũng hình dung được sự vận hành của các pháp chân đế, của danh pháp và sắc pháp, của tâm và tâm sở nó vi tế chứ không phải đơn giản. Nếu như có sự hiểu biết đúng đắn và sâu sắc thì phải có sự hiểu biết trên nhiều phương diện khác nhau như vậy. Và sự hiểu biết đó là một phần của tỉnh giác. Và đó là tỉnh giác vô si

Để một nhãn thức sinh khởi, trước nhãn thức có một tâm gọi là avasāna hướng tâm. Hướng tâm này chính là duyên để cho nhãn thức sinh khởi. Duyên ở đây là vô gián duyên có nghĩa là cái duyên mà nó liên tục. Nhờ cái duyên avasāna hay là hướng tâm này mới có nhãn thức. Nói cách khác nhãn thức sinh khởi thông qua vô gián duyên avasāna hay là hướng tâm

Mặc dù trong kinh đức Phật chỉ đề cập đến sự nhìn tới phía trước, nhìn qua bên phải nhìn qua bên trái nhưng trong chú giải thì giải thích trên nhiều phương diện khác nhau. Đó là trên phương diện tiến trình tâm, ngũ uẩn, 12 xứ,.. Chú giải giải thích rằng hành giả nếu như có thể hiểu biết những pháp chân đế trong khi nhìn thì có khả năng dẫn đến sự chứng đắc Thánh đạo, Thánh quả. Và ở trong lịch sử Phật giáo được ghi chép lại trong chú giải có rất nhiều vị đại trưởng lão qua sự thực hành như vậy mà có thể chứng đắc Thánh đạo, Thánh quả.

Trong phần chánh niệm tỉnh giác, đức Phật Ngài đề cập đến sự đi tới đi lui của một vị tỳ khưu cũng cần phải có chánh niệm tỉnh giác, khi nhìn tới phía trước, nhìn qua bên phải nhìn qua bên trái vị tỳ khưu có sự chánh niệm tỉnh giác. Vừa rồi Ngài tam tạng trình bày sơ lược về 4 hành động này: đi tới, đi lui, nhìn phía trước, nhìn qua bên phải bên trái và những hành động ở trong phần chánh niệm tỉnh giác này như một vị tỳ khưu khi mang bát, mang y vai trái, mang y tăng già lê, khi duỗi tay, duỗi chân,… ngài tam tạng nói rằng rất là dài và cũng tương tự như 2 phần giải thích phía trước đó là đi tới đi lui, và nhìn tới phía trước, nhìn qua bên phải, nhìn qua bên trái. Trong thời pháp không có nhiều thời gian để trình bày hết được, chúng ta có thể tìm đọc thêm hoặc có thể hiểu tương tự như vậy: Khi làm một hành động gì thì cũng đều có thể tỉnh giác trên nhiều phương diện khác nhau. Và để hiểu được các pháp chân đế ở trong những hành động đó, hành giả cần có sự tỉnh giác vô si

Tiếp theo đây, ngài sẽ trình bày yếu tố thu thúc thứ tư đó là thiểu dục tri túc đối với tứ vật dụng mà một vị tỳ khưu sử dụng hàng ngày. Đức Phật ngài dạy rằng đối với một vị tỳ khưu, một người xuất gia giống như một con chim chỉ có hai cái cánh, đi đâu cũng chỉ mang hai cái cánh mà thôi. Cũng tương tự như vậy, một vị tỳ khưu đi đâu cũng chỉ cần mang tám món vật dụng của một người tỳ khưu chứ không có nhiều thứ khác lỉnh kỉnh

Trong chú giải giải thích về thiểu dục tri túc santuṭṭhi đối với các món vật dụng như sau: Đối với mỗi món vật dụng như vậy đều có 3 khía cạnh của thiểu dục tri túc: vật dụng thứ nhất là y phục cũng có 3 khía cạnh, thứ hai là vật thực cũng có 3 khía cạnh, thứ ba chỗ ở và thứ tư thuốc chữa bệnh cũng có 3 khía cạnh. Bốn món vật dụng nhìn trên ba khía cạnh của thiểu dục tri túc sẽ trở thành 12 phương diện của thiểu dục tri túc. 

  • Trước hết đối với y phục, một vị tỳ khưu thoả mãn và biết đủ đối với các y mà mình có được. Y phát sinh như thế nào thì vị tỳ khưu thiểu dục, biết đủ, thoả mãn với y phục đó. 
  • Thứ hai cái y đó khởi sinh lên theo điều kiện của vị tỳ khưu đó như thế nào thì vị tỳ khưu cũng thoả mãn và biết đủ với y phục đó
  • Thứ ba y phục nó khởi sinh lên như thế nào tuỳ theo khả năng của vị tỳ khưu đó thì vị tỳ khưu cũng thoả mãn và biết đủ với y phục đó

Đó là ba khía cạnh liên quan đến thiểu dục tri túc đối với y phục. Cũng tương tự như vậy, áp dụng cho 3 vật dụng còn lại đó là chỗ ở, thuốc chữa bệnh và vật thực. Mỗi thứ cũng có 3 phương diện của thiểu dục tri túc đó là được khởi sinh lên như thế nào, tuỳ theo điều kiện như thế nào và khả năng như thế nào thì vị tỳ khưu đều thoả mãn và biết đủ với những thứ vật dụng đó

Ở trong chú giải giải thích về thiểu dục tri túc khá dài, đặc biệt là có những tích truyện liên quan đến các bậc đại trưởng lão từ thời đức Phật cho đến sau này được ghi chép lại để cho các hàng hậu bối lấy làm tấm gương sáng để noi theo. Do không có nhiều thời gian để đề cập hết nên Ngài tam tạng sẽ tiếp tục theo bài giảng ở trong Chánh tạng 

Sau khi một vị tỳ khưu có được bốn sự thu thúc đó là thu thúc trong giới, thu thúc lục căn, thu thúc trong sự chánh niệm tỉnh giác và thu thúc trong sự biết đủ hay thiểu dục tri túc, vị tỳ khưu đó có thể đoạn trừ được năm triền cái. Đó là năm pháp chướng ngại. Để có sự đoạn trừ năm pháp chướng ngại, một vị tỳ khưu phải có đủ 4 sự thu thúc một cách trọn vẹn.

Trong chú giải giải thích rằng những vị tỳ khưu hay những hành giả mà muốn tu tập ở trong rừng, sau khi thành tựu bốn sự thu thúc đó hành giả mới có được những điều kiện tốt để tu tập ở trong rừng, nếu không tỳ khưu đó hay hành giả đó có thể gặp những khó khăn, trở ngại như là bị các phi nhân quấy phá, bị các thọ thần trong rừng cản trở,… khi không có đầy đủ bốn sự thu thúc như mới đề cập. Theo chú giải những vị tỳ khưu hay hành giả có thành tựu đầy đủ bốn sự thu thúc mới đề cập các vị chư thiên, thọ thần ở trong rừng sẽ thấy rằng những vị tỳ khưu, những hành giả này tu tập đúng với pháp của đức Phật, cho nên họ sẽ ra sức bảo vệ, hỗ trợ hay khiến cho những vị chư thiên, những người khác biết được rằng những vị tỳ khưu, những hành giả này có sự tu tập đúng đắn.

Trong kinh giải thích rằng đối với những vị tỳ khưu hay những hành giả có đầy đủ 4 sự thu thúc vừa rồi sẽ đi vào trong rừng, sau khi thọ thực xong hành giả ngồi xếp bằng, giữ lưng và cổ thẳng đứng, giữ niệm trước mặt và thực hành đề mục thiền của mình. Khi hành giả hay vị tỳ khưu ngồi như vậy, nhiếp tâm như vậy để ngăn chặn 5 pháp chướng ngại nīvaraṇa là 5 triền cái có thể sinh khởi ở trong tâm. Năm triền cái hay năm pháp chướng ngại ở đây được giải thích khá rộng, khá sâu ở trong chánh tạng. Thứ nhất đó là abhijjhā ở đây là kāmachanda dục tham có nghĩa là sự nhớ nghĩ hay sự dính mắc đối với thân này, sự nhớ nghĩ hay sự dính mắc đối với những đối tượng ở bên ngoài như là sắc thanh hương vị xúc. Khi hành giả nhiếp tâm ở trên đề mục thì có thể ngăn chặn được triền cái thứ nhất đó là dục tham này

Triền cái hay pháp chướng ngại thứ hai đó là byāpāda  đó là sân. Sân ở đây có thể sinh khởi phụ thuộc vào đối tượng bên trong và đối tượng bên ngoài. Ví dụ khi hành giả đang ngồi, nếu như cảm giác đau nhức thì có thể khiến cho tâm sân sinh khởi, cho nên thay vì cho tâm sân sinh khởi hành giả phải có sự tác ý đúng đối với những cảm giác, cảm thọ đó. Hoặc là hành giả nghĩ về những người đã từng oan trái với mình, đã từng làm cho mình đau khổ thì tâm sân cũng có thể sinh khởi và khi những tâm sân này sinh khởi nó sẽ cản trở, ngăn chặn những thiện pháp và sự hành thiền. Cho nên tâm sân này gọi là pháp chướng ngại hay triền cái đối với pháp tu tập. Chính vì vậy trước khi ngồi thiền hành giả được khuyên nên có những bước chuẩn bị đó là cúng dường thân ngũ uẩn đến đức Phật hay rải tâm từ đến tất cả chúng sinh hay quan sát, quán tưởng thân này chỉ là bộ xương mà thôi. Qua những bước chuẩn bị như vậy, hành giả có thể ngăn chặn một phần nào tâm tham, tâm sân có thể sinh khởi

Triền cái tiếp theo, hay chướng ngại tiếp theo là thīnamiddha buồn chán, buồn ngủ. Những trạng thái tâm buồn chán, nặng nề, buồn ngủ, rã rượi,.. đều nằm trong chướng ngại thīnamiddha này. Để pháp chướng ngại buồn chán buồn ngủ thīnamiddha nó không sinh khởi hành giả khi hành thiền nhất là ānāpānasati có thể thở nhanh hơn bình thường một chút, có thể thở mạnh hơn để cho tâm rã rượi, buồn ngủ có thể biến mất đi, hay trong Tăng chi bộ kinh đức Phật cũng có chỉ phương pháp để loại trừ tâm thīnamiddha buồn chán, buồn ngủ này. Đức Phật dạy rằng một người khi hành thiền nếu có tâm buồn chán, buồn ngủ có thể nhìn vào ánh sáng hay đi rửa mặt, hay có thể kéo hai lỗ tai của mình…

Pháp chướng ngại hay triền cái tiếp theo là uddhaccakukkucca, uddhacca có nghĩa là phóng tâm, kukkucca là sự hối tiếc hay trạo hối. Sự phóng tâm là sự nghĩ ngợi việc này việc kia, còn sự hối tiếc hay trạo hối là tiếc những việc đã làm rồi hay tiếc việc chưa có làm, việc xấu đã làm rồi hay việc tốt chưa có làm hay không được làm cũng gọi là hối tiếc. Hối tiếc về những việc mình không có làm cho cha mẹ mình, hối tiếc về việc mình không có học phật pháp, hay những việc xấu mình đã làm đều nằm trong kukkucca hay gọi là trạo cử hay hối tiếc. Để đoạn trừ được sự hối tiếc hay phóng tâm này phải có tâm định. Cho nên thay vì hối tiếc hay nghĩ ngợi chuyện này chuyện kia vô ích, hành giả nên chú tâm trên đề mục thiền của mình để phát triển định tâm, và khi có sự định tâm rồi thì triền cái trạo cử, trạo hối này nó sẽ không có mặt

Triền cái hay pháp chướng ngại tiếp theo đó là nghi ngờ vicikicchā.  Hành giả khi hành thiền có khởi sinh lên tâm nghi ngờ về đức Phật, về giáo Pháp, về chư Tăng, về sự thực hành. Những sự nghi ngờ đó làm cho tâm bị dao động giống như một người ở ngã ba đường không biết đi hướng nào – đó là tâm bất thiện. Để đoạn trừ tâm bất thiện hành giả thay vì suy nghĩ nhiều, hành giả chỉ cần quan sát và duy trì sự chú tâm trên đề mục để phát triển sự định tâm, và khi có sự định tâm rồi có sự an trú rồi thì tâm nghi ngờ sẽ tự động biến mất

Năm pháp chướng ngại, hay năm triền cái này nó cản trở tâm của hành giả đạt được những pháp cao thượng như là định tâm hay trí tuệ. 

  • Trong kinh đức Phật ngài ví dụ rằng, một người có dục tham giống như một người mắc nợ, một người mắc nợ luôn luôn lo nghĩ phải trả nợ như thế nào, làm như thế nào để có tiền mà trả nợ, không có đi lại một cách thoải mái, tự do. Cũng tương tự như vậy một người có dục tham, tham đắm đối với thân này, dính mắc đối với bà con thân quyến, tài sản vật chất, những tâm tham đó có thể cản trở hành giả thành tựu pháp thượng nhân. 
  • Đức Phật ví dụ tâm sân byāpāda giống như một người mà bị bệnh tật, một người mà bị bệnh tật sẽ làm cho người đó không an yên, không có ngủ yên, muốn ăn cái gì cũng không ăn được, muốn ngủ cũng không ngủ ngon. Một người có tâm sân, sân hận với chính mình, với những cảm giác cảm thọ đau nhức, sân hận với những người những vật mình không ưa thích, trái ý nghịch lòng sẽ làm cho người đó không có yên ổn, làm cho người đó đau khổ. 
  • thīnamiddha buồn chán, buồn ngủ được đức Phật ví dụ như là ngục tù. Một người ở trong tù không thể có tự do, không có thể gần gũi với bà con thân quyến, ngục tù ngăn chặn người đó khỏi sự tiếp xúc ở bên ngoài. Cũng tương tự như vậy một người bị thīnamiddha chi phối, người đó nhàm chán, buồn ngủ. Chính sự nhàm chán buồn ngủ ngăn chặn người đó thực hành thiện pháp, ngăn chặn người đó đạt được các pháp cao thượng như là định tâm hay trí tuệ
  • Pháp chướng ngại hay triền cái thứ tư uddhaccakukkucca trạo hối trạo cử được đức Phật ví dụ như đời sống của một người đầy tớ. Một người đầy tớ sẽ bị ngăn chặn bởi người chủ, không có được làm những điều giống như người đó mong muốn mà phải làm theo ý của chủ mình. Cho nên một người bị chịu sự chi phối của trạo hối trạo cử bị ngăn chặn tiếp cận với những pháp thiện hay những pháp cao thượng định tâm và trí tuệ
  • Pháp chướng ngại hay triền cái thứ năm nghi ngờ vicikicchā được đức Phật ví dụ giống như một người ở giữa sa mạc. Một người ở giữa sa mạc đi buôn bán có được tài sản thì sẽ có sự dao động, nghi ngờ, không biết tài sản của mình có thể đến nơi hay không, đi hướng nào cho đúng để có thể đến nơi mình muốn đến. Một người nghi ngờ trong sự thực hành các pháp của đức Phật cũng như vậy, không có hoàn toàn tin tưởng vào đức Phật, không có hoàn toàn tin tưởng vào sự thực hành của mình, người đó sẽ có sự dao động trên con đường tu tập của mình. Chính sự dao động đó ngăn chở không có đạt được các pháp thượng nhân, không có thực hành được các thiện pháp

Một người thoát khỏi được bệnh tật, thoát khỏi được ngục tù, thoát khỏi được sa mạc,.. người đó sẽ có được sự tự do, an lạc. Tượng tự như vậy một người thoát khỏi 5 triền cái đó là dục tham, sân, buồn chán buồn ngủ, trạo hối trạo cử và nghi ngờ, người đó sẽ an trú tâm ở trên đề mục thiền, nhờ vậy có hỷ lạc có sự an tịnh sinh khởi, người đó sẽ cảm nhận được pháp an lạc, an tịnh, định tâm. Một người thoát khỏi được 5 triền cái sẽ thành tựu những pháp an lạc như vậy. Và hành giả đó sau khi thoát khỏi 5 triền cái, an trú trên đề mục thiền sẽ có những hiện tượng mà chú giải gọi là hảo tướng và quang tướng. Hảo tướng là những hiện tượng ở trong tâm khởi sinh lên khi hành giả thực hành thiền hơi thở vào hơi thở ra như là luồng khói trắng hay miếng bông gòn mờ mờ, và có thể nhìn thấy hình ảnh màu xám, màu trắng. Những hình ảnh, hiện tượng xuất hiện trong tâm như vậy gọi là hảo tướng uggaha nimitta. Còn quang tướng ở đây là những hiện tượng sáng hơn, rõ ràng hơn. Chẳng hạn như là hành giả có thể nhìn thấy ánh sáng giống như là mặt trăng, ánh sáng của vì sao, những hình ảnh đó gọi là paṭibhāga nimitta

Khi hành giả quan sát hơi thở và ánh sáng cùng một lúc trên lỗ mũi của mình nghĩa là khi ánh sáng và hơi thở là một, hành giả quan sát hình ảnh đó và một thời gian thì những thiền chi sẽ xuất hiện. Thiền chi ở đây là tầm – vitakka, tứ – vicāra, hỷ – pīti, lạc – sukkha và nhất tâm ekaggatā. Đây là 5 thiền chi hành giả có thể trải nghiệm và khi 5 thiền chi này vững mạnh hành giả được gọi là chứng sơ thiền paṭhamajjhāna

Có một điều khá là kỳ lạ đó là trong Trường bộ kinh đức Phật không có đề cập đến chi thiền thứ năm nhất tâm ekaggatā và trong chú giải của Luật tạng có giải thích rằng: Đối với một người chứng đạt nhất thiền thì trong đó đã có nhất tâm, cho nên trong trường bộ kinh Ngài không nói đến nhất tâm mà ngài chỉ nói đạt đến nhất thiền mà thôi. 

Liên quan đến các thiền chứng như nhất thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, đức Phật có nhiều ví dụ trong kinh. Đối với nhất thiền đức Phật lấy ví dụ một người chứng nhất thiền, hỷ lạc lan toả toàn thân giống như nước có thể thấm nhuần vào bột tắm. Hồi xưa khoa học không có tiến bộ như bây giờ nên người ta chỉ làm ra bột tắm thay cho xà phòng tắm như bây giờ. Họ làm những bột tắm từ những dược liệu, khi hoà với nước, nước thấm nhuần toàn bộ bột tắm

Và nếu như hành giả tinh tấn thực hành thì có thể đạt được nhị thiền – tầng thiền thứ hai không có tầm tứ mà chỉ có hỷ lạc, nhất tâm mà thôi. Một người chứng được nhị thiền, hỷ lạc thấm nhuần như một hồ nước được đóng kín không có một cửa nào nước có thể thoát ra được, nước có thể thấm được toàn bộ những nơi trong hồ đó. Cũng như vậy một người chứng nhị thiền tâm hỷ lạc sẽ thấm nhuần toàn thân mà không chỗ nào bỏ xót

Và nếu như hành giả tinh tấn thực hành thì có thể đạt được thiền chứng thứ ba – tam thiền có lạc và nhất tâm. Khi đó yếu tố hỷ sẽ được loại trừ. Một người chứng được tam thiền, thiền chi lạc sẽ thấm nhuần trong châu thân, giống như hoa sen còn nằm dưới hồ nước thì không có chỗ nào nước không thấm nhuần.

Hành giả sau khi có được 4 sự thu thúc, thu thúc trong giới, thu thúc lục căn, thu thúc với sự chánh niệm tỉnh giác và thu thúc bằng sự thiểu dục tri túc sẽ dẫn đến sự đoạn trừ 5 triền cái. Nhờ đoạn trừ năm triền cái cho nên hành giả đạt được kết quả hiện thực của Sa môn hạnh thứ ba đó là nhất thiền. Trong trường hợp này hành giả thực hành thiền hơi thở vào hơi thở ra, ngoài đề mục này hành giả sau khi có được những điều kiện như vậy rồi, nếu như không có thực hành đề mục hơi thở vào hơi thở ra hành giả có thể thực hành đề mục paṭhavī kasina đất biến xứ hay đề mục gió biến xứ hay đề mục thiền định khác để phát triển định tâm. Nếu như hành giả có khả năng phát triển định tâm để đạt được nhất thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền là một điều tốt, còn nếu như không có đủ điều kiện thì có thể phát triển được định tâm trên những đề mục có thể đạt được cận định hay sát na định. Trên nền tảng an chỉ định cận định hay sát na định, hành giả có thể thực hành thiền vipassana. Sau khi chứng được nhất thiền, nhị thiền, tam thiền hành giả xuất gia khỏi những thiền chứng đó và quan sát những thiền chi trên 3 phương diện đó là vô thường, khổ, vô ngã cũng như các sắc pháp khởi sinh lên thông qua tâm thiền đó cũng trên 3 phương diện vô thường, khổ, vô ngã. Hay nếu như hành giả nào không có đạt được những thiền chứng như vậy mà chỉ dựa trên cận định hay sát na định cũng có thể thực hành thiền vipassana để đạt đến những pháp thượng nhân như là Thánh đạo tuệ, Thánh quả tuệ

Và đó là bài pháp ngài chia sẻ tới các phật tử trong ngày hôm nay. Ngay bây giờ tất cả chúng ta sẽ cùng nhau thực hành thiền đề mục hơi thở vào hơi thở ra sau khi chúng ta đã có được những điều kiện thuận lợi như là 4 sự thu thúc cũng như là có thể ngăn chặn được những triền cái. Và bây giờ chúng ta sẽ cùng như thực hành thiền ānāpānasati chánh niệm trên hơi thở vào hơi thở ra

Ngài tin rằng mọi người bây giờ cũng đã có sự viễn ly, xa lánh các pháp chướng ngại, cũng như có một sự an trú tâm nhất định. Do vậy tất cả chúng ta nên tâm niệm rằng đề mục thiền ānāpānasati chánh niệm trên hơi thở vào hơi thở ra là đề mục thiền mà chư phật đã thực hành. Bây giờ chúng ta cũng thực hành đề mục này. Khi mà tâm niệm như vậy, chúng ta có sự hoan hỷ. Và ngay bây giờ tất cả hãy ngồi với lưng thẳng đứng, cổ thẳng đứng, thoải mái, thư giãn, nhắm mắt và ngậm miệng, chú ý đến hơi thở vào hơi thở ra ở lỗ mũi. Khi hơi thở vào biết rõ hơi thở đang đi vào, khi hơi thở ra biết rõ hơi thở đang đi ra tại điểm tiếp xúc của hơi thở và lỗ mũi. Biết rõ hơi thở từ đầu đến cuối hơi thở

Và bây giờ ngài sẽ chúc phúc cho tất cả quý phật tử chúng ta đặc biệt là cầu chúc cho tất cả phật tử cũng như thân quyến, cầu chúc cho tất cả chúng sinh ở Việt Nam cũng như trên thế giới tránh khỏi mọi điều rủi ro, tai hại, tránh khỏi mọi bệnh tật, luôn an lạc với gia đình, thuận duyên trong sự tu tập chánh pháp và thành tựu như ý nguyện.

 

TỔNG HỢP NHỮNG BÀI THUYẾT PHÁP CỦA NGÀI TAM TẠNG 10

 

Bài Pháp do Ngài Đại Trưởng Lão Tam Tạng 10 thuyết ngày 27/11/2021 qua Zoom và được Sư Thiện Đức, Tiến sĩ Phật học, hỗ trợ chuyển ngữ tiếng Việt. Bản text do Đào Duy Thắng gõ tốc ký.

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa. Nhận thấy những lợi lạc vô cùng quý báu của Dhamma mà Bậc Giác Ngộ chỉ dạy, khoảng Rằm tháng 4 âm lịch năm 2020, con Dhamma Nanda và các bạn hữu Dhamma đã có tác ý phát triển trang Theravada.vn và hệ thống Phật Giáo Theravāda, nhằm tổng hợp lại các tài liệu Dhamma quý báu mà các Bậc Trưởng Lão và các Bậc Thiện Trí đã dày công lưu giữ và truyền dạy, nhằm đem lại lợi lạc đến nhiều người, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam.

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app